Giữa ma trận đặc sản bạch tuộc
- Sức khỏe
- 15:02 - 15/07/2015
Ăn xong đặc sản vào thẳng bệnh viện
Vợ chồng chị Lê Thị Thanh, ở quận 3 (TP. Hồ Chí Minh) thường xuyên phải tăng ca, đến tối mới về nên thường mua hải sản vào tầm chập choạng. Chị Thanh kể: "Tôi nghe nói ở chợ Bình Điện thường xuyên nhập các loại hải sản, nhất là bạch tuộc đặc sản tử Bình Thuận, Phú Yên về rất phong phú. Lại nghe giới thiệu, bạch tuộc ở đó có nhiều vitamin thiết yếu như A, B1, B2, C và một số loại khoáng chất như phốt pho, canxi, sắt, đồng, kẽm, iốt… rất tốt cho sự phát triển của cơ thể và trí não. Ngoài ra, thịt bạch tuộc lại chứa ít chất béo, phù hợp với những người chơi thể thao, người muốn giảm cân... nên thường ghé chợ Bình Điền mua về xào và nấu lẩu. Nhưng không ngờ chỉ ăn được đến bữa thứ 2 thì nôn ói hết và còn đau bụng dữ dội vì ngộ độc thực phẩm, phải vào bệnh viện để điều trị mất hai ngày. Lúc mua chúng tôi cũng đã quan sát thấy con bạch tuộc tuy không còn sống nhưng vẫn rất tươi, màu bóng và hấp dẫn lắm nên mới mua. Bác sỹ kết luận trong thức ăn (là bạch tuộc) có cả thành phần của urê".
Nhiều cảng cá ở Bình Thuận các thương lái vẫn gom bạch tuộc ươn rồi biến thành tươi để chuyển vào Sài Gòn
Tương tự như chị Thanh, anh Trần Hùng Tĩnh, ở đường Phạm Văn Đồng cho biết; do làm việc trên mãi đường Phạm Văn Sỹ nên thỉnh thoảng làm xong cũng hay mua bạch tuộc được giới thiệu là đặc sản được chuyển từ miền Trung vào, hoàn toàn tươi ngon ở chợ Lê Văn Sỹ. Ăn vài lần thấy bình thường. Thế nhưng ăn đến lần thứ 3 thì thấy trong người nôn nao, chóng mặt và không giữ được thức ăn trong bụng nữa, tiêu chảy cả nhà. Dù bạch tuộc được nướng rất kỹ. Vào viện mới biết, thủ phạm gây ngộ độc chính là bạch tuộc. Vì phải đi làm cả ngày nên từ đó không dám đi chợ vào cuối các buổi chiều mua bạch tuộc nữa.
Biến ươn thành... tươi ngon
Đúng là bạch tuộc có nguồn chất dinh dưỡng cao và dễ chế biến. Tuy nhiên khi bạch tuộc bị tẩm chất bảo quản sẽ gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe và gây ngộ độc thực phẩm. Ông Lê Bình Tuấn, người từng nhiều năm sống bên cảng cá Cồn Trà (Bình Thuận) cho biết; lượng bạch tuộc ở Bình Thuận xuất vào TP. Hồ Chí Minh rất nhiều. Dân địa phương thì dùng chỉ một lượng nhỏ thôi. Để đánh được một mẻ bạch tuộc lớn cần rất nhiều công phu mà khi nhập bạch tuộc vào TP. Hồ Chí Minh để bán ra các chợ cần phải tươi rói, dù bạch tuộc không còn sống. Chính thế nên nhiều thương lái đã dùng chất bảo quản và một lượng urê nhất định để làm cho bạch tuộc lúc nào cũng có vể tươi ngon. Đó chính là nguyên nhân khiến cho nhiều người ăn bạch tuộc đặc sản bị ngộ độc.
Có mặt ở cảng cá Tiên Châu (Phú Yên) chúng tôi cũng thấy nhiều công nhân đang tấp nập chuyên chở những thùng bạch tuộc đã ngã sang màu nâu xỉn không còn trắng như thông thường lên những chiếc xe tải trọng lượng nhỏ để chuyên chở vào TP. Hồ Chí Minh bán cho các nhà hàng. Theo các ngư dân ở đây thì; bạch tuộc đã ươn đi như vậy ngư dân bị ép giá và bán với giá rất bèo nhưng được cái các thương lái mua số lượng lớn để chuyển vào Sài Gòn nên cũng đỡ mất công. Theo quy luật thì mua được các loại bạch tuộc ươn này với giá rẻ sau đó các thương lái sẽ phù phép cho thành tươi ngon bằng cách cho chất bảo quản và một lượng urê vào rồi chuyển vào các chợ hải sản ở TP. Hồ Chí Minh. Theo nhiều ngư dân đánh bắt hải sản lâu năm thì; Urê là loại hóa chất có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, giá thành rất rẻ nên không ít người kinh doanh thủy hải sản tươi sống, nhất là bạch tuộc đã dùng phân urê để bảo quản nhằm giữ cho thực phẩm tươi lâu không bị ươn thối. Hải sản là thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng khi chúng bị tẩm ướp urê, chất tẩy javel thì không còn nguyên chất nữa và có thể gây ngộ độc cho người dùng. Đạm urê sẽ ngấm trực tiếp vào bạch tuộc. Sau đó dù có được rửa kỹ nhiều lần vẫn không loại bỏ được hết các dẫn xuất độc hại của urê. Bởi vậy nên những người có hệ tiêu hóa kém và sức đề kháng không tốt khi dùng loại bạch tuộc này sẽ bị choáng váng, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Cũng có thể tránh được việc mua phải bạch tuộc đểu bằng nhiều cách phân biệt thông thường. Với bạch tuộc có dấu hiệu hư hỏng luôn có mùi rất đặc trưng là mùi ươn. Người tiêu dùng kiểm tra kỹ sẽ phát hiện dễ dàng dù chúng đã được xử lý để giảm bớt mùi. Ngoài ra, mô thịt bạch tuộc thường nhão, không săn chắc tự nhiên như bạch tuộc còn tươi sống. Với bạch tuộc ướp urê nhìn bề ngoài thấy rất tươi, mắt màu trắng, đầu bạch tuộc màu ngà ngà bình thường. Độ đàn hồi thân bạch tuộc không cao, khi ấn tay vào sẽ mềm, mình bạch tuộc lõm xuống, ngửi có mùi khai chứ không phải mùi đặc trưng của bạch tuộc biển. Khi rửa vài nước bạch tuộc sẽ mềm, lúc nướng hay luộc, bạch tuộc không có mùi thơm tự nhiên của bạch tuộc biển. Bạch tuộc lúc này cũng không có độ ngọt, thơm tự nhiên nữa. Đó là những kinh nghiệm phân biệt hữu hiệu nhất mà nhiều ngư dân chuyên đi đánh bắt bạch tuộc biển đã đúc kết nên.