Google biết dựa vào đâu nếu không có tìm kiếm Internet?
- Công nghệ mới
- 17:32 - 04/05/2016
Google trở thành một trong những công ty quyền lực nhất hành tinh là nhờ giải quyết một vấn đề nan giải: làm thế nào để tìm kiếm mọi thứ trên mạng dễ dàng hơn. Giờ đây Google lại “đau đầu” trong công cuộc tìm kiếm mới, chính là con đường khác dự phòng cho tương lai.
Alphabet, công ty mẹ của Google, đang nỗ lực đầu tư vào hàng loạt dự án, từ bộ ổn nhiệt kết nối Wi-Fi đến các hạt nano phát hiện ung thư. Loại thí nghiệm ấy không hề rẻ và nhanh đạt kết quả. Doanh số từ các dự án này, mà Alphabet gọi là “Other Bets”, mang về 166 triệu USD trong quý vừa qua, tăng từ 80 triệu USD một năm trước đó. Tuy nhiên, tổn thất lại nới rộng lên 802 triệu USD từ 633 triệu USD trong cùng kỳ.
Đối với “đại gia” như Google, khoản tiền đó không lớn song áp lực chắc chắn không hề nhỏ sau khi công ty thông báo kết quả kinh doanh thất vọng tuần trước. CEO Larry Page không đáp ứng được kỳ vọng của phố Wall cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.
Trong một thông báo, Giám đốc Tài chính Alphabet Ruth Porat cho biết, đang theo đuổi các ván bài lớn. Công ty cũng “đang phát triển công nghệ mới thú vị, tại Google và Other Bets, có thể đưa đến tăng trưởng dài hạn”.
Quý đầu năm 2016, doanh số, loại trừ chi phí trả cho đối tác quảng cáo, đạt 16,46 tỷ USD. Lợi nhuận, loại trừ một số chi phí, đạt 7,5 USD/cổ phiếu trong khi mức kỳ vọng là 16,56 tỷ USD doanh thu và 7,96 USD/cổ phiếu. Phiên giao dịch sau đó, giá cổ phiếu giảm 6%. Như vậy, cổ phiếu Alphabet không biến động trong năm nay. Google nhận thức được điều đó thông qua việc chọn lựa mảng kinh doanh khác ngoài tìm kiếm. Năm 2015, Google tái cấu trúc, chia các bộ phận thành những công ty độc lập, quy mô nhỏ hơn. Mục tiêu là cho phép các công ty này linh hoạt hơn khi loại bớt các thủ tục hành chính quan liêu. Về cơ bản, họ được cư xử như một startup. Vấn đề là bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể nói với bạn rằng startup đang khó khăn.
Nest, công ty thiết bị gia dụng thông minh mà Google mua 2 năm trước với giá 3 tỷ USD, từng được xem là hình mẫu cho “Other Bets”. CEO Nest, Tony Fadell, là một nhân vật nổi tiếng của Apple, người thiết kế nên mẫu iPod đầu tiên. Nest cũng có các sản phẩm đang được bày bán trong các cửa hàng như Best Buy hay Amazon. Song gần đây công ty lâm vào rắc rối. Doanh số của Nest được cho là thấp hơn mức kỳ vọng của Alphabet. Fadell khiến một số nhân viên cảm thấy hoài nghi. Thực tế, Greg Duffy, đồng sáng lập Dropcam, gọi quyết định bán công ty cho Nest năm 2014 là một sai lầm. Anh đã bỏ Nest vào năm ngoái.
Google cũng gặp phải một vài xáo trộn khác. Google từng có tham vọng xây dựng một tương lai toàn robot, sau đó người đứng đầu dự án, Andy Rubin - “cha đẻ Android” - rời Google năm 2014 để theo đuổi ước mơ riêng. Tháng 3/2016, Bloomberg phát hiện Alphabet đang muốn bán Boston Dynamics, hãng robot công ty mua năm 2013. Doanh nghiệp này chuyên thực hiện các nguyên mẫu robot đặc biệt nhưng dường như chưa thể sản xuất sản phẩm bán được trên thị trường vài năm tới.
Dù vậy, còn quá sớm khi nói Alphabet sắp mất chỗ đứng của mình. Google với mảng kinh doanh Internet (tìm kiếm, YouTube) vẫn đang thống trị. CEO Sundar Pichai cho biết công ty đầu tư mạnh mẽ vào tìm kiếm thế hệ mới, vượt ngoài điện thoại. Bước tiếp theo chính là trí thông minh nhân tạo (AI). “Trong dài hạn, chúng tôi sẽ phát triển từ ưu tiên di động sang ưu tiên AI”.
Google đang sở hữu 7 sản phẩm khác nhau có hơn 1 tỷ người dùng: Gmail, tìm kiếm, Android, Chrome, bản đồ, Play và YouTube. Có thể, Google đang làm ăn tốt đến mức EU cho rằng công ty lạm dụng thế độc quyền của mình. Năm 2015, nhà chức trách buộc tội Google ưu ái các dịch vụ riêng so với đối thủ trên công cụ tìm kiếm. Mới đây nhất, EU lại tố Google bóp méo cạnh tranh khi buộc các đối tác sản xuất điện thoại phải cài sẵn ứng dụng nếu muốn có Google Play.
Trong lúc phải gỡ rối mớ bòng bong này, công cuộc tìm ra thứ vĩ đại tiếp theo cho Google vẫn đang tiếp diễn...
CÙNG CHUYÊN MỤC
Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình: Thực hiện kinh tế tuần hoàn biến rác thải thành tài nguyên
Trong chiến lược phát triển, Công ty Cổ phần Môi trường công nghệ cao Hòa Bình (CNC) đã tiên phong thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm thu gom,...
1 năm trước
Tin nên đọc