CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:53

Giới thiệu trường hợp đặc biệt làm Tổng Bí thư

 

Các đại biểu trao đổi bên lề Đại hội XII. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Về nhân sự kỳ này, Đại hội sẽ quyết định các trường hợp có được rút hay không, ông có thể nói cụ thể hơn?

Đối với các trường hợp không được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI giới thiệu thì theo Quy chế bầu cử, các đồng chí đó phải xin rút. Và thực tế, các đồng chí đã xin rút tại Hội nghị Trung ương 14 rồi.

Tại Hội nghị 14, Ban chấp hành Trung ương khóa XI đã bỏ phiếu, đồng ý cho rút. Tới đây, Đại hội sẽ bỏ phiếu và tôi tin Đại hội sẽ đồng ý cho các đồng chí rút. Đây là điểm mới trong Quy chế bầu cử trong Đảng.

Rút hay không rút do Đại hội quyết định. Đoàn Chủ tịch có trách nhiệm trình Đại hội tất cả các đề cử tại đoàn, sẽ lập một danh sách rồi Đại hội sẽ bỏ phiếu kín cho rút hay không cho rút.

Nếu Đại hội đồng ý quá bán cho rút, tức là đồng chí đó không có trong danh sách nữa, còn nếu tỷ lệ đồng ý chỉ là thiểu số thì tiếp tục đưa vào trong danh sách.

Sau đó sẽ đưa vào danh sách đề cử, ứng cử tại Đại hội và Đại hội sẽ lại phải bỏ phiếu một lần nữa để đảm bảo số dư không vượt quá 30%.

Được biết, tại kỳ Đại hội này có tới 9 ủy viên Bộ Chính trị xin không tham gia tái cử. Liệu có lo ngại xảy ra hẫng hụt không?

Công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương thông qua quy định rất chặt chẽ về độ tuổi tái cử.

Phương hướng của Ban Chấp hành Trung ương là khống chế độ tuổi: Đối với ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, không được quá 65 tuổi, ủy viên Trung ương không quá 60 tuổi.

Quy định như thế nhằm trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo của đất nước. Đúng là lần này có chuyện nghỉ nhiều, nhưng có hẫng hụt hay không? Tôi tin là không.

Ban Chấp hành Trung ương đã sáng suốt giới thiệu một đồng chí là trường hợp đặc biệt, vượt quá tuổi quy định, làm Tổng Bí thư, đảm bảo tính ổn định của đội ngũ lãnh đạo. Đó là người chủ chốt nhất trong các đồng chí lãnh đạo.

Bên cạnh đó cũng là để tạo điều kiện cho các đồng chí trẻ hơn vào vị trí chủ chốt của Đảng, Nhà nước.

Thế còn trường hợp đặc biệt trong các ủy viên Trung ương tái cử thì sao?

Các trường hợp đặc biệt này cũng xuất phát từ công việc. Qua bỏ phiếu và trên cơ sở thực tiễn chưa có người thay thế, hoặc người thay thế chưa thích hợp, chưa bằng người đang làm…

Tóm lại, các trường hợp đặc biệt Trung ương và Bộ Chính trị ở lại dựa trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình thực tế của Đảng và đất nước ta.

Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh.

Đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ, tầm vóc

Nhiệm kỳ này có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết, tăng 5 ủy viên chính thức nhưng lại giảm số ủy viên dự khuyết so với khóa trước. Điều này đặt ra thách thức gì trong việc đào tạo đội ngũ kế cận, thưa ông?

Khi tính toán tổng thể cần số lượng như vậy xuất phát từ lý do công việc, cơ cấu, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện.

Số lượng ủy viên dự khuyết ít hơn khóa trước do trong quá trình chuẩn bị, số ứng viên đề xuất để Trung ương bỏ phiếu chỉ có 22 người, thì làm sao đòi có 25 người được? Còn đào tạo cán bộ, chúng ta phải nhìn rộng hơn.

Không phải cứ phải vào Ban Chấp hành Trung ương mới là được đào tạo mà họ còn được đào tạo trong thực tiễn công việc, từng cơ quan đơn vị, từng đảng bộ trực thuộc Trung ương.

Tôi lấy ví dụ, một đồng chí đang làm Phó Bí thư Tỉnh ủy của tỉnh nào đó cũng là đang được đào tạo để chuẩn bị nguồn cho Trung ương.

Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đặt ra yêu cầu đối với Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thế nào?

Yêu cầu rất chặt chẽ, chi tiết.

Tiêu chuẩn của Ban chấp hành Trung ương đề ra dựa trên cơ sở tình hình thực tiễn, đề cao tính trong sạch, liêm khiết và có tầm trí tuệ, bản lĩnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Vấn đề đổi mới được nhiều đại biểu đề cập trong những ngày diễn ra Đại hội. Vậy theo ông, công tác nhân sự phải đòi hỏi như thế nào để đáp ứng yêu cầu đổi mới trong tình hình thực tế hiện nay?

Đổi mới là một quá trình 30 năm nay và là một quá trình liên tục. Sự thúc bách về đổi mới, Đại hội nào cũng có. Đại hội này công khai, dân chủ nhiều hơn, đó là một nét đổi mới.

Việc chuẩn bị nhân sự không chỉ có tại Đại hội mà đã chuẩn bị mấy năm nay rồi.

Chúng ta đã tạo nguồn để có một Ban Chấp hành Trung ương với đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ, tầm vóc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình mới.

Trước Đại hội, trên mạng xuất hiện nhiều thông tin về người nọ người kia. Làm thế nào để cung cấp thông tin đúng, đủ nhất về công tác cán bộ cho người dân tường tận?

Nhân dân hãy tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Vấn đề nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng. Thông tin trên mạng không chính thống, nhân dân cũng cần phải là người đọc sáng suốt, thông minh trong kỷ nguyên thông tin toàn cầu hóa này.

Trong điều kiện xã hội thông tin này, không phải chỉ ở nước ta mà tất cả các nước đều có những thông tin trái chiều và đa chiều về một sự kiện nào đó.

Các cơ quan của Đảng, Nhà nước phải vào cuộc, thực tế chúng tôi đã vào cuộc để cung cấp thông tin một cách chính thức, chính thống đến với người dân.

Cảm ơn ông!

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh