THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 02:28

Hà Nội "căng mình” vì sốt xuất huyết

 

Bệnh viện quá tải trầm trọng, bác sĩ làm việc không có ngày nghỉ…

Những ngày gần đây, số bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tăng đột biến với 800-1.200 người mỗi ngày. Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện cho biết, để giảm tải cho khoa Khám bệnh, bệnh viện đã mở thêm 10 phòng tái khám sốt xuất huyết tại khoa Viêm gan, sắp xếp lại giường bệnh, kê giường ở hành lang, dồn phòng của nhân viên y tế và hội trường để kê thêm giường bệnh. “Bệnh nhân khi nhập viện được sàng lọc rất kỹ, chỉ những bệnh nhân nặng mới được nhập viện, còn lại cho điều trị tại nhà hoặc đưa về bệnh viện tuyến dưới. Còn các y bác sĩ ở các bệnh viện phải căng mình làm việc, luôn trong tình trạng quá tải và không có  ngày nào được nghỉ.  Phòng của bác sĩ cũng được nhường cho bệnh nhân,  bác sĩ  phải ra hành lang làm việc”- Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính cho biết.

Ở các bệnh viện có khoa truyền nhiễm như bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh viện  E,  bệnh viện Đống Đa, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhi Trung ương… bệnh nhân nằm phải ghép 2-3 người một giường, phòng làm việc các bác sỹ cũng được huy động  thành phòng bệnh.  Bác sĩ Phạm Bá Hiền, Phó giám đốc bệnh viện Đống Đa cho biết, Trung bình mỗi ngày, bệnh nhân đến khám tại bệnh viện, khoảng 250-400 người.  Bệnh viện phải huy động toàn nhân lực, phòng ốc để điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Để tránh quá tải cho khoa Truyền nhiễm, bệnh viện đã huy động gần 30 bác sĩ  ở các khoa, phòng khác đến hỗ trợ, dù vậy nhân viên y tế vẫn phải làm việc tăng 200-300% so với ngày thường, 7-8h tối chưa được về. Nhiều người vừa trực đêm sáng hôm sau vẫn làm nối ca luôn.

 

 

Chưa bao giờ số bệnh nhân sốt xuất huyết tại BV Xanh pôn lại đông như bây giờ

Tại bệnh viện Xanh pôn, các y, bác sĩ cũng đang phải làm việc hết công suất, không có ngày nghỉ, thậm chí không có giờ nghỉ trưa. Vì đông bệnh nhân nên bệnh viện phải phải huy động tất cả mọi người, kể cả những điều dưỡng viên cũng ra bàn ngồi viết phiếu, đọc số thứ tự. Thậm chí các bàn lấy máu xét nghiệm cũng phải kê thêm ra ngoài hành lang để lấy máu. Theo các bác sĩ ở bệnh viên Xanh pôn, hiện nay, cứ 10 bệnh nhân khám thì tới 6 người bị sốt xuất huyết… 

Cần 20 máy phun hóa chất công suất lớn

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết​, tình hình bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp. Qua theo dõi về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, bà Tiến khẳng định, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn chưa lên đến đỉnh điểm, khi số trường hợp mắc bệnh vẫn đang trong chiều mũi tên gia tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại. Người đứng đầu ngành y tế đặt câu hỏi "Hà Nội làm quyết liệt từ trên xuống dưới, phun thuốc diệt muỗi tại nhiều nơi, kinh phí đầu tư nhiều nhưng chưa mang lại hiệu quả. Tại sao nhiều giải pháp đã được triển khai áp dụng nhưng số người mắc bệnh vẫn không hề thuyên giảm?”

Bàn về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc quan trọng số một hiện nay là công tác truyền thông để tuyên truyền tránh muỗi đốt, mặc quần dài, bôi thuốc chống muỗi, dùng bình xịt muỗi và phải làm tốt công tác vệ sinh quanh nơi ở như diệt loăng quăng, bọ gậy. Trong trường hợp bị bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất tuân theo sự hướng dẫn của bác sỹ, chỉ nhập viện khi bác sỹ yêu cầu để tránh lây chéo các bệnh khác.”

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ, trước mắt Hà Nội phải tập trung phun hạ hỏa trong nhà, ở những nơi như trường học, bệnh viện, công trình xây dựng. Sau đó dùng máy phun hoá chất công suất lớn phun ngoài đường. Hà Nội phải huy động thêm máy phun công suất lớn từ các tỉnh không có dịch như Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái. "Hà Nội giờ mới có 2 máy phun hóa chất bằng ôtô thì như muối bỏ bể. Tôi đề nghị phải có ít nhất 20 máy trở lên thì công tác phòng chống dịch mới hiệu quả. Tôi sẽ đi kiểm tra xem có đủ xe, đủ máy không và phải phun có kỹ thuật”, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo.

Hà Nội phải sử dụng "vòi rồng" để phun hóa chất diệt muỗi 


Bộ Y tế dự báo, thời gian tới dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp do đang trong thời điểm mùa dịch và điều kiện thời tiết thuận lợi cho véctơ phát triển. Vì vậy, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và chủ động của người dân trong việc phòng chống. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết: Bộ Y tế cử 4 đoàn của 2 Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương tăng cường hỗ trợ cho 4 quận của Hà Nội; tổ chức tiếp 6 đoàn của Bộ Y tế đi kiểm tra 8 tỉnh trọng điểm về sốt xuất huyết. Riêng Cục Y tế dự phòng đã thành lập 3 đội chống dịch cơ động ứng phó với dịch bệnh sốt xuất huyết; kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh để đáp ứng dịch bệnh sốt xuất huyết. 

Ngành y tế tiếp tục phun hóa chất diện rộng chủ động tại khu vực ghi nhận nhiều ổ dịch sốt xuất huyết, khu vực có chỉ số giám sát véc-tơ cao; tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý ngay và triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; xác định các điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch để xử lý triệt để. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ khôi phục hoạt động của mạng lưới cộng tác viên; đẩy mạnh hoạt động của các đội xung kích phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn toàn thành phố trong việc loại bỏ ổ bọ gậy nguồn. 

 

Phun hóa chất diệt muỗi: Quyết liệt làm đâu được đó

Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà nội Nguyễn Nhật Cảm

Hà Nội là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất miền Bắc và là  một trong hai thành phố có số ca bệnh cao nhất cả nước. Tính đến ngày 12/8, số mắc sốt xuất huyết (SXH) tích lũy tại Hà Nội ghi nhận là gần 15.400 ca, 7 ca tử vong. Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, số người mắc SXH năm nay sẽ vượt xa số người mắc trong đợt dịch SXH tại Hà Nội vào thời điểm gần 10 năm trước ( năm 16.000 ca).

Trao đổi với phóng viên Báo Lao động và Xã hội, Báo điện tử Dân Sinh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, các máy phun hóa diệt muỗi trưởng thành công suất lớn được huy động từ 9 tỉnh, Thành phố lân cận đã được đưa về Hà Nội.

Biện pháp quan trọng để đẩy lùi sự gia tăng các ca bệnh SXH trong cộng đồng là diệt nguồn gây bệnh, tức là diệt muỗi và thế hệ mầm non của muỗi là bọ gậy. Nếu không có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và các hộ gia đình thì sẽ không thể thực hiện được việc này. Bởi vì muỗi vằn gây bệnh SXH thường đẻ trứng, nở thành bọ gậy trong môi trường nước sạch. Chỉ cần một thùng nước sinh hoạt không có nắp đậy, một lọ hoa, thậm chí là một chiếc lá khô đọng nước mưa cũng có thể là một ổ chứa bọ gậy, phát triển thành muỗi gây bệnh SXH.

Hiện nay thành phố tập trung vào 3 giải pháp chính. Một là tổng vệ sinh môi trường, trọng tâm là thu gom các vật dụng không chứa đứng nước để không còn chỗ cho muỗi sinh sản. Việc này sẽ phát động và thứ 7, chủ nhật hàng tuần và cũng coi là công việc hàng ngày của các đơn vị. Trước hết, vận động từng hộ gia đình, từng người dân diệt loăng quang bọ gậy trong nhà mình. Đối với nơi công cộng thì huy động tổ xung kích của các đơn vị vào cuộc, sau đó sơ kết đánh giá việc thực hiện các giải pháp của Chính phủ. Hiện nay, Bộ Y tế và các tỉnh đã hỗ trợ 1 số máy phun hóa chất diệt muỗi. Chúng tôi có kế hoạch chi tiết để thực hiện cuốn chiếu, làm đâu được đó với phương châm quyết liệt.

 

Người dân tuyệt đối không tự ý truyền dịch

Cảnh báo về việc người bệnh tự ý truyền dịch, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, truyền dịch trong sốt xuất huyết khá phức tạp, không giống truyền dịch trong sốt thông thường. Với sốt xuất huyết, trong giai đoạn 3 ngày đầu, bệnh nhân sốt cao, đau mỏi người, ăn uống kém, cơ thể thiếu nước. Biện pháp lý tưởng là bù nước bằng đường ăn uống. Tuy vậy, nếu người bệnh quá mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn nên không bù đủ được bằng đường ăn uống thì có thể truyền dịch.. Việc chỉ định truyền dịch gì, truyền bao nhiêu phải căn cứ vào kết quả xét nghiệm máu hằng ngày, thậm chí nếu bệnh nhân nặng phải xét nghiệm vài tiếng 1 lần. Tóm lại, việc truyền dịch trong sốt xuất huyết phải nắm được quy luật diễn biến của bệnh, được tập huấn và thông hiểu và tuân thủ đúng Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue của Bộ Y tế ban hành. Người dân và nhân viên y tế tránh việc chỉ định truyền dịch bữa bãi.

THÁI AN-QUÝ ĐỨC-CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh