Hà Nội: Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính
- Tây Y
- 13:43 - 12/10/2016
Đơn giản hóa TTHC, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó phòng Hồ sơ kiểm soát TTHC (Sở Tư pháp), thực hiện chương trình cải cách hành chính, Thành phố đã rà soát, đơn giản hóa 8 nhóm TTHC thuộc các lĩnh vực: đầu tư, du lịch, đường bộ, tài nguyên môi trường, hạ tầng kỹ thuật đô thị, công thương, báo chí – xuất bản, văn hóa thể thao với tổng số 475 thủ tục. Qua đó, Thành phố có phương án rà soát đơn giản hóa đối với 183 TTHC; trong đó, có 25 TTHC giảm thành phần hồ sơ và thời gian giải quyết, 158 TTHC giảm thời gian giải quyết so với quy định hiện hành. UBND Thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động kiểm soát TTHC tại 16 đơn vị sở ngành
Bà Hồ Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thông tin tại buổi họp báo
Đối với lĩnh vực kinh doanh, Hà Nội thực hiện đăng ký thành lập mới doanh nghiệp qua mạng trong 2 ngày làm việc, giảm 1 ngày so với yêu cầu của Luật Doanh nghiệp đối với quá trình giao dịch trên mạng. Đồng thời, triển khai mô hình chuyên trách, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp làm hồ sơ, nhận và trả kết quả trực tiếp ngay tại bộ phận “một cửa” đối với lĩnh vực đăng ký kinh doanh. Còn lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng giảm thời gian, chi phí thực hiện các quy định của Nhà nước. Riêng trong lĩnh vực thuế, đến ngày 31/5, đã có hơn 119.000 doanh nghiệp tổ chức kê khai qua mạng, chiếm 96,4%.
Nhiều quận huyện gặp khó khi triển khai dịch vụ công cấp độ 3
Đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, triển khai từ 10/8, Sở Tư pháp và Sở Thông tin Truyền thông, Công an thành phố, Bảo hiểm Xã hội Hà Nội triển khai 7 TTHC thuộc 2 lĩnh vực đăng ký khai sinh và đăng ký khai tử; trong đó, hoàn thiện quy trình hướng dẫn tạm thời thực hiện liên thông TTHC về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú trên địa bàn thành phố. Qua đó, thời gian thực hiện TTHC liên thông từ 20 ngày xuống 5 ngày làm việc.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 02 TTHC chứng thực bản sao từ bản chính và cấp bản sao trích lục hộ tịch tại cấp quận, huyện, thị xã chưa được thực hiện do hạ tầng cơ sở (máy tính, hệ thống mạng, hệ thống kết nối) chưa được triển khai; việc số hóa cơ sở hộ tịch; các trang thiết bị cần thiết (máy scan; máy định dạng vân tay; máy quét dữ liệu) chưa sẵn sàng.
Hà Nội đã cải cách nhiều TTHC, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân
Đại diện Sở Tư pháp cho biết: “Cơ sở pháp lý và việc đầu tư hạ tầng thực hiện dịch vụ công mức 3 thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính cần được nghiên cứu và xin ý kiến cơ quan chuyên môn để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện. Chậm nhất cuối năm 2016 sẽ áp dụng”.
Theo đó, thủ tục cấp sở, cấp huyện chỉ thực hiện trong thời gian 10 ngày làm việc, giảm hơn so với quy định trên 10 ngày; giảm thời gian tiếp cận điện cho doanh nghiệp (còn 21 ngày đối với đường điện trên không và 26 ngày đối với đường điện trung áp cáp ngầm).
Hà Nội cũng đã công bố thủ tục hành chính cung cấp thông tin quy hoạch, thỏa thuận địa điểm quy hoạch, theo đó thời hạn giải quyết là 10 ngày (giảm từ 10 đến 20 ngày so với trước đây).
Liên quan đến kết quả hoạt động chế định thừa phát lại, bà Hồ Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: hiện, trên địa bàn Thành phố có 8 văn phòng thừa phát lại. Đến nay, đã tống đạt 34.767 văn bản với doanh thu gần 1,3 tỷ đồng; tống đạt gần 1,4 nghìn văn bản của cơ quan thi hành án với doanh thu gần 125 triệu đồng; lập 1.660 vi bằng với doanh thu gần 7,8 tỷ đồng… Theo Nghị quyết 107/2015/QH13, ngày 26/11/2015, của Quốc hội có hiệu lực từ 1/1/2016 thì chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chính thức chế định thừa phát lại trên phạm vi cả nước. Chính vì thế, trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để chế định thừa phát lại đi vào cuộc sống như một loại hình dịch vụ pháp lý, đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp. |