THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:13

Gói hỗ trợ an sinh: Cần nhanh nhất đến với dân, không để ai thiếu đói

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến đôn đốc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 diễn ra chiều 26/8.

Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Lê Văn Thanh; Lê Tấn Dũng; Nguyễn Bá Hoan; Nguyễn Thị Hà và đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ cùng với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH các địa phương tại các điểm cầu trong cả nước.

Gói hỗ trợ an sinh: Cần nhanh nhất đến với dân, không để ai thiếu đói - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị.

Không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định: Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, thời gian kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm và cuộc sống thường ngày của người dân, nhất là lực lượng lao động, công nhân, lao động tự do, những người không có giao kết hợp đồng lao động… Vì vậy mục tiêu Đảng, Nhà nước đề ra trước hết làm sao kiềm chế, hạn chế, tiến tới đẩy lùi được dịch bệnh. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là huy động toàn xã hội chăm lo cho người nghèo, người yếu thế trong dịch bệnh. Đảm bảo cuộc sống không có ai thiếu ăn, thiếu mặc nhưng chính sách nhà nước phải đóng vai trò nòng cốt.

Đánh giá về việc triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Bộ trưởng cho rằng, việc triển khai tương đối đồng bộ, khẩn trương và nhiều nơi đạt kết quả tốt. "Đặc biệt như TP HCM - nơi có tới hàng chục triệu dân, đối tượng đa dạng, giãn cách xã hội yêu cầu nghiêm ngặt nhưng đã triển khai rất tốt Nghị quyết 68 và Quyết định 23. TP HCM đang triển khai 1,8 triệu gói an sinh xã hội và hơn 500.000 lao động tại TP HCM đã được hỗ trợ... Bên cạnh đó các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội… cũng đã có nhiều cách làm sáng tạo như hỗ trợ nhà trọ, giảm tiền điện, nước, hỗ trợ tiền ăn… "Tất cả những điều này đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân giúp người dân không thiếu ăn, thiếu mặc, yên tâm ở nhà giãn cách "thực hiện ai ở đâu ở đó, không ra khỏi nhà". Qua đó, niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước vào công cuộc phòng chống dịch ngày càng tăng" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra việc triển khai các chính sách vẫn còn nhiều hạn chế mà trong đó có một số nguyên nhân khách quan như: Dịch bệnh, đang giãn cách, khó khăn nguồn lực… nhưng nguyên nhân chính vẫn là yếu tố chủ quan. Đó là do tư tưởng trông chờ, ngại việc, ngại khó, sợ trách nhiệm vẫn đang hiện hữu ở một số bộ phận cán bộ. Nhiều nơi còn tình trạng trên nóng, dưới lạnh, cán bộ thực thi còn thơ ơ với công việc. Trách nhiệm một số đơn vị chưa được phát huy…

Gói hỗ trợ an sinh: Cần nhanh nhất đến với dân, không để ai thiếu đói - Ảnh 2.

Hội nghị tại các điểm cầu.

Bộ trưởng đặt câu hỏi: "Tại sao có nhiều chính sách rất rõ ràng, thủ tục, điều kiện thông thoáng nhưng vẫn chậm vào cuộc sống? Bộ trưởng đề nghị: Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, lãnh đạo Bộ, Cục, Vụ cần thấy rõ trách nhiệm của mình hơn để làm việc. "Rõ ràng chúng ta thấy rằng rằng tình hình lao động, đời sống người dân đang rất khó khăn, đang rất cần chung tay và càng nhanh càng tốt. Chậm ngày nào chúng ra có lỗi với dân ngày đó" - Bộ trưởng nhắc.

Về việc thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho các tỉnh bị ảnh hưởng dịch Covid-19, Bộ trưởng đề nghị 27 tỉnh, thành phố đã có quyết định hỗ trợ gạo của Chính phủ, Sở LĐ-TB&XH cần khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh rà soát kỹ danh sách hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, tuân thủ theo quy định sau đó gửi ngay về Bộ để thẩm định. "Làm sao để không ai thiếu đói, nhưng cũng không để sai đối tượng" - Bộ trưởng lưu ý.

Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu, phải tập trung thực hiện Nghị quyết 68, đặc biệt các chính sách hỗ trợ liên quan đến người lao động, lao động tự do, người yếu thế. Cần rà soát ngay việc thực hiện 12 chính sách theo Nghị quyết 68. Phân tích, rà soát các chính sách, tìm nguyên nhân, cách tháo gỡ từ đó tập trung triển khai. "Cần phải xác định an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Chúng ta làm việc này không chỉ bằng trách nhiệm mà còn phải bằng lương tâm và tình cảm với người dân thực sự" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết, những kiến nghị của các địa phương trong hội nghị này sẽ được tiếp thu đầy đủ và ngay trong ngày 27/8, lãnh đạo Bộ sẽ hoàn thiện dự thảo sửa Nghị quyết 68 và Quyết định 23 và xin ý kiến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, BHXH Việt Nam… để sớm nhất trình Chính phủ trong đầu tuần tới. Đồng thời, Bộ sẽ lập các đoàn kiểm tra, dự kiến sẽ có ít nhất 20 đoàn đi kiểm tra, giám sát, đôn đốc và cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai chính sách.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương học tập cách làm của TP HCM và Bình Dương chủ động tiếp cận các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tập trung đẩy nhanh thực hiện nhóm chính sách hai và ba. Đối với các địa phương trong thời gian giãn cách cần lưu ý: Vùng đỏ và cam tập trung hỗ trợ cái ăn, mặc. Vùng xanh tập trung giải quyết ngay cách chính sách hỗ trợ. Tất cả các địa phương dịch bệnh đang ổn giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ tiền mặt.

Bộ trưởng cũng cho rằng, trong nguy có cơ, trong khó khăn nảy sinh thuận lợi. Dịch bệnh là lúc để toàn ngành đổi mới công tác chỉ đạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Các cuộc họp trực tuyến sẽ được tổ chức thường xuyên nên các đơn vị, địa phương chủ động hơn trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số. "Nhưng các cuộc họp phải đảm bảo nhiều người nghe, nhiều người thấu hiểu để cùng chung tay thực hiện"- Bộ trưởng lưu ý.

Gói hỗ trợ an sinh: Cần nhanh nhất đến với dân, không để ai thiếu đói - Ảnh 3.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các địa phương.

Hơn 13, 5 triệu người lao động được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng

Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Chánh văn phòng Bộ LĐ-TB&XH Vũ Xuân Hân cho biết, việc thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định 23 đã được các Bộ, ngành và địa phương tích cực, chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 68, Quyết định số 23; ban hành đầy đủ các Kế hoạch/Quyết định và văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, phân công cụ thể trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong đó phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp cơ sở. 

Nhiều địa phương đã chủ động sáng tạo và mở rộng các đối tượng như Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội... Trong đó, TP Hồ Chí Minh đã triển khai xong gói hỗ trợ đợt 1 và đang triển khai gói hỗ trợ đợt 2, đặc biệt địa phương đã triển khai mô hình "túi an sinh xã hội", đảm bảo người dân có mức sống tối thiểu, không bị thiếu đói; Tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, lương thực, thực phẩm cho người lao động, mở rộng đối tượng người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội, vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ. Nhiều hình thức hỗ trợ rất sáng tạo đã được triển khai như: ATM gạo, rau, siêu thị 0 đồng, xe hàng 0 đồng, siêu thị hạnh phúc, chuyến xe hạnh phúc, triệu bữa cơm... đã góp phần tương trợ, san sẻ yêu thương cho cộng đồng và những người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Gói hỗ trợ an sinh: Cần nhanh nhất đến với dân, không để ai thiếu đói - Ảnh 4.

Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương Nguyễn Huy Hưng báo cáo việc triển khai một số nhóm chính sách.

Cùng với các hoạt động hỗ trợ người dân do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể thực hiện, tại một số địa phương còn mở rộng chính sách hỗ trợ bằng nguồn ngân sách địa phương cho các đối tượng khác ngoài quy định của Nghị quyết số 68, Quyết định số 23 như thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh. Nhiều địa phương đã xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án đón người dân sinh sống, học tập và làm việc tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai trở về quê hương nhằm giảm áp lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương này; hoặc có biện pháp hỗ trợ để người lao động an tâm ở lại theo phương châm "ai ở đâu ở đấy".

Trong thời gian qua, các nhóm chính sách đã được triển khai cụ thể như: 

 * Nhóm chính sách về bảo hiểm, hỗ trợ cho trên 11,38 triệu người lao động, gần 375.500 người sử dụng lao động với số tiền trên 4.610 tỷ đồng;

 * Nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, đến nay đã hỗ trợ được cho khoảng 2,12 triệu người lao động với số tiền gần 3.290 tỷ đồng;

 * Nhóm chính sách cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, đến nay đã cho vay 185,5 tỷ đồng, với 353 người sử dụng lao động và 53.581 lượt người lao động được hỗ trợ . Tổng cộng đã hỗ trợ cho trên 13,5 triệu người lao động và đối tượng khác, trên 375.800 người sử dụng lao động với khoảng trên 8.000 tỷ đồng.

NGUYỄN SÍU - MẠNH DŨNG
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh