Hà Nội hạn chế xe máy: Cần bắt đầu từ việc quy hoạch lại hệ thống giao thông
- Tây Y
- 01:19 - 06/07/2017
Hạn chế xe máy- Không thể không làm
Thông tin Hà Nội sẽ thực hiện lộ trình cấm xe máy đến năm 2030 đã nhận được sự quan tâm lớn của người dân. Anh Nguyễn Huy Hoàng, một bác sĩ đang thuê nhà trọ tại làng Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, hàng ngày trước khi đi làm anh phải đưa hai con đi học “Hai đứa mỗi đứa một trường, nhà trong làng, muốn đến được chỗ bắt xe buýt cũng phải đi bộ gần một cây số, nếu cấm xe máy, tôi cũng chưa biết sẽ bố trí đưa con đi học, đi làm kiểu gì”.
Không chỉ những người sinh sống tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Huệ, quê Hưng Yên cũng tỏ ra khá lo lắng “Hai vợ chồng tôi ngày nào cũng mổ lợn rồi mang ra đây bán lấy ít tiền nuôi con ăn học. Tối qua nghe ti vi nói Hà Nội sẽ cấm xe máy nên cũng thấy lo lo.. ”.
Mặc dù có không ít những băn khoăn lo lắng từ phía người dân, nhưng dưới góc độ quản lý nhà nước, việc cấm xe máy là không thể không làm.
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, giai đoạn 2011 - 2016, tốc độ tăng trưởng về chiều dài đường đô thị là 3,85%/năm, về diện tích đường đô thị là 0,25%/năm. Trong khi đó, phương tiện giao thông đường bộ tăng lên quá nhanh trên địa bàn Thành phố có trên 5 triệu xe máy, gần 500 nghìn ô tô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, Thành phố khác tham gia giao thông), tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của ô tô là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7%/năm.
Với số lượng phương tiện trên, nếu tính hệ số đồng thời hoạt động là 60% số ô tô, xe máy lưu thông trên đường đô thị với vận tốc 20km/h thì diện tích chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống đường đô thị (trong khu vực trung tâm là 3,72 lần). Vì vậy, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và các cửa ngõ ra vào TP Hà Nội ngày càng diễn ra nghiêm trọng trong giờ cao điểm và ngày lễ, tết.
Sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng. Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ô tô và xe máy thì đến đến năm 2020 sẽ có hơn 800 nghìn ô tô; hơn 6 triệu xe mô tô, gắn máy. Đến năm 2030 số ô tô là gần 2 triệu; xe mô tô, gắn máy là 7,5 triệu.
Ùn tắc giao thông ngày càng trở nên nghiêm trọng tại Hà Nội
Với mức độ tăng trưởng trên, TS Đinh Thị Thanh Bình, Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải (Trường Đại học GTVT) cho rằng, việc quản lý phương tiện cá nhân bằng xe cơ giới của Hà Nội là việc không thể không làm. Nếu cứ để xe máy, ô tô tăng tự nhiên như hiện nay, chỉ 7-8 năm nữa, Hà Nội sẽ không còn đường để đi. Vấn đề đặt ra là từ nay đến 2030, thành phố sẽ làm gì để nâng thị phần vận tải công cộng lên, từ đó giảm phương tiện cá nhân xuống. Nếu lãnh đạo thành phố hiện thực hóa được chủ trương nâng cao chất lượng vận tải khách công cộng, Hà Nội sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực nội thành, cũng như bảo đảm kết nối các tỉnh, thành phố khác, thì việc hạn chế phương tiện cá nhân mới khả thi.
13 năm có đủ phát triển hệ thống giao thông công cộng?
Không ít người đặt câu hỏi, liệu 13 năm Hà Nội có tạo ra bứt phá bất ngờ về giao thông công cộng, đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân, nhất là khi hai công trình giao thông công cộng của thành phố là đường sắt trên cao và buýt nhanh vẫn chậm tiến độ và chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó là quá trình đô thị hóa với hàng loạt nhà cao tầng mọc lên như nấm gây áp lực vô cùng lớn lên hạ tầng giao thông yếu kém.
Theo bà Trần Thị Kim Đăng (trường Đại học GTVT), về lý thuyết cấm xe máy phải có giao thông công cộng thay thế chứ không thể nói cấm thì anh phải đi bộ.Theo bà Đăng, hiện các điểm nút giao thông công cộng, nhà chờ xe buýt trên địa bàn TP phân bố rất xa nơi người dân ở, trong khi thói quen đi bộ của người dân (người già dưới 1 km, người trẻ khoảng 200m) khác với người phương Tây (khoảng 2 km).Bà Đăng kiến nghị Hà Nội cần phải tính việc phát triển giao thông công cộng, phân bố điểm nút, nhà chờ giao thông hợp lý.
ông Hà Ngọc Trường, chuyên gia của Bộ Giao thông vận tải cho rằng, Hà Nội xây dựng lộ trình để giảm xe máy và tiến tới cấm hẳn phương tiện này vào nội đô là rất cần thiết, bởi khi chuyển đổi được sang các phương tiện giao thông khác như xe buýt, tàu điện ngầm hay xe điện, giao thông ở Thủ đô mới thông thoáng, hiện đại và không bị ùn tắc. Việc chuyển đổi này đã được nhiều nước thực hiện thành công như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… Tuy nhiên, chủ trương này cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân, vì họ phải đi lại, làm ăn bằng phương tiện xe máy. Bởi vậy, thành phố Hà Nội cần có những giải pháp đồng bộ, bắt đầu từ việc quy hoạch lại hệ thống giao thông, như vậy, đề án của thành phố mới có tính khả thi.