THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 02:10

Giữ gìn phẩm giá chiến sĩ trên mặt trận báo chí

1.

Thời gian qua, trong thực tiễn hoạt động báo chí ở nước ta đã xuất hiện và tồn tại khuyết điểm, yếu kém đáng lo ngại, nhất là tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, mà biểu hiện là những bài viết mang nội dung thông tin thiếu trung thực, thiếu chính xác, phản ánh một chiều thông tin về mặt trái của xã hội - phản ánh quá nhiều những vụ việc tiêu cực, tệ nạn xã hội, gây dư luận xã hội bất an. Có khuynh hướng “thương mại hóa” báo chí, nhiều bài viết đăng tải các nội dung chưa thiết thực, chạy theo thị hiếu tầm thường của một số ít độc giả; trong thông tin còn sơ hở, thiếu sót, tạo điều kiện cho các thế lực xấu lợi dụng, khai thác, xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước ta.

1624286231120_z2565707353617_b711477cca883950cee39e139bfd127b

Một số nhà báo lợi dụng cái gọi là “quyền lực thông tin” mà thực chất là lợi dụng sức mạnh của công chúng, sức mạnh của dư luận xã hội, để thực hiện hành vi tiêu cực: dựa trên những bằng chứng thu thập được qua điều tra để hù dọa, tống tiền các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, hoặc yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân phải thực hiện những việc làm có lợi cho riêng cá nhân nhà báo. 

Không ít trường hợp nhà báo vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, thậm chí bị thu hồi thẻ và xử lý hình sự vì chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản. 

Một số cơ quan báo chí, nhà báo không (hoặc ít) chú trọng tính chân thật trong thông tin quảng cáo các sản phẩm, quảng bá thương hiệu trên đài, báo; đăng phát ca ngợi, tâng bốc một chiều, vì lợi ích kinh tế cục bộ của cơ quan báo chí hoặc vì lợi riêng của nhà báo, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tiền bạc… của người tiêu dùng, gây tác hại không nhỏ cho lợi ích của một bộ phận công chúng.

Không ít tờ báo, nhất là báo mạng, đưa nhiều tin, bài không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam, thông tin thiên về bạo lực, tình dục, vụ án, đời tư người nổi tiếng, mê tín dị đoan… để câu khách một cách rẻ tiền.

2.

Những người làm báo nước ta đều thấm thía câu nói của Bác: “Báo chí là một mặt trận, anh chị em viết báo cũng là chiến sỹ trên mặt trận ấy. Cây bút và trang giấy là vũ khí của họ” và lời nhắc nhở của Bác với câu hỏi trước khi đặt bút viết: “Viết cho ai; viết để làm gì; viết cái gì; viết như thế nào?”…Trả lời những câu hỏi đó trước hết nhà báo không được sao nhãng chức phận của mình là phục vụ xã hội phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, để chạy theo những giá trị không chân chính, những xu hướng thông tin không lành mạnh, thậm chí những cuộc ngã giá, vụ lợi, bất chấp đạo đức.

Công an tỉnh Hà Tĩnh đọc quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Trọng Hùng phóng viên báo Gia đình Việt Nam thường trú tại Nghệ An về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Công an tỉnh Hà Tĩnh đọc quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Trọng Hùng phóng viên báo Gia đình Việt Nam thường trú tại Nghệ An về hành vi "Cưỡng đoạt tài sản".

Sự xói mòn của đạo đức báo chí đi liền với quá trình thương mại hóa, đã, đang diễn ra trong ngành công nghiệp truyền thông. Áp lực lợi nhuận kinh doanh, đặt một bộ phận không nhỏ vào tình thế sẵn sàng vi phạm các nguyên tắc đạo đức để kịp thời tạo ra những ấn phẩm truyền thông có thể tiêu thụ nhanh với giá hời. Hệ quả tất yếu của quá trình này là sự xuất hiện tràn lan, không thể kiểm soát được các thông tin mang tính giải trí, nội dung nghèo nàn và nhiều khi không thể kiểm soát chúng.

Để thực hiện đúng các yêu cầu chuẩn mực đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp Hội nhà báo Việt Nam đã công bố 10 điều quy định đạo đức người làm báo Việt Nam. Thể hiện đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ, hành vi ứng xử của nhà báo trong các mối quan hệ nghề nghiệp. Tiêu chí đầu tiên đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam là “Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc cuả nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế”. Đó là một nguyên tắc và là tiêu chuẩn đạo đức của người làm báo Việt Nam, Bác Hồ nhiều lần nhấn mạnh: “Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là lời hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới...", “Ngòi bút là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà…”. Chức năng, nhiệm vụ của báo chí là “tuyên truyền huấn luyện, tổ chức quần chúng…” và đã từ rất sớm Bác đã nói rằng “báo chí cũng là một ngành kinh tế”. Người nhắc nhở: Nhà báo phải cổ vũ nhân tố mới bằng cách viết cho hay, viết cho chân thật và hùng hồn. Bác coi chân thật là nguyên tắc của báo chí. Cho nên báo chí phải phản ánh đúng sự thật, có thế nào viết thế ấy. Viết biểu dương cũng như viết phê bình phải chân thành, đúng đắn. Thái độ phải rõ ràng trong khen, chê. Lập trường phải vững vàng. Người đặc biệt căn dặn: “Phê bình phải đúng đắn, thật thà, chân thành. Nêu cái hay, cái tốt thì phải chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy… ”, “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa rõ thì chớ nói, chớ viết”. Điều này thật vô cùng quan trọng khi thông tin mạng xã hội đang lấn lướt, thật giả lẫn lộn…Nhà báo viết để cổ vũ dân chúng noi gương, nên theo Bác là: “Phải viết cho hay, cho văn chương… Thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì người ta mới đọc”.

Nhìn lại những vi phạm đạo đức nghề báo bị xử lý, không có sai phạm nào chỉ có một người, mà sai phạm của cá nhân đều liên đới đến một tập thể, đến những người chịu trách nhiệm quản lý điều hành tổ chức đó. Vì vậy, xây dựng đạo đức baó chí là xây dựng một cách làm nghề trong cả dây chuyền hoạt động báo chí để đảm bảo từ khâu đầu đến khâu cuối đều phải thực hiện theo nguyên tắc chuẩn mực. 

3.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế hội nhập mạnh mẽ tạo ra sự phát triển có tính đột phá của công nghệ truyền thông. Cách thức làm báo thay đổi. Sự phát triển đó đang tạo ra cả cơ hội và thách thức cho cơ quan báo chí và nhà báo. Sự lan tỏa cực nhanh của thông tin đòi hỏi nhà báo không chỉ có tác phong nhanh nhạy, kịp thời mà cần phải có thái độ tỷ mỉ, thận trọng, chính xác. Nhanh nhạy nhưng không hấp tấp, bình tĩnh nhưng không chậm chạp, tỷ mỉ nhưng không lề mề, kịp thời nhưng không cẩu thả, đó là tác phong làm báo có trách nhiệm xã hội của nhà báo trong thời đại công nghiệp số. Không chỉ có vậy, trước thông tin hỗn độn trên không gian mạng xã hội và trước các luồng thông tin đa chiều trong cuộc sống hiện đại, nhà báo phải luôn tỉnh táo, sáng suốt, nhân văn trong việc tiếp cận, khai thác, thẩm định nguồn tin và cung cấp, sử dụng thông tin. Tĩnh táo để phân biệt thông tin đúng, sai, thật giả, chính tà… Nhân văn để lựa chọn cách đưa tin phù hợp, cân nhắc mức độ, liều lượng, nội dung thông tin mang lại lợi ích tối đa cho công chúng, xã hội, đất nước. Vị thế xã hội của báo chí và trọng trách là chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi mỗi nhà báo phải thường xuyên bền bỉ rèn luyện, trau dồi bản lĩnh, trí tuệ, nghiệp vụ để vượt qua cạm bẩy “tiền tài danh vọng”; Trách nhiệm nhà báo - người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng không chỉ dừng lại ở việc coi trọng nghề báo, mà cần thể hiện ở sự dấn thân, cống hiến hết mình sẳn sàng hy sinh vì lợi ích của Đảng của  nhân dân, để giữ gìn và ngày càng làm đẹp thêm vị thế uy tín danh dự nghề  báo, nhà báo,  là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng- văn hóa của Đảng.

Năm 2021 Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam đã tiếp nhận trên 100 đơn thu tố cáo khiếu nại, phản ánh về sai phạm của các cơ quan báo chí và nhà báo. Tất cả đã được đôn đốc xử lý, một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cấp Trung ương đã xử lý 20 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Trần Công Huyền

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh