THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:36

Giáo sư Hà Văn Tấn - một trong "tứ trụ" của nền sử học Việt Nam hiện đại qua đời ở tuổi 82

Giáo sư sử học Hà Văn Tấn qua đời ở tuổi 82  - Ảnh 1.

Giáo sư sử học Hà Văn Tấn (1937-2019).

Dân trí đưa tin, Giáo sư Hà Văn Tấn là một trong "tứ trụ" của nền sử học Việt Nam hiện đại cùng với Giáo sư: Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng.

Ông là Chủ nhiệm môn Phương pháp luận sử học (khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội); Viện trưởng Khảo cổ học (1988 - 2008). Sinh năm 1937 tại Hà Tĩnh, đến năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp lớp 9, chàng thanh niên Hà Văn Tấn ra Hà Nội. Sau 1 năm vừa học vừa làm, ông quyết định vào học khoa Sử, Đại học Sư phạm. Năm 1957, tròn 20 tuổi, ông tốt nghiệp đại học (đứng thứ hai - Á nguyên) và ở lại trường làm cán bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam, Đại học Sư phạm. 

Ông từng chia sẻ, khi về tập sự ở trường, ông rất lo lắng vì "với trình độ 9 + 2 thì làm ăn gì được". Vì vậy, ông vừa giảng dạy, vừa tự học. Nhờ tự học, ông đã thông thạo: Chữ Hán, tiếng Pháp, Anh, Nga, Đức, Nhật. Ông học tiếng Đức qua sách tiếng Nga, Nhật qua sách tiếng Trung Quốc. Sau đó, ông tự học tiếng Sanskrit (Phạn) - ngôn ngữ Ấn Độ cổ đại, thông qua tiếng Đức.

Năm 1960, khi mới 23 tuổi, ông đã hiệu đính Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán thế kỷ XV. Giáo sư Đào Duy Anh từng nhận xét, công trình này "rất công phu, nghiêm túc, tôi rất hài lòng và tin cậy ở tác giả".

Ông còn cùng Giáo sư Trần Quốc Vượng viết Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thuỷ ở Việt Nam và Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (tập 1). Từ năm 1960, ông bắt đầu tham gia nghiên cứu khảo cổ học. 1 năm sau, ông và Giáo sư Trần Quốc Vượng viết Sơ yếu khảo cổ học nguyên thuỷ Việt Nam, trình bày những phát hiện mới về thời đại đá.

Giáo sư sử học Hà Văn Tấn qua đời ở tuổi 82  - Ảnh 2.

Tứ trụ sử học Việt Nam đương đại từ trái qua: Giáo sư Trần Quốc Vượng, Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Giáo sư Hà Văn Tấn, Giáo sư Phan Huy Lê với ông bà Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh chụp năm 1996.

Năm 1982, ông đề xuất và chuẩn bị mọi điều kiện để thành lập khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1988, ông làm Viện trưởng Khảo cổ học. Tính đến thời điểm hiện tại, Giáo sư Hà Văn Tấn đã công bố gần 300 bài báo, nghiên cứu khoa học và là tác giả của 15 cuốn sách. Với những đóng góp lớn cho nền sử học Việt Nam hiện đại và ngành khảo cổ học, năm 1980, ông Hà Văn Tấn được phong hàm Giáo sư, được tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (1997), giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ (năm 2000).

Báo Người lao động cũng biết, Giáo sư Hà Văn Tấn được các thế hệ giáo viên và sinh viên khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, phong là 1 trong tứ trụ "Lâm, Lê, Tấn, Vượng" của nền sử học Việt Nam đương đại. Giáo sư được giới sử học và khảo cổ học tôn vinh là Đại sư vì thầy đều đạt đỉnh cao trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu. Ông cũng được mệnh danh là Lê Quý Đôn của thế kỷ 20.

Giáo sư Hà Văn Tấn thông thạo tới 7 ngoại ngữ: Trung Quốc, Pháp, Anh, Nga, Đức, Nhật và Sanskrit (tiếng Phạn cổ).

Gần 20 năm nay, Giáo sư Hà Văn Tấn phải chống chọi với căn bệnh đột quỵ. Thời gian gần đây, sức khỏe của Giáo sư đã rất yếu. "Thầy qua đời một phần vì tuổi cao sức yếu, một phần vì căn bệnh lâu năm", Giáo sư Vũ Minh Giang cho biết.

HÒA THANH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh