Giật mình khi giới trẻ nói tục
- Y học 360
- 21:44 - 10/03/2015
Ra ngõ gặp nói tục, chửi bậy
Bước chân vào quán internet công cộng, chị Nguyễn Thị Dung (Cầu Giấy, Hà Nội) không khỏi giật mình khi các game thủ tai đeo headphone, mồm chửi oang oang. Quán có khoảng 30 máy tính thì có đến 25 game thủ đang vừa chơi vừa chửi tục.
Thua game cũng chửi mà khi thắng cũng chửi, nghĩa là câu chửi rủa đã thành thói quen, không cần nguyên cớ. Hỏi chủ quán internet, chị Dung không khỏi giật mình: “Hơn 90% khách của quán là giới trẻ mà đại đa số là học sinh, sinh viên. Hầu như ai vào chơi game cũng đeo headphone và nói bậy...”, chủ quán internet cho biết.
Việc giới trẻ "phun châu nhả ngọc" đã là chuyện thường, như thể không nói bậy thì cảm thấy “nhạt mồm, nhạt miệng”. Không chỉ tục tĩu ở ngoài đời, người ta còn vô tư chửi bậy trên các trang mạng xã hội. Do ít bị nhắc nhở hơn là ở ngoài đời nên các thành viên tự do "văng" bạt mạng.
Nói tục, chửi bậy phát triển mạnh đến mức trên mạng có hẳn "cẩm nang" nói bậy, trong đó liệt kê rõ 5 mức bậy, từ cách dùng từ đệm, chửi theo tên bố mẹ, ông bà người khác, dùng từ ngữ chỉ chỗ kín của cơ thể đến chửi kết hợp...
Không những vậy, "cẩm nang" còn hướng dẫn cách phát âm các từ chửi bậy sao cho đạt giá trị biểu cảm cao nhất.
Theo khảo sát số học sinh có hành vi lệch chuẩn đang tăng lên cả về số lượng và mức độ, trong đó có nhiều hành vi đáng báo động như quấy rối, làm mất trật tự trường lớp, nói dối, văng tục, không làm bài tập... Mặc dù nhiều nhà trường đã quy định tuyệt đối cấm học sinh nói bậy chửi thề, nhưng trên thực tế rất khó tìm một trường nào không có học sinh chửi thề.
Ngay cả trong giới sinh viên, xu thế chửi thề cũng đang “phát triển” mạnh mẽ. Không chỉ có nam sinh nói bậy, mà ngày nay mức độ văng tục, chửi thề của các bạn nữ sinh cũng đang ở mức báo động. Trên mạng xã hội, nhiều tín đồ của nói tục, chửi bậy lập những fanpage như: “Hội những người thích chửi bậy”, “Hội những người thích chửi thề”, “Hội những người thích chửi”....
Ảnh minh họa
Chửi thề là tự hạ thấp bản thân
Trong cuộc sống hiện đại, con người chịu nhiều áp lực hơn và trong nhiều trường hợp, việc nói tục, chửi bậy còn là cách để xả stress. Hiện tượng nói tục, chửi bậy tràn lan khiến xã hội thêm ngổn ngang, nó như rác rưởi làm cho cộng đồng kém phần văn minh, là tiền đề dẫn đến một xã hội ưa chuộng bạo lực.
Nguy hiểm hơn, khi người lớn có thói quen ứng xử tục tĩu, không theo khuôn thước thì sẽ tạo ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Lối nói tục của người lớn sẽ hằn trong trí não của con trẻ, đeo đuổi chúng cho đến khi trưởng thành và có khả năng chi phối mạnh mẽ đến cách ứng xử trong tương lai, ảnh hưởng xấu tới quá trình hình thành nhân cách.
Hơn nữa, người nói phải có người nghe, một khi có nhiều người nói tục mà những người nghe họ không có phản ứng thể hiện sự phản đối thì có nghĩa sự nói tục được chấp nhận. Đó là điều thực sự nguy hiểm.
Để giảm thiểu hiện tượng nói tục, chửi bậy, gia đình, nhà trường cần có cách giáo dục phù hợp đối với trẻ, không lý thuyết suông, không nặng tính giáo điều mà cụ thể từng việc, từng người, uốn nắn ngay khi trẻ làm sai. Muốn trẻ tránh thói xấu thì người lớn phải tỏ thái độ làm gương, nói năng đúng mực.
Trên bình diện chung, chúng ta cần đưa yêu cầu không nói tục, chửi bậy vào một bộ chuẩn mực nằm trong quy tắc ứng xử trong cộng đồng xã hội, có cách giám sát việc thực hiện.