THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:10

Hà Nội: Kịp thời hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên hàng quý

BHXH TP Hà Nội yêu cầu Văn phòng, các phòng nghiệp vụ, BHXH quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc các văn bản của BHXH Việt Nam, UBND TP Hà Nội về thực hiện BHYT HSSV. Cùng với đó, BHXH các quận, huyện, thị xã tiếp tục tham mưu cho quận, huyện, thị ủy, UBND quận, huyện, thị xã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện công tác BHYT HSSV phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT; đưa chỉ tiêu tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, cũng như để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị; chỉ đạo các cơ sở giáo dục cấp và gia hạn thẻ BHYT HSSV thông qua giao dịch điện tử, phối hợp với cơ quan BHXH hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID cho HSSV; chỉ đạo các phòng, ban, ngành có liên quan phối hợp với cơ quan BHXH tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT HSSV trên địa bàn.

Đối với công tác thu, cấp thẻ BHYT HSSV, BHXH thành phố yêu cầu các đơn vị hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, dữ liệu do các cơ sở giáo dục chuyển đến (lập và gửi danh sách cấp thẻ BHYT HSSV theo hình thức giao dịch điện tử); rà soát, đối chiếu để kịp thời cấp mới, gia hạn thẻ BHYT HSSV, tránh tình trạng cấp thiếu hoặc trùng thẻ; cung cấp danh sách thẻ BHYT sắp hết giá trị sử dụng gửi đến các cơ sở giáo dục để đôn đốc HSSV tiếp tục tham gia; hướng dẫn cài đặt ứng dụng “VssID-Bảo hiểm xã hội số” cho HSSV để sử dụng hình ảnh thẻ BHYT hoặc Căn cước công dân gắn chíp khi đi khám chữa bệnh BHYT.

Các cơ sở giáo dục lưu ý khi lập danh sách HSSV tham gia BHYT (để cấp mới, gia hạn thẻ BHYT): Đối với học sinh chưa có Căn cước Công dân (học sinh tiểu học, THCS, …) cần bắt buộc có số định danh công dân (do Công an phường, xã cấp theo quy định tại Thông tư số 59/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an); đối với học sinh đầu cấp học, sinh viên năm thứ nhất, các học sinh có thẻ BHYT đối tượng khác đã hết hạn sử dụng… lần đầu tham gia BHYT tại cơ sở giáo dục, khi lập danh sách tham gia BHYT, cơ sở giáo dục cần yêu cầu HSSV cung cấp mã số BHXH đã có (số thẻ BHYT đã có trước đó).

Về mức đóng, theo thông tin từ BHXH Việt Nam, trong năm học 2022-2023, mức đóng BHYT HSSV giữ nguyên, không tăng so với năm học trước. Như vậy, mức đóng BHYT của HSSV trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước là 804.600 đồng/người/năm, nhưng được kinh phí từ ngân sách hỗ trợ 30% mức đóng, nên số tiền HSSV thực đóng là 563.220 đồng/người/năm. Học sinh, sinh viên là thành viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt, là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ cấp thẻ hoặc được hỗ trợ mức đóng nhiều hơn so với quy định chung.

f2a533353a80840f66083099e98f5a26

Ngoài mức hỗ trợ chung, 30/30 quận, huyện, thị xã ở Hà Nội đều có chương trình, kế hoạch cụ thể về phát triển BHXH, BHYT với tinh thần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tại huyện Quốc Oai, đã đặt chỉ tiêu cho từng địa phương, đơn vị, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đưa chính sách BHXH, BHYT vào đời sống. Bằng cách này, số người tham gia BHXH ở huyện Quốc Oai hiện đạt 40,35% lực lượng lao động trong độ tuổi, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91,9% dân số.

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Liên đoàn Lao động các cấp cùng cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, đối thoại với người lao động, người sử dụng lao động về tình hình thực hiện chính sách BHXH tại các đơn vị, doanh nghiệp, qua đó đôn đốc người lao động tham gia. Đặc biệt, các bên triển khai đồng bộ chính sách giúp người lao động ổn định đời sống, yên tâm làm việc, tham BHXH, BHYT lâu dài. Đối với học sinh, sinh viên, ngành Giáo dục và Đào tạo đang rà soát dữ liệu, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động 100% HSSV tham gia BHYT trong năm học 2022-2023…

Với sự nỗ lực của nhiều ngành từ trung ương tới cơ sở, hy vọng, mục tiêu mở rộng phụ huynh và HSSV có thể lựa chọn đóng theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng, nghĩa là có thể đóng thành nhiều đợt. Tham gia chính sách này, HSSV được cấp thẻ BHYT, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường hoặc cơ sở y tế theo quy định; được chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng…

Tính đến hết năm học 2020-2021, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT toàn quốc đã đạt 95,4%, tăng 2% so với năm học 2019-2020. Đây là một kết quả rất tích cực cho thấy sự thay đổi trong nhận thức về tham gia BHYT của HSSV, các bậc phụ huynh và cơ sở giáo dục. Qua thống kê, tỉ lệ bao phủ BHYT HSSV đang phát triển ổn định và tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2016, cả nước có khoảng 15,9 triệu HSSV tham gia BHYT (đạt tỉ lệ hơn 92,5%) thì đến nay, cả nước đã có trên 19 triệu HSSV tham gia (đạt tỉ lệ hơn 96%), trong đó trên 12,4 triệu HSSV tham gia BHYT tại nhà trường và trên 4,6 triệu HSSV tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác.

Theo thống kê, đến nay đã có hàng chục triệu lượt HSSV được quỹ BHYT chi trả kinh phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, trong đó có nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y, bệnh mạn tính đã được thanh toán hàng tỉ đồng. Qua việc tham gia BHYT, mỗi năm đã có gần 1.000 tỉ đồng được trích lại các cơ sở giáo dục để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV, kịp thời hỗ trợ cho các em khi xảy ra tai nạn hoặc ốm đau.

Số HSSV tham gia BHYT không ngừng tăng qua các năm cho thấy, nhận thức của các bậc phụ huynh và HSSV về quyền lợi, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT… đã được nâng cao. Bên cạnh đó, trong xu thế quyền lợi khám chữa bệnh về BHYT cho người tham gia ngày càng được mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao, HSSV cũng được thụ hưởng nhiều lợi ích hơn nữa từ quỹ BHYT. Nhìn vào kết quả thực hiện công tác khám chữa bệnh BHYT cho HSSV thời gian qua cho thấy, quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như: Suy thận, ung thư, tim mạch… với chi phí điều trị từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Hoài Thu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh