THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:40

Góp phần giảm bớt khó khăn cho các đối tượng bảo trợ xã hội

Ảnh minh họa. Nguồn TL.

Ảnh minh họa. Nguồn TL.

Để Nghị định nhanh chóng đi vào cuộc sống, ngày 24/6/2021, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Theo đó, Thông tư này hướng dẫn về: thôi hưởng, tạm dừng trợ cấp xã hội hàng tháng, kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng; chế độ đối với đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp; hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và thủ tục chuyển mức và hệ số tương ứng. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Bộ LĐ-TB&XH cũng ban hành Quyết định số 635/QĐ-LĐTBXH về công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong lĩnh vực bảo trợ xã hội thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ LĐTB&XH. Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát, tổng hợp đối tượng, dự kiến ngân sách và thực hiện.

Bên cạnh đó, ngày 15/9/2021, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 76/2021/TT-BTC hướng dẫn về nội dung chi, mức chi, nguồn kinh phí, lập, phân bổ và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp xã hội.

Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Nghị quyết, kế hoạch, văn bản hướng dẫn huyện, xã tổ chức thực hiện, bảo đảm đối tượng đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội được chuyển sang hưởng mức mới từ ngày 1/7/2021.

Theo báo cáo từ các địa phương, hiện cả nước có 3,13 triệu người (khoảng 3% dân số) hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc và 48.423 người đang được nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, tăng 3,5 lần so với năm 2006. Tổng kinh phí thực hiện chính sách là 17.563 tỷ đồng.

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, các đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, bao gồm:

Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp sau: Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi; mồ côi cả cha và mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật; cả cha và mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật…

Người thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn băng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

Trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo.

Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật.

Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 3 và 6 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.

Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.

Các đối tượng trên được trợ cấp xã hội hàng tháng với mức bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội (360.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2021) nhân với hệ số tương ứng. Ngoài ra, các đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP học giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng và đại học được hưởng chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo và dạy nghề theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Nghị định số 20 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, không chồng chéo nội dung, đối tượng. Đồng thời, những quy định được triển khai sẽ cải thiện một bước đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Theo tính toán, ngân sách chi trợ giúp xã hội hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, mai táng phí cho đối tượng theo Nghị định 20 vào khoảng 23.675 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, đến thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định 20, đã có 12 tỉnh, thành phố chủ động tăng mức chuẩn trợ cấp, mức trung bình khoảng 390.000 đồng/tháng, cho gần 700.000 đối tượng với kinh phí 3.514 tỷ đồng/năm. Trong đó, tỉnh Vĩnh Phúc quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội bằng 1/3 mức lương cơ sở, cao nhất trong cả nước (tương đương khoảng 500.000 đồng/tháng).

Châu Anh Hưng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh