THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:31

Hà Nội: Đê sông Nhuệ có nguy cơ sạt lở, nước tràn đê

 

Hoàn lưu của cơn bão Sơn Tinh đã gây ra trận mưa lớn kéo dài khiến cho mực nước trên sông Nhuệ lên cao đỉnh điểm, khiến nhiều điểm đê trên địa bàn huyện Thanh Trì có biểu hiện sạt lở, nước tràn bờ. 

Đỉnh điểm vào ngày (21/7), mực nước tại sông Nhuệ chảy qua địa bàn thôn Siêu Quần, xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) dâng cao do trận mưa lớn kéo dài gây ra. Sau đó, nước sông đã chảy tràn xuống, cuốn trôi nhiều vật dụng sinh hoạt, ảnh hưởng tới hoa màu của nhiều hộ dân trên địa bàn thôn. Nhận được tin báo, các lực lượng chức năng huyện Thanh Trì đã huy động nhiều máy móc, phương tiện kết hợp với sức người tích cực gia cố lại điểm trọng yếu, có nguy cơ sạt lở. Do được phát hiện kịp thời, nên chưa có thiệt hại lớn.

 

Mực nước sông Nhuệ hiện vẫn đang ở mức rất cao


Đến ngày (24/7), theo ghi nhận của PV báo Dân Sinh, mặc dù mưa đã chấm dứt cách được 3 ngày. Tuy nhiên, mực nước trên sông Nhuệ vẫn ở mức cao, tốc độ rút chậm do nhiều hệ thống thoát nước vẫn tiếp tục đổ ra sông. Các đoạn đê, trên địa bàn các xã Hữu Hòa, Tả Thanh Oai, Cự Khê (Thanh Trì) mực nước vẫn mấp mé mặt đê.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ chiều và đêm nay (24/7) ở khu vực Đông Bắc Bắc Bộ sẽ có mưa vừa-mưa to kèm gió giật mạnh.

 

Nguy cơ sạt lở, nước tràn đê vẫn đang hiện hữu

 

Trong hai ngày 25-26/7, mưa lớn sẽ mở rộng ra toàn bộ khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, trọng tâm mưa to đến rất to trong ngày 25-26/7 tập trung ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu (50-150mm/ngày). Hà Nội từ đêm nay (24/7) có mưa, mưa rào; từ ngày 27/7 có mưa vừa - mưa to và dông.

Trước những thông tin thời tiết bất lợi, Hà Nội có thể sẽ tiếp tục hứng chịu những cơn mưa lớn, mối lo về nguy cơ sạt lở, nước tràn qua bờ đê Sông Nhuệ, gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh lại đang hiện hữu, người dân cần có những biện pháp an toàn chủ động phòng tránh, giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.

 

Tình trạng lấn chiếm cơ đê, thân đê sông Nhuệ diễn ra khá phức tạp

 

Liên quan đến an toàn của đê sông Nhuệ vào mùa mưa lũ, một trong những vấn đề gây nhức nhối suốt nhiều năm qua là tình trạng lấn chiếm cơ đê, thân đê sông Nhuệ trên địa bàn huyện Thanh Trì diễn ra khá phức tạp.

Có rất nhiều hình thức lấn chiếm khác nhau, nhưng hầu hết đều dẫn tới việc xây dựng nhà cửa kiên cố, nhà cấp 4, công trình phụ, cải tạo nhà trong khu vực bãi sông; đào đất, xẻ đê; xây tường chắn, dựng lều quán bán hàng trên mặt đê, mái đê; đào ao, đào đất... trên thân đê, hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ, tất cả đều gây tác động xấu đến đê, công trình thủy lợi.

 

Nhiều điểm đê xung yếu phải kè đá chặn dòng nước

 

Sông Nhuệ vốn dài 74 km, trước đây là nguồn nước chính tưới tiêu cho hàng ngàn ha đất canh tác của Hà Nội và Hà Nam. Sông Nhuệ là một trong những trục tiêu thoát úng ngập quan trọng trên địa bàn thành phố. Thế nhưng việc đổ phế thải xây dựng, đất và các loại rác thải xuống lòng sông gây tắc nghẽn dòng chảy, biến nhiều đoạn sông thành mương cạn. Số lượng các vụ vi phạm nhiều, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng làm cho hiệu quả tiêu thoát lũ vào mùa mưa bão rất chậm, đe dọa nguy cơ tràn đê có thể xảy ra ở những đoạn xung yếu.

TUẤN ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh