CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:31

Hà Nội: Hơn 6.000 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”

 

Kịp thời tôn vinh các Mẹ

Tại hội nghị Tổng kết, Trưởng phòng Người có công (NCC) Trần Thanh Bình cho biết,  trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND và các Ban, ngành, đoàn thể của Thành phố luôn xác định việc thực hiện chính sách về NCC, trong đó có Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH)” trên địa bàn thành phố Hà Nội là nhiệm vụ quan trọng, được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả. Sau 20 năm thực hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH” và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số diều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH”, thành phố đã đạt được những kết quả thiết thực, đời sống vật chất, tinh thần của các mẹ VNAH ngày càng được quan tâm, nâng cao, góp phần đảm bảo công tác an sinh trên địa bàn Thủ đô.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Khuất Văn Thành phát biểu tại Hội nghị 

 

Hơn 20 năm thực hiện việc phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH” thành phố Hà Nội đã tổ chức tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị Nhà nước tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự “Bà mẹ VNAH”. Thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện các Sở, ngành có sự chủ động, sáng tạo có hướng dẫn khi chưa có hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương như: Phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, trách nhiệm của các cấp trong việc xét duyệt hồ sơ; tổ chức lễ phong tặng, vận động các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng các Mẹ khi có quyết định của Chủ tịch nước. Khi các mẹ qua đời tổ chức tang lễ chu đáo, theo đúng qui định và phong tục, tập quán địa phương. Kinh phí thực hiện đầy đủ, kịp thời theo đúng qui định của Luật Thi đua khen thưởng, Nghị định 176/CP và Nghị định 56/2013/NĐ-CP.

“Việc Thành phố giao trách nhiệm, phân cấp các quận, huyện , thị xã tổ chức lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH” phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội, có tác dụng tuyên truyền sâu rộng và giáo dục truyền thống trong cộng đồng dân cư. Qua đó, các Bà mẹ và thân nhân các Bà mẹ đều được mọi người biết và tôn vinh” – ông Bình cho biết thêm.

Tính từ năm 1994 đến nay, sau 20 năm thực hiện Pháp lệnh qui định danh hiệu vinh dự Nhà nước “ Bà mẹ VNAH”, Hà Nội đã phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ VNAH” cho 6.127 mẹ (trong đó có 739 bà mẹ còn sống; 5.388 mẹ đã từ trần), ngoài số liệu trên còn 156 trường hợp đang hoàn thiện hồ sơ.

 100% Bà mẹ VNAH còn sống được phụng dưỡng

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đề ơn đáp nghĩa” của dân tộc, nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội luôn xác định mục tiêu: Chăm lo tốt hơn các gia đình chính sách và những NCC với cách mạng, bảo đảm các gia đình chính sách có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương là nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu, lâu dài trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” của Thành phố.

Tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho các tập thể, cá nhân.

 Năm 1995, hưởng ứng phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ VNAH được phong tặng, cùng với việc tổ chức đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với các Bà mẹ còn sống và thân nhân của các Bà mẹ từ trần, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Thành phố tổ chức lễ phát động việc phụng dưỡng các Bà mẹ VNAH tuyên truyền vận động các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc phụng dưỡng suốt đời các Bà mẹ VNAH còn sống.

Thời gian đầu, các mức phụng dưỡng còn khác nhau. Một số đơn vị phụng dưỡng thấp (dưới 500.000 đồng/tháng/mẹ), năm 2012, Hà Nội đã có kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 23/2/2012 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ đã đề ra chỉ tiêu: Nâng mức phụng dưỡng “Bà mẹ VAH” còn sống, mức thấp nhất là dưới 500.000 đồng/tháng.

Tính đến thời điểm tháng 7/2015, toàn Thành phố có 293 Bà mẹ VNAH còn sống, trong đó còn 11 trường hợp chưa lễ phong tặng nên chưa có đơn vị nhận phụng dưỡng; số còn lại 282 Bà mẹ còn sống đều được cơ quan, đơn vị, cá nhân phụng dưỡng. Trong số các đơn vị phụng dưỡng có 122 đơn vị thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp (chiếm 40,4%) có 180 là doanh nghiệp, cá nhân (chiếm 59,6%).

Ngoài việc phụng dưỡng hàng tháng, các cơ quan, đơn vị, địa phương còn có nhiều hình thức chăm sóc khác như: Sửa chữa nhà, tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, mua sắm các phương tiện sinh hoạt cá nhân, thăm hỏi và tặng quà nhân ngày lễ, tết: tổ chức chăm sóc sức khỏe, khám bệnh tư vấn cấp thuốc tại nhà…

Trao bằng khen của lãnh đạo Tp Hà Nội cho các tập thể, cá nhân

 

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành khẳng định, việc thực hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH” đã kịp thời tôn vinh các Bà mẹ VNAH, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất các Mẹ và tiếp tục khẳng định chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước tri ân đối với Bà mẹ VNAH nói riêng và NCC nói chung là truyền thống, đạo lý tốt đẹp lâu đời của dân tộc ta.

“Hội nghị này nhằm tổng kết các kinh nghiệm đã làm được qua thực tế 20 năm qua, đồng thời, nghiêm túc rút kinh nghiệm những việc còn thiếu sót trong quá trình lập hồ sơ đề nghị và thực hiện các chính sách ưu đãi với Bà mẹ VNAH, để việc thực hiện chính sách này của Hà Nội ngày càng tốt hơn trong thời gian tới của các cấp, ngành, các đoàn thể chính trị xã hội và của toàn xã hội” – ông Thành nhấn mạnh.

Tại hội nghị đã có 108 tập thể, cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, UBND Thành phố Hà Nội về những thành tích đã đạt được trong thực hiện chính sách đối với Bà mẹ VNAH và trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” phụng dưỡng Bà mẹ VNAH. 

N.Síu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh