Hà Nội: Bún riêu, phở 50-60 nghìn đồng/bát
- Tây Y
- 23:18 - 22/02/2015
Ngày Tết ở Hà Nội, giá bún riêu bò đậu 50.000 đồng/bát, phở bò, gà 60.000 đồng/ bát.
Ngay từ mồng 1 Tết, trên nhiều tuyến đường ở Thủ đô, các hàng quán và dịch vụ đã mở cửa để phục vụ khách hàng. Thế nhưng, không phải vị khách nào cũng vui mừng vì được phục vụ trong những ngày đầu năm, bởi giá cả bị đẩy lên gấp hai, gấp ba ngày thường, với một lý do rất đơn giản: “Tết nhất cái gì cũng hiếm, mọi người chơi, chúng tôi làm thì phải… khác chứ!” (lời một chủ quán bán bún riêu trên phố Bạch Mai).
Bước chân vào hàng bún riêu ở chợ Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào hôm mồng 3 Tết, chị Bích Thảo (Trường Chinh, Hà Nội) đã cẩn thận… hỏi giá trước cho bát chỉ có riêu và đậu phụ, không giò, không thịt bò.
“40.000 đồng một bát, Tết mà, vui vẻ nhá! Hàng cô mở từ ngày mồng 1 Tết cơ, hôm ấy còn đắt hơn đấy!” – cô chủ quán có ánh mắt sắc lẹm và khuôn mặt đậm son phấn hồ hởi nói, tay vội bốc bún chần nhanh vào nước sôi, không để khách hàng kịp đổi ý.
Mức giá này đắt hơn gấp đôi so với ngày thường, nhưng chị Thảo cũng tạm chấp nhận, vì đang trong dịp nghỉ Tết của mọi người.
Nhưng tới khi nhận bát bún và thử miếng đầu tiên, chị Thảo mới thấy… “đắt nhưng không xắt ra miếng” được, bởi bát bún nhạt toẹt, nước dùng không có vị riêu mà loãng như nước đun sôi chan vào, riêu chẳng có mùi cua mà chỉ là óc đậu phụ chưng hành mỡ.
“Không ăn thì tiếc tiền bỏ ra, mà ăn thì… Đến giờ sao họ vẫn còn tâm lý làm ăn chộp giật, một lần rồi thôi thế nhỉ!”, chị Thảo thở dài.
Theo ghi nhận của PV thuviensuckhoe.org, mặt hàng mà nhiều người đi chơi Tết quan tâm là hàng ăn như bún, phở những ngày Tết và sau Tết. Cũng như năm những năm trước, giá mặt hàng này cũng bị chặt chém, gấp 2 – 2,5 lần so với ngày thường. Do đó, ai vào ăn cũng thường hỏi giá. Như trên đường Nguyễn Lương Bằng, Đội Cấn… bún riêu bò đậu 50.000 đồng/bát, phở bò, gà 60.000 đồng/ bát.
Chị Huyền (Hàng Bông) cho hay: “Giá thì bán gấp đôi nhưng mỗi bát chỉ lèo tèo vài sợi bún. Tuy nhiên cả năm mua đắt 1 lần thì cũng đành chấp nhận. Ngày Tết mà”.
Không chỉ phổ biến ở các hàng quán bán đồ ăn, tình trạng “chặt chém” nói trên còn xuất hiện nhiều ở những dịch vụ trông giữ xe, đặc biệt là các bãi xe tự phát nằm gần những địa điểm vui chơi giải trí hoặc đền, chùa vốn có nhiều người ghé đầu năm.
Có mặt tại Văn Miếu lúc 9 giờ sáng ngày 22/2 tức mùng 4 Tết, PV thấy đã đông nghẹt người đến thăm quan. Khách đến tham quan tìm chỗ gửi xe quả là không dễ dàng gì, nhất là đối với ôtô. Nhiều địa điểm trông xe tự phát hai bên đường Tôn Đức Thắng gần khu vực Văn Miếu. Phí trông giữ xe được đẩy lên gấp nhiều và mỗi nơi một mức, loạn phí trông giữ xe.
Trông xe máy là dịch vụ kiếm bộn tiền trong dịp đầu Xuân ở Văn Miếu (Ảnh Tuổi trẻ)
Chỉ khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám, phí trông giữ ôtô nơi thì áp đồng một mức là 50.000 đồng/xe, nơi thì 40-70.000 đồng/ xe (tùy xe 5 hay 7 chỗ), thậm chí có chỗ thì trông xe theo giờ với mức 40.000 đồng/giờ; không phân biệt xe to hay bé.
Nhiều nhân viên trông xe còn đứng cả xuống lòng đường để vẫy khách vào gửi. Vỉa hè giành cho người đi bộ xung quanh Văn Miếu biến thành bãi trông giữ ôtô.
Còn tại công viên Thủ Lệ, phí trông giữ ôtô cũng được đẩy lên 50.000 đồng/xe. Điều đáng ngạc nhiên là ngay trên đường vào cổng gần khách sạn Daewoo, một người hướng dẫn khách gửi ôtô ngay ở phía ngoài, cách cổng vào công viên Thủ lệ 300 m.