Hà Nội: Chi 2.200 tỷ đồng xóa các điểm ùn tắc giao thông
- Tây Y
- 22:08 - 24/03/2016
Hà Nội hiện còn 40 điểm ùn tắc giao thông.
Qua rà soát của Liên ngành Sở GTVT - Công an TP Hà Nội, tính đến cuối năm 2015, trên địa bàn TP có 44 điểm ùn tắc và có nguy cơ UTGT. Trong đó, điểm ùn tắc từ đường Vành đai 3 trở vào trung tâm TP là 38/44 điểm (tương đương 86,3%).Các điểm ùn tắc chủ yếu do các công trình trọng điểm đang thi công chiếm dụng phần lớn lòng đường (17/44 điểm); Do lưu lượng giao thông lớn 20 điểm; Do các khu nhà ở cao tầng đưa vào khai thác sử dụng khiến mật độ giao thông tăng đột biến tại các tuyến đường xung quanh khu vực đông dân cư 7 điểm; ý thức chấp hành luật giao thông của người dân không tốt...
Để giảm thiểu các điểm UTGT, từ đầu năm đến nay, liên ngành Sở GTVT - Công an TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt gồm: Phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị thi công các công trình trọng điểm đẩy nhanh tiến độ các dự án và đưa vào khai thác gồm hầm chui Thanh Xuân, Trung Hòa, cầu vượt nút giao Trung tâm quận Long Biên, đường Vành đai 2, cầu Phương Liệt... nên đã giải quyết được 6/44 điểm UTGT. Liên ngành đã điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp với hạ tầng và lưu lượng phương tiện trên một số tuyến đường, nút giao trọng điểm và đã giải quyết được 4/44 điểm UTGT.
Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng phương tiện quá nhanh, nhiều khu dân cư tiếp tục xây dựng và đưa vào hoạt động khiến cho tình hình giao thông TP diễn biến phức tạp và sẽ làm phát sinh các điểm có nguy cơ UTGT mới như: Trục đường Thái Hà - Chùa Bộc, đường Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh, đường Vành đai 1 (Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái), trục đường Yên Phụ - Thanh Niên, tuyến đê Nguyễn Khoái (đoạn nối cầu Vĩnh Tuy - cầu Chương Dương), Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng, nút giao thông Cổ Linh...
Để tiếp tục giảm, xóa các điểm đen về UTGT, từ nay đến cuối năm, liên ngành Sở GTVT - Công an TP tiếp tục phối hợp, đôn đốc chủ đầu tư các dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện để đưa công trình vào sử dụng và phát huy hiệu quả đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư và xây dựng các công trình mục tiêu, trọng điểm nhằm giảm UTGT như cầu vượt Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc; cầu vượt Bạch Mai - Lê Thanh Nghị; cầu vượt Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái; cầu vượt Cổ Linh; cầu vượt nút giao đường Thanh Niên - An Dương - Yên Phụ; cầu vượt Trần Hưng Đạo - Nguyễn Khoái… Tiếp tục đầu tư các cụm đèn tín hiệu giao thông, camera giám sát giao thông tại các nút giao thông, tuyến đường trọng điểm thường xuyên có nguy cơ UTGT. Nâng cấp và hoàn thành hệ thống kết nối camera giám sát giao thông để đủ điều kiện tăng cường xử lý “phạt nguội” các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Tiếp tục khảo sát, đề xuất các biện pháp tổ chức điều hành giao thông cho phù hợp như: Xén dải phân cách giữa trên đường Trần Duy Hưng (đoạn từ khách sạn Grand Plaza đến cầu vượt Nguyễn Chí Thanh); Điều chỉnh tổ chức giao thông đoạn phố La Thành đến Viện Nhi; Tổ chức lại giao thông trên đường Minh Khai đoạn cổng Time city; Phân làn tổ chức giao thông trên QL5, Bắc cầu Chương Dương, Kim Mã - Vạn Bảo… Rà soát điều chỉnh chu kỳ đèn tại các nút giao thông cho phù hợp với tổ chức giao thông. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ giải quyết được 14 điểm UTGT, trong đó có 7 điểm do công trình đưa vào khai thác sử dụng và 7 điểm do tổ chức giao thông.
Được biết, để xóa các điểm ùn tắc còn tồn tại, mới đây, HĐND TP. Hà Nội đã quyết định chi 2.200 tỷ đồng để xóa 40 điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2020.