CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:13

Gỡ khó cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập

Giảng viên và sinh viên Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng trong một tiết học. Ảnh: TẤN THẠNH


Hơn hai thập kỷ qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học NCL được ban hành, góp phần từng bước thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục nói chung và phát triển giáo dục đại học NCL nói riêng. Hiện nay, các trường đại học NCL hoạt động theo hai loại hình là trường lợi nhuận và trường phi lợi nhuận.

GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định: Loại hình trường lợi nhuận do các nhà đầu tư lập ra, đã bộc lộ một số nhược điểm. Do người góp nhiều vốn giữ quyền chi phối, cho nên giữa nhà đầu tư và các nhà giáo luôn tiềm ẩn mâu thuẫn. Nhà đầu tư luôn muốn giảm kinh phí đào tạo để tăng lợi nhuận, còn các nhà giáo thì muốn nâng cao chất lượng đào tạo, điều đó đồng nghĩa phải tăng kinh phí đào tạo. Mặt khác, vì người có nhiều vốn giữ quyền chi phối cho nên khi có sự biến động về vốn, dễ dẫn tới biến động về quyền sở hữu trường. Điều đó phát sinh hiện tượng chuyển nhượng, mua bán trường, ảnh hưởng sự ổn định của hoạt động đào tạo.

Trong khi đó, đối với loại hình trường phi lợi nhuận chưa thu hút được nhà đầu tư, cho nên không có nguồn vốn lớn ngay từ đầu. Ngay từ ngày thành lập, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tập hợp vốn góp của hơn 800 cán bộ, giảng viên được hơn 100 tỷ đồng để xây dựng trường. Vì không phải chia lợi nhuận và không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, cho nên quỹ tích lũy tập trung được tích tụ hàng năm, qua 20 năm đã đạt giá trị hơn một nghìn tỷ đồng. Quỹ này thuộc sở hữu tập thể của các cổ đông. Bên cạnh đó, vì không phải trường của các nhà đầu tư cho nên không có mâu thuẫn giữa các nhà giáo và nhà đầu tư. Ngay từ ngày đầu thành lập, trường đã xác định mục đích “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Mặc dù cùng là các trường đại học NCL, trong khi có một số trường được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thuê đất thì phần lớn các trường vẫn phải đóng hai loại thuế nói trên, tạo sự bất bình đẳng giữa các trường. Theo GS, TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường đại học dân lập Hải Phòng, để tạo bình đẳng giữa sinh viên các trường ngoài công lập và công lập, Nhà nước chỉ nên “rót” kinh phí đào tạo cho các trường hoặc các ngành trọng điểm với số lượng nhất định và yêu cầu cụ thể. Đồng thời, cần có quy định và yêu cầu rõ ràng về điều kiện được cấp kinh phí của Nhà nước; kiên quyết chấm dứt tình trạng trường trọng điểm được cấp kinh phí đào tạo nhưng yêu cầu tuyển sinh đầu vào thấp hơn đầu vào cùng ngành của trường NCL. Mặt khác, tạo điều kiện cho các trường NCL được vay vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp để có nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo; thực hiện miễn thuế thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp vì cuối cùng tiền thuế đó sinh viên là người gánh chịu…

Trong khi đó, GS, TSKH Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT Trường đại học Thăng Long (Hà Nội) cho rằng: Chủ trương chuyển các trường đại học dân lập sang tư thục là đúng hướng, nhưng việc đưa ra khái niệm “tài sản thuộc sở hữu chung” dẫn tới nhiều trường không thể chuyển đổi từ dân lập sang tư thục. Thực tế cho thấy, các trường đại học tư được hình thành theo các cách khác nhau. Do đó, tài sản của trường hãy để các trường tự quyết định. Việc cho phép mở các trường tư có khác gì cho phép các doanh nghiệp tư ra đời. Vì vậy, nên để hội đồng quản trị quyết định theo tinh thần không có cá nhân nào được quyền chiếm đoạt.

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá: Phần lớn các trường đại học, cao đẳng NCL đều cố gắng thực hiện những cam kết trong đề án thành lập trường. Bên cạnh kết quả đạt được, các trường NCL cũng tồn tại một số hạn chế, bất cập cần tháo gỡ. Bất cập lớn nhất là sự phân biệt đối xử về chính sách đãi ngộ của Nhà nước giữa sinh viên trường công lập và sinh viên trường NCL. Nhiều người nói rằng, sinh viên trường NCL bị đối xử như “công dân loại hai”. Trong khi sinh viên trường công lập được cấp học bổng, miễn, giảm học phí… nhưng sinh viên trường NCL không được hưởng chính sách nào. Theo khảo sát, điều tra, tỷ lệ sinh viên đến từ khu vực nông thôn ở các trường NCL nhiều hơn ở các trường công lập.

Ngoài ra, việc ban hành các văn bản còn chậm, thiếu tính kế thừa, chưa đồng bộ; một số nội dung không đồng nhất; một số quy định chưa cụ thể, chưa đi vào cuộc sống là khó khăn, trở ngại của các trường nói trên. Cụ thể, trong Luật Giáo dục năm 2005, nội dung ở Điều 20 quy định “Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi” mâu thuẫn với Điều 66 “Chấp nhận chia lãi suất cho thành viên góp vốn” và Điều 67 “Chấp nhận sở hữu tư nhân”. Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị nên điều chỉnh lại Điều 20 của Luật Giáo dục năm 2005 là “Nhà nước khuyến khích các hoạt động giáo dục không vì lợi nhuận”. Từ những phân tích nêu trên và do vấn đề chế độ tài chính ở các trường NCL chưa rành mạch, đã dẫn tới tình trạng mất đoàn kết nội bộ kéo dài, nhất là tại các trường dân lập, nhưng chưa được tháo gỡ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, tuyển sinh.

Trước thực trạng nói trên, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Bùi Văn Ga khẳng định: Bộ GD và ĐT luôn xem xét các trường đại học, cao đẳng công lập và NCL bình đẳng như nhau, không có sự phân biệt đối xử trong tất cả cơ chế, chính sách. Các trường NCL đã đóng góp rất lớn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực từ khi đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới.

Trong bối cảnh hiện nay, Bộ GD và ĐT chủ trương không cho thành lập các trường đại học công lập nhưng những trường đại học tư thục có đầu tư lớn, chất lượng cao và không vì lợi nhuận vẫn được trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Bộ GD và ĐT sẽ khảo sát, đánh giá lại hội đồng của các trường NCL trong bảy lĩnh vực: Cơ chế chính sách, đội ngũ giáo viên, cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, tình hình tuyển sinh, nghiên cứu và hoạt động hợp tác quốc tế. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng lại hệ thống các quy định liên quan.

Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Bùi Văn Ga đề nghị các bộ, ngành, nhất là các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ chính sách cần thiết (về đất đai, thuế, các khoản vay ưu đãi…), để những trường NCL phát triển. Đáng chú ý, Bộ GD và ĐT cũng yêu cầu các trường thực hiện đầy đủ cam kết đã nêu trong đề án thành lập trường; xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, tạo thương hiệu, tăng uy tín trong công tác tuyển sinh…

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh