THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:57

Giao thông phải đi trước mở đường…

GIẤC MƠ HƠN 10 NĂM

  Năm 2011, Chính phủ đã đưa tuyến Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh vào quy hoạch hệ thống phát triển hạ tầng nhằm thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng tận 10 năm sau, tuyến đường này vẫn... chỉ là ý tưởng.

  Chính vì không có tuyến đường kết nối, nên nhiều năm nay TP. Hồ Chí Minh không thể mở thêm được khu công nghiệp nào khi toàn bộ 4 cửa ngõ thành phố đều "tắc toàn diện", các nhà đầu tư ngại vì kẹt xe làm tăng chi phí đầu tư và mất lợi thế cạnh tranh.

Phat trien ha tang 1

  Tại kỳ họp Quốc hội đầu tháng 6 này, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, sẽ ưu tiên vốn để dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh sớm hoàn thành, cụ thể là vào năm 2025.

  Khu vực Đông Nam bộ với dân số khoảng 18 triệu dân nhưng đóng góp tới 40% GDP cả nước và trên 40% tổng thu ngân sách. Cụ thể, năm 2022, vùng Đông Nam bộ có 6 tỉnh nhưng được giao thu ngân sách lên tới 600.000 tỷ đồng trong tổng thu ngân sách cả nước khoảng 1.400.000 tỷ đồng. 

  Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh là tuyến đường mang ý nghĩa chiến lược quan trọng trong việc kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Dự án này đã được quy hoạch từ hơn 10 năm trước, nhưng vì nhiều lý do nên đến giờ vẫn chưa thể khởi động. Những tháng gần đây, các cơ quan Trung ương cùng các địa phương có tuyến đường đi qua đã tích cực tiến hành các bước chuẩn bị, bao gồm cả xác định và tạo nguồn vốn, hiện đã đủ điều kiện để bắt tay vào triển khai dự án.

Phat trien ha tang 2

  Tuyến vành đai 3 chắc chắn sẽ giúp cục diện giao thông tại các địa phương, nhất là ở các cửa ngõ, cải thiện rất nhiều. Toàn bộ hàng hóa từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ, Tây Nguyên đưa về các cảng biển và ngược lại được lưu thông nhanh chóng, tiết giảm thời gian và chi phí vận chuyển. Đường vành đai 3 có tác dụng thúc đẩy kết nối vùng, tạo cơ sở để vùng này đóng góp nhiều hơn cho cả nước cả về GDP và thu ngân sách, đồng thời phát huy lợi thế tiềm năng trong vùng.

  Nhìn xa hơn, trong vòng 5 - 15 năm tới, cùng với việc khép kín đường Vành đai 2, xúc tiến làm đường Vành đai 4 và các công trình lớn khác như sân bay Long Thành và các đô thị vệ tinh, đường Vành đai 3 sẽ tạo xung lực phát triển rất lớn cho cả vùng kinh tế. Với việc kết nối 5 đường cao tốc hướng tâm là TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 không chỉ liên kết 4 địa phương mà còn giải quyết bài toán nối kết liên vùng. 

VIỄN CẢNH "RA NGÕ GẶP CAO TỐC"

  Tại kỳ họp Quốc hội, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng, trong trường hợp nếu không thu phí, tài sản ta tạo ra từ các dự án giao thông sẽ là tài sản quốc gia lớn. Những dự án này sẽ mở ra không gian phát triển 2 bên đường, tạo ra quỹ đất, mở ra các phương án kinh doanh, khu công nghiệp và mở rộng kết nối. Theo ông Mạnh, nếu không thu phí, giá thành và chi phí vận tải sẽ giảm, hàng nông sản miền Tây có nhiều lợi ích hơn. "Trong bối cảnh nền kinh tế đang triển khai các chính sách phục hồi kinh tế thì việc kích cầu đầu tư vào các dự án hạ tầng sẽ đem lại tác động kép, tạo công ăn việc làm, kích cung tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Có thể tính toán lựa chọn bán quyền thu phí ở nơi có nhiều lưu lượng nhưng cũng không quá quan trọng về bán quyền thu phí".

Phat trien ha tang

  Hiện, nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng của các khu vực là rất lớn. Sau khi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đưa vào sử dụng, cao tốc Bến Lức - Long Thành đang trên đường về đích, hiện dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang triển khai với tốc độ khá nhanh, dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc đang khởi động... Nếu các dự án đều đảm bảo tiến độ, thì chỉ trong vòng 3, 4 năm nữa, các địa phương ở phía Nam, Nam Trung bộ và Tây Nguyên sẽ có được những tuyến giao thương thuận tiện, mở ra cơ hội phát triển đột phá, toàn diện.

  Lần này, phát triển hạ tầng không chỉ dừng lại ở chủ trương và bố trí nguồn vốn, mà tính khả thi của các dự án còn được đảm bảo khi nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về đền bù giải tỏa, khai thác vật liệu đã và đang được quyết định nhằm đảm bảo các dự án triển khai đúng tiến độ. Đó là điểm khác biệt so với hầu hết các dự án trước đây, cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng, Chính phủ là rất cao, và phương thức triển khai của các cơ quan hữu trách là sát hợp với tình hình thực tế.

  Hiện thành phố đang xây dựng các tiêu chí đánh giá năng lực kinh nghiệm của nhà thầu và áp dụng chung cho toàn dự án. Trong đó, sẽ áp dụng cơ chế thưởng phạt đối với các nhà thầu. Trong quá trình xây dựng tiêu chí và đánh giá lựa chọn nhà thầu, yêu cầu các nhà thầu phải có nhân lực, thiết bị khi tham gia phải cam kết chỉ huy động cho dự án. Việc này để tránh tình trạng nhà thầu vừa làm đường Vành đai 3 vừa thực hiện dự án khác làm ảnh hưởng đến tiến độ. Bên cạnh đó, sẽ áp dụng tài khoản riêng cho dự án. Kinh phí tạm ứng, thanh toán cho công trình đường Vành đai 3, nhà thầu chỉ được sử dụng nguồn vốn này để làm đường Vành đai 3, không được chi cho dự án khác.

Quy hoach đường vành đai 3 tphcm

  Được biết, các nhà khoa học, chuyên gia đang xây dựng đề án hệ thống giao thông tích hợp của 7 tỉnh lân cận TP. Hồ Chí Minh, bao gồm tiến tới triển khai các dự án liên vùng như đường Vành đai 4, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ hoặc đường trên cao trong thời gian tới đây.

  Các địa phương mong được sự ủng hộ của các đại biểu để dự án được thông qua. TP. Hồ Chí Minh và các địa phương đã quyết tâm và sẽ quyết tâm hơn nữa để hoàn thành sớm dự án, đáp ứng mong mỏi của không chỉ 20 triệu dân, mà còn làm tiền đề quan trọng để vùng kinh tế phía Nam đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước, vì cả nước.

  Thực hiện nhiều dự án quy mô lớn trong cùng thời điểm đòi hỏi nguồn lực rất lớn, đó là thách thức, nhưng cũng là mục tiêu cực kỳ quan trọng để tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế trong giai đoạn tới. Có cơ sở để hy vọng và tin tưởng, những dự án hạ tầng trong kế hoạch phát triển nói trên sẽ tạo những đột phá để thay đổi cơ bản diện mạo của nền kinh tế, đưa khu vực kinh tế TP. Hồ Chí Minh nói riêng, đất nước nói chung bước vào một giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ, linh hoạt và bền vững hơn.

VIỆT HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh