Giấy đi đường sẽ không đổi và được gia hạn, kéo dài sau ngày 6/9
- Tây Y
- 22:04 - 06/09/2021
Chiều ngày 5/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua.
Tại cuộc họp, Đại diện Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, từ ngày 15/8/2021 đến 5/9/2021, tổng số túi an sinh đã chuyển quận, huyện, TP Thủ Đức là 1.649.068 túi (tăng 28.350 túi so với ngày 4/9/2021).
Dự kiến đến hôm nay (6/9), TPHCM hoàn thành việc chi gói hỗ trợ 2+ (gói hỗ trợ lần 2 mở rộng) đối với 1,3 triệu lượt người lao động tự do và 1,2 triệu hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Quy mô của gói 2+ là 2.576 tỷ đồng và đến nay đã đạt 85%. Đồng thời, TPHCM soát xét, nếu có sót trường hợp nào, chi bổ sung trước ngày 15-9.
Về phương án đối với những người ăn xin, lang thang sau ngày 15/9, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, Sở sẽ tiếp tục kế hoạch tiếp nhận, giúp đỡ các đối tượng hoà nhập với cơ sở bảo trợ. Đồng thời, liên hệ với các gia đình, người thân để đón những đối tượng về địa phương.
Sẽ có phương án giúp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh
Liên quan đến hiệu lực của giấy đi đường sau ngày 6/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP cho biết, giấy đi đường sẽ không đổi và được gia hạn, kéo dài hiệu lực theo quy định của UBND TP về thời gian giãn cách xã hội.
Về việc cấp giấy đi đường cho luật sư, Công an TP đã có chỉ đạo đến các cơ quan tố tụng, cơ quan điều tra. Theo đó, đối với từng vụ việc cụ thể, khi có yêu cầu về bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị can, bị cáo, cơ quan tiếp nhận vụ việc sẽ có báo cáo gửi cho Ban Giám đốc Công an TP. Từ đó, Công an TP thực hiện cấp giấy đi đường trong phạm vi hoạt động và có thời gian giới hạn cụ thể cho luật sư.
Thượng tá Lê Mạnh Hà chia sẻ: “Trong thời gian tới, nhằm đảm bảo cho các địa phương, đơn vị đã khống chế được tình hình dịch bệnh, Công an TP sẽ có phương án giúp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế của người dân”.
Hiện tại, Công an TP đang phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức cập nhật cơ sở dữ liệu về tiêm chủng vaccine; các ca F0; các trường hợp được cấp giấy đi đường; dữ liệu về an sinh xã hội vào cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Qua đó, phục vụ công tác quản lý lưu lượng người dân sau khi TP đặt ra tiêu chí an toàn cho từng đối tượng.
Ngoài ra, Công an TP đã và đang triển khai, mở rộng thêm các chốt kiểm soát có sử dụng camera quét mã QR để kiểm soát lưu lượng người dân mà không cần thông qua giấy đi đường.
Tính đến 18 giờ 00 ngày 4/9/2021, có 245.707 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 245.247 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 460 trường hợp nhập cảnh.
Trong ngày 4/9, có 2.706 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 125.481), 222 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 10.452).
Về tình hình xét nghiệm, từ 18 giờ ngày 3/9/2021 đến 18 giờ 4/9/2021, TP đã lấy 323.603 mẫu, trong đó có 7.900 mẫu đơn và 11.653 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên là 212.845 mẫu. Liên quan đến kế hoạch xét nghiệm diện rộng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm cho biết, trong thời gian qua, TP thực hiện chiến lược xét nghiệm theo đặc điểm từng vùng (xanh, cận xanh, vàng, cam, đỏ), trong đó đẩy mạnh tại vùng cam và đỏ.
Thống kê đến ngày 4/9, TP Thủ Đức, quận - huyện cơ bản đã hoàn thành xét nghiệm đợt 1 ở tất cả các vùng, trong đó Cần Giờ, quận 7, Gò Vấp, Củ Chi là những nơi hoàn thành sớm. Dự kiến hết ngày mai, các địa phương sẽ hoàn thành đợt 2 của kế hoạch xét nghiệm. Theo đánh giá sơ bộ, tỉ lệ dương tính ở vùng xanh, vùng cận xanh là 0,8%; vùng vàng là 1,5%; vùng cam, vùng đỏ là 3,6% (đợt 1) và 2,7% (đợt 2).
Đối với việc sử dụng thuốc kháng vi rút Molnupiravir trong điều trị F0 tại nhà, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cho biết, TP đã cấp 5.058 liều cho các bệnh nhân. Quá trình điều trị ghi nhận, loại thuốc này gây các tác dụng phụ không đáng kể (nhức đầu, mất ngủ), khả quan trong việc điều trị.
Về công tác tiêm chủng, tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 4/9/2021 là 6.444.826 (tăng 123.777 mũi vắc xin so với ngày 03/09/2021). Trong đó, tổng số mũi 1 là 5.992.514, mũi 2 là 452.312, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 695.513.