Giao thông TP. Hồ Chí Minh ách tắc nặng những ngày cận Tết
- Tây Y
- 02:32 - 19/01/2020
Theo ghi nhận của phóng viên báo VnExpress, mọi tuyến đường luôn dày đặc xe; xung quanh các khu mua sắm ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh, sân bay, bến xe liên tục kẹt cứng những ngày cận Tết.
Dòng xe nghìn nghịt gần như đứng im ở cả hai chiều đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), kéo dài gần 3 km từ giao Vòng xoay Lăng Cha Cả đến cầu vượt Hoàng Hoa Thám, chiều 17/1. Dưới lớp khẩu trang dày, gương mặt ai cũng nhễ nhại mồ hôi.
Tương tự, nhiều tuyến đường gần sân bay luôn đầy ắp xe. Cách vòng xoay Lăng Cha Cả hơn một km, đường Trường Chinh (quận Tân Bình) cũng chịu chung số phận. Nhiều người chở hoa, giỏ quà tết, len lỏi trong đám đông. Có ít nhất 6 Cảnh sát giao thông chia nhau điều tiết ở mỗi giao lộ, dọc các điểm ùn tắc. Các xe bị hạn chế rẽ trái, phải, ở một số vị trí.
Thượng úy Nguyễn Trung Nguyên (Đội Cảnh sát giao thông Tân Sơn Nhất) cho biết, khu vực Tân Sơn Nhất là "điểm nóng" kẹt xe dịp trước Tết do nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân tăng cao. Theo kế hoạch, Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, an ninh sân bay phối hợp cùng chính quyền địa phương để chống ùn tắc ở cửa ngõ sân bay. Các điểm hay kẹt xe như Trạm thu phí khu vực sân bay; vòng xoay Lăng Cha Cả; giao lộ Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi - Phan Đình Giót; nút giao Trường Sơn... được ưu tiên tập trung lực lượng theo dõi để điều tiết, giải tỏa ùn tắc trong thời gian sớm nhất.
"Chúng tôi phải túc trực 24/24 để điều tiết, đảm bảo trật tự giao thông. Mỗi tuần anh em chỉ được nghỉ một ngày, còn lại luôn phải hoạt động hết công suất", anh Nguyên nói.
Cũng theo VnExpress, các con đường dẫn vào Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) như Đinh Bộ Lĩnh, Quốc lộ 13, Nguyễn Xí... nhiều ngày nay luôn rơi vào tình trạng kẹt cứng. Người ngồi xe máy, người đi bộ mang theo ba lô, túi xách, giỏ quà... ùn ùn hướng vào bến. Nhiều xe ôm công nghệ, xe ôm truyền thống chạy ngược chiều đưa đón khách khiến giao thông thêm ùn tắc.
Khu vực trung tâm cũng không khá hơn. Các tuyến đường ra vào quận 1, 3 - nơi có nhiều cơ quan ban ngành của TP HCM và Trung uơng như: Cách Mạng Tháng 8, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Hai Bà Trưng, Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng, Vòng xoay Phù Đổng, Vòng xoay Dân Chủ... người và xe luôn chật như nêm. Ùn ứ nghiêm trọng và kéo dài nhất ở giao lộ Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1), có trung tâm thương mại Sài Gòn Centre và khu mua sắm Sài Gòn square, luôn đông đúc. Nhiều taxi đón trả khách, nhân viên giao hàng đậu ngay dưới lòng đường.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động tại sân bay, bến xe, bến cảng... bắt đầu nhộn nhịp nhất trong năm. Để giảm áp lực kẹt xe và giúp người dân vui chơi dịp Tết, Sở yêu cầu tất cả đơn vị thi công ngưng đào đường, thu dọn rào chắn, trả lại mặt đường, từ ngày 17/1 (23 tháng Chạp) đến 1/2 (mùng 8 Tết).
Ngoài việc phối hợp với Cảnh sát giao thông, tất cả đơn vị trong ngành giao thông sẽ bám sát hiện trường, lập ra các nhóm giải quyết xử lý nhanh nhất các công việc phát sinh. Thông qua hệ thống camera, khi phát hiện các tình huống có thể gây ùn tắc, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn sẽ thông báo lên nhóm của tổ "phản ứng nhanh" để lực lượng biết và điều quân hỗ trợ kịp thời.
Sở Giao thông Vận tải ước tính, hành khách đi lại dịp Tết tăng khoảng 2% so với năm ngoái, ngày cao điểm khách xuất bến tại bến xe liên tỉnh có thể đạt gần 130.000 lượt, tăng khoảng 100% so với ngày thường.
Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến sản lượng hành khách dịp Tết đạt gần 3,8 triệu lượt người, tăng gần 6% so với năm ngoái, cao điểm hoạt động từ 16 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng.
Không chỉ ngoài đường, theo Tiền Phong, từ ngày 18/1, hàng vạn người dân sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh đã đổ về các bến xe để đón xe về quê ăn Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, chiều 18/1 (24 tháng Chạp), hàng nghìn người dân đã đến bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) để đón xe về quê. ây là bến xe lớn nhất TP. Hồ Chí Minh với nhiều dãy ghế ở sảnh chờ dành cho người dân đợi lên xe nhưng vẫn không đủ chỗ phục vụ hành khách.
Hiện bến xe còn khoảng hơn 93.000 vé chủ yếu là ghế ngồi, giường nằm hầu như đã hết, đặc biệt là các tuyến miền Trung, Tây Nguyên. Do sợ kẹt xe trễ chuyến xe nên nhiều người đến sớm trước giờ xuất bến nhiều tiếng đồng hồ phải ngồi vật vờ đợi trong bến xe.
Theo dự báo, ngày 27-28 tháng Chạp sẽ là cao điểm người dân đổ về bến xe miền Đông để về quê ước lượng mỗi ngày khoảng hơn 55.000 lượt khách. Thời điểm này các tuyến đường xung quanh có khả năng kẹt xe nặng, người dân nên lưu ý để lựa chọn thời điểm đến, tuyến đường phù hợp tránh trễ xe.