THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:19

Giữ ấm trong ngày lạnh để phòng ngừa liệt mặt, méo miệng

Theo Sức khỏe và đời sống, tuần qua, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí có tiếp nhận bệnh nhân Đ. T. L, 31 tuổi, tại Quảng Yên, Quảng Ninh đến khám bệnh trong tình trạng mắt trái nhắm không kín, miệng méo sang phải, ăn uống rơi vãi, nói khó. 

Theo lời kể của người bệnh, trước đó người bệnh hoàn toàn khỏe mạnh, sau khi tắm và không giữ đủ ấm thì người bệnh bắt đầu xuất hiện miệng méo sang phải tăng dần, kèm theo nói khó khăn hơn, ăn cơm và uống nước bị rơi vãi bên trái. Người bệnh đã được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện. 

Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên bên trái. Người bệnh đã được tư vấn nhập viện điều trị theo phác đồ.

Giữ ấm trong ngày lạnh để phòng ngừa liệt mặt, méo miệng - Ảnh 1.

Liệt dây thần kinh số VII (ảnh minh hoạ)

TTXVN cũng đưa tin, TS. BS Hoàng Văn Lý, Trưởng khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Hữu Nghị) cho biết: Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh. Bệnh liệt mặt, méo miệng thường xảy ra vào mùa thu- đông và đông- xuân do thời tiết lạnh và nhiệt độ hay thay đổi.

Theo đó, tình trạng liệt mặt, méo miệng thường xảy ra do bệnh nhân bị gió lạnh lùa vào khi đang ngủ, ra ngoài gió lạnh đột ngột, nằm điều hòa lạnh, ngồi trên xe ô tô điều hoà lạnh lâu, tắm nước lạnh sau khi vận động ra mồ hôi…

Những người dễ mắc bệnh này là những người có thể trạng yếu, ít tập luyện thể dục, hay sử dụng rượu bia, ra ngoài trời lạnh buổi sớm và đêm; những người có tiền sử huyết áp cao, xơ vữa động mạch, hay thức khuya…

Theo BSCKI Đặng Thị Thư Vy, Trưởng khoa Thần Kinh - Cơ xương khớp, BV Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí Quảng Ninh, biểu hiện thường thấy của liệt dây thần kinh số VII ngoại biên do lạnh là:

+ Đột ngột thấy hai bên mặt mất cân đối, nửa mặt bên liệt bất động, mất nếp nhăn trán.

+ Mắt nhắm không kín, lông mày sụp xuống, rãnh mũi - má mờ, méo miệng, góc mép miệng bị xệ xuống.

+ Chảy dãi hoặc nước một góc miệng, thức ăn hay đọng lại ở má bên liệt, người bệnh không làm được các động tác: Phồng má, cười, chu môi, nhăn trán.

+ Các triệu chứng khác đi kèm như: Rối loạn vị giác, giảm tiết nước mắt, nói khó…

Ngoài ra, các cơ quan bộ phận khác thường không có biểu hiện của tổn thương thần kinh trung ương, nhiễm trùng, chấn thương hoặc nguyên nhân khác.

Phương pháp điều trị bệnh thường được áp dụng như sau:

+ Thuốc chống viêm, tăng dẫn truyền thần kinh.

+ Bảo vệ mắt, chống khô mắt và viêm giác mạc: Đeo kính râm, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý.

+ Đảm bảo vệ sinh răng miệng.

+ Giữ ấm, tránh lạnh.

+ Các phương pháp vật lý trị liệu: Phục hồi chức năng, y học cổ truyền.

+ Ngoài ra cần điều trị theo nguyên nhân nếu liệt VII ngoại biên do các nguyên nhân khác gây nên.

Nếu được phát hiện sớm (thường trong vòng 30 ngày kể từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên), điều trị đúng cách, bệnh có thể cải thiện từ 70 - 100%. Trường hợp nhẹ có thể hồi phục sau vài tuần, nếu nặng có thể vài tháng.

Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh liệt dây thần kinh số VII ngoại biên có thể để lại nhiều di chứng nặng nề khác nhau như: Viêm kết mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc, lộn mí, muộn hơn có thể gặp những triệu chứng hiếm như chảy nước mắt không kiểm soát (hội chứng nước mắt cá sấu)... Biến chứng co thắt nửa mặt sau liệt mặt gặp ở các thể nặng và khó hồi phục.  

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh