CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:10

Góp phần để chính sách sát với đời sống hơn

Cần thay đổi cách xây dựng VBPL khép kín như hiện nay

Mỗi năm, số lượng VBPL có dấu hiệu trái pháp luật chưa được phát hiện kịp thời vẫn tăng. Nhiều quy định được ban hành vội vàng, gây “sốc” như: Cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam Anh hùng khi thi đại học, phải bán thịt trong vòng 8 tiếng, bảo đảm nhiệt độ trong hàng bia dưới 30 độ... khiến dư luận bức xúc, buộc phải lập tức sửa đổi ngay khi chưa ráo mực.Mới đây, Bộ Tư pháp lại... gây cười khi dẫn chứng các nghề như:

Biểu diễn ca Huế; sửa chữa ôtô, mô tô, xe đạp; kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe điện bốn bánh, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy... sẽ được các tỉnh như Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Quảng Bình, Đắk Lắk, Nghệ An tự đặt điều kiện kinh doanh. Các chuyên gia pháp lý cho rằng, nguyên nhân cũng chỉ vì việc xây dựng VBPL gần như khép kín trong nội bộ ban soạn thảo.

Cơ chế tiền kiểm hiệu quả đối với thông tư, thông tư liên tịch lại chưa có, trong khi sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa tốt, hoặc chỉ chú trọng đến “lợi ích ngành” nên để lọt nội dung thiếu tính khả thi, không phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Thậm chí, nhiều trường hợp cơ quan soạn thảo còn “quên” lấy ý kiến đối tượng chịu tác động của văn bản hoặc chỉ đăng trên cổng thông tin để lấy ý kiến kiểu... “cho có”, chưa minh bạch, hình thức.

Nhân dân quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) góp ý xây dựng dự thảo Bộ luật Dân sự. Ảnh: PA.Nhân dân quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) góp ý xây dựng dự thảo Bộ luật Dân sự. Ảnh: PA.

“Nếu không có đóng góp của nhân dân, không có sự đóng góp của cán bộ địa phương thì vẫn còn tình trạng pháp luật trên trời”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã thẳng thắn nói.

Không để ý kiến người dân chỉ mang tính hình thức

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng: “Trong khi không thể thay đổi trong ngày một ngày hai năng lực của đội ngũ cán bộ xây dựng pháp luật thì huy động trí tuệ của người dân, của doanh nghiệp để cùng với Nhà nước xây dựng pháp luật, tận dụng tai mắt của nhân dân, của doanh nghiệp để kiểm soát quá trình xây dựng pháp luật rõ ràng là một cách làm vô cùng hiệu quả và hợp lẽ.

Nhưng cần xác định rõ các đầu mối, địa chỉ cho việc triển khai lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, phải công khai bản dự thảo cuối cùng để người dân, doanh nghiệp trong nhiều trường hợp không bị bất ngờ khi văn bản được ban hành liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ, chứa đựng những quy định bất lợi mà họ không hề được biết đến trước đó.

”Một quá trình lập pháp “mở” sẽ là cơ hội để xã hội dân sự phát triển. Sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng pháp luật cũng là một môi trường tốt để phát huy dân chủ trong nhân dân, tăng cường trách nhiệm cộng đồng trong nhận thức của mỗi công dân. Kết quả khảo sát cho thấy, 54,5% số người được hỏi đề nghị phải thay đổi việc lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức và đối tượng chịu sự tác động đối với VBPL do cơ quan trung ương ban hành.

Ở cấp địa phương, con số này là 62,5%. Vì vậy, dự thảo Luật Ban hành VBPL đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu quy định, cơ quan chủ trì soạn thảo các dự thảo trong quá trình soạn thảo phải lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cơ quan, tổ chức liên quan; tổng hợp, tiếp thu, giải trình đối với các ý kiến góp ý...

Vấn đề đặt ra, làm thế nào để việc các ý kiến đóng góp của cá nhân, tổ chức trong quá trình xây dựng VBPL không bị “lọt thỏm” rồi... mất dạng. Nếu thiếu cơ chế bắt buộc phản hồi ý kiến góp ý vào dự thảo VBPL sẽ khiến người dân cảm thấy ý kiến của mình không được tôn trọng và không khuyến khích được người dân tham gia vào quá trình xây dựng VBPL.

Hơn nữa, nếu không có những chế tài cần thiết đối với người có trách nhiệm khi vi phạm qui trình, thời hạn lấy ý kiến thì khó bảo đảm việc lấy ý kiến không bị diễn ra một cách hình thức như đối với một số văn bản thời gian qua. Ngoài ra, nhiều chuyên gia pháp lý thấy rằng, qui định về quyền tham gia của người dân thôi chưa đủ mà cần qui định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi không thực hiện trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo sự tham gia của người dân.

Cùng với đó, cần qui định tăng cường khả năng tiếp cận thông tin để bảo đảm tính thực chất của việc người dân tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh