THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:45

Hà Nội khởi công dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2

Dự án Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ xây dựng thêm một cây cầu song song cầu giai đoạn 1 về phía hạ lưu; tim cầu giai đoạn 2 nằm song song và cách tim cầu giai đoạn 1 về phía hạ lưu sông Hồng 21,25m với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.538 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

Hà Nội khởi công dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 - Ảnh 1.

Chính thức khởi công dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê-tông cốt thép và bê-tông cốt thép dự ứng lực với tải trọng thiết kế HL-93 theo TCVN11823-2017, chịu được động đất cấp 8. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m; điểm đầu tại Km0+840, giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai; điểm cuối tại Km4+312,62, giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh). Mặt cắt ngang cầu 19,25m, tương đương bốn làn xe.

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, dự án xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật: rãnh thu nước, chiếu sáng, cây xanh, thoát nước, sơn kẻ, biển báo, vỉa hè, lát gạch gầm cầu, dải phân cách giữa, tổ chức giao thông… và các công trình phụ trợ khác như đường công vụ, mố nhô, cầu phao, bãi tập kết vật liệu, bãi thi công dầm, trạm trộn, đường dây, trạm biến áp. Dự án cũng có hạng mục thảm lại và tổ chức giao thông của cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1 để phù hợp với công tác tổ chức giao thông sau khi hoàn thành toàn bộ cầu Vĩnh Tuy gồm cả hai giai đoạn.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là một trong những dự án nằm trong danh mục công trình trọng điểm của thành phố, nhằm mục tiêu hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2. Đồng thời, tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng cao giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía bắc và đông bắc thành phố; từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông Thủ đô theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do vậy, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án là hết sức cần thiết và cấp bách.

Để việc đầu tư xây dựng dự án hoàn thành đúng tiến độ, đạt yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh yêu cầu chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn thực hiện quản lý dự án đúng quy định của Nhà nước; tuân thủ chặt chẽ các quy định về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật để triển khai thi công công trình theo đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của việc thi công đến đời sống của người dân trong khu vực, đặc biệt lưu ý tổ chức giao thông bảo đảm thông suốt, an toàn trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Thủ đô sẽ có thêm 10 cây cầu qua sông Hồng, gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc).

K.VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh