CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:35

Hà Nội diễn tập ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi

 

Diễn tập tiêu hủy đàn lợn và tẩy rửa chuồng trại, chôn lấp đúng quy trình. Ảnh: Thế Vinh

 

Đánh giá về tình hình dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Thú y chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, tính đến nay trên địa bàn TP đã có 3 ổ dịch.

Cụ thể chiều tối ngày 5-3-2019, phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi tại hộ bà Trương Thị Vân, khu 6, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Tổng đàn 10 con lợn, ốm 8 con, chết 1 con, hiện đã xử lý tiêu hủy toàn bộ tổng đàn 10 con bằng biện pháp chôn.

Ngày 6-3-2019, phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi tại hộ ông Nguyễn Văn Chung, số 6, ngõ 203, tổ 36 phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Tổng đàn hộ có dịch 45 con lợn, chết 4 con và đã xử lý tiêu hủy toàn bộ tổng đàn 45 con bằng biện pháp chôn.

Đối vối ổ dịch tại hộ chăn nuôi ông Nguyễn Thái Sơn, tổ 17, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên vẫn được thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và đến nay đã qua 9 ngày không phát sinh thêm hộ nào.

Sở NN&PTNT vẫn tiếp tục phối hợp thực hiện tốt việc tiêu độc khử trùng toàn khu vực, theo dõi giám sát dịch bệnh. Tiếp tục lấy mẫu kiểm tra các hộ chăn nuôi xung quanh nếu có phát hiện dịch tả lợn châu Phi xử lý kịp thời.

Theo lãnh đạo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội, hiện nay đơn vị đang tập trung tuyên truyền theo hướng để người dân không hoang mang, tích cực áp dụng các biện pháp về chuyên môn, kịp thời khai báo khi phát hiện lợn bệnh, không nhập lợn không rõ nguồn gốc, tuyệt đối không bán chạy lợn bệnh. Tiêu hủy lợn ốm, mắc bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động kiểm dịch vận chuyển lưu thông, tập trung ở các đầu mối, các cơ sở giết mổ, nhất là việc nhập lợn từ các tỉnh, thành về Hà Nội. Chỉ đạo hệ thống thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến tận thôn xóm; cụm dân cư, kịp thời xử lý ngay khi có gia súc ốm chết. Lấy mẫu kiểm tra tại các khu vực lây nhiễm cao tại các quận, huyện, thị xã để dự báo tình hình (các vùng nguy cơ cao, các lò mổ, điểm giết mổ …).

Các đơn vị của TP cũng đang chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị bảo hộ lao động cho công tác phòng chống dịch bệnh; đảm bảo hỗ trợ kinh phí kịp thời khi phải tiêu hủy lợn mắc dịch bệnh. Đảm bảo hoạt động đường dây nóng khai báo dịch bệnh tại Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội (02433800115) để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.

Tại buổi diễn tập ngày 7-3-2019, các đơn vị của TP đã phối hợp thực hiện thao diễn theo 4 bước: bắt giữ và làm choáng lợn trước khi tiêu hủy; Vệ sinh khử trùng tiêu độc tại hộ chăn nuôi; Tiêu hủy lợn mắc bệnh; Tiến hành hoạt động của chốt kiểm dịch, ngăn tiêu độc khử trùng các phương tiện qua lại.

PGĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, hiện một số ổ dịch xảy ra tại một số điểm chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng lợn phải tiêu hủy tương đối nhỏ (một hộ tiêu hủy 10 đến 20 con) nếu như xảy ra ở trang trại lớn, nuôi hàng nghìn con thì lúc đó thiệt hại về kinh tế sẽ là rất lớn.

“Nếu như TP thiệt hại 30% (tổng số lợn của TP) tương đương 600.000 con số, trung bình 2 triệu đồng/con. Như TP sẽ thiệt hại khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Nếu như thiệt hại 50% số lợn trên địa bàn thì TP sẽ mất vài ngàn tỷ đồng”, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội lấy ví dụ.

Cũng theo ông Nguyễn Huy Đăng, khi xảy ra tình trạng như vậy phải mất ít nhất 6 tháng sau mới bắt đầu chăn nuôi phát triển lại được. Vì vậy, nếu như dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện mình thì không chỉ thiệt hại cho các hộ nông dân mà còn ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của toàn huyện.

Hiện, các cơ quan chức năng của TP cũng đã tiến hành ký cam kết với các hộ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, làm tốt hơn công tác truyền thông, phát tờ rơi, tập huấn cho các hộ chăn nuôi để người dân chủ động phòng bệnh; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, dụng cụ lấy mẫu, dụng cụ chuyên ngành và bảo hộ lao động; hướng dẫn các tổ chức cá nhân xây dựng các chuỗi sản xuất liên kết sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, ATVSTP và tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác phòng chống dịch bệnh.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh