Giáo dục nghề nghiệp là giải pháp căn cơ để nâng cao năng suất lao động
- Tây Y
- 01:00 - 16/02/2018
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí.
PV: Thưa Bộ trưởng, tại Hội nghị tổng kết ngành năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh Bộ LĐ-TB&XH là hiện thân của lòng nhân văn của một Quốc hội, Chính phủ phục vụ nhân dân, sự hiện thân này được thể hiện như thế nào thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Trước hết ngành lao động - thương binh và xã hội là một trong những ngành chịu trách nhiệm chính trong các lĩnh vực an sinh và xã hội gồm 14 lĩnh vực cơ bản. Với một trọng trách nặng nề như vậy năm 2017, Bộ đã xác định phương châm đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo hiệu quả, tập trung đột phá cơ bản, giải quyết năm đền ơn đáp nghĩa 2017, giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với người có công, đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp tạo những chuyển biến căn bản, có tính chất nền tảng nhằm tạo một thị trường lao động việc làm ổn định phát triển. Nhìn tổng quát, năm 2017, Ngành lao động - thương binh và xã hội đã hoàn thành căn bản những nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao cho, hoàn thành 100% các đề án, 62 đề án lớn được Quốc hội và Chính phủ giao, đảm bảo cả về thời gian và chất lượng. Thứ hai, năm 2017, cũng là một năm mà Ngành đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước cùng các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức sâu rộng thiết thực hiệu quả, kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, liệt sĩ, cùng với đó, có thể nói rằng, chúng ta tập trung cao độ với cách làm sáng tạo, quyết liệt và công khai trong nhân dân, trong các phương tiện truyền thông đại chúng để giải quyết các hồ sơ tồn đọng của người có công, một vấn đề nhức nhối trong nhân dân. Năm 2017, chúng ta đã cấp và đổi mới 50.000 bằng tổ quốc ghi công, giải quyết 1250 hồ sơ Liệt sĩ, và 2500 hồ sơ thương binh, mang lại niềm tin trong nhân dân, niềm tin trong xã hội. Đây cũng là năm bước đầu chúng ta tập trung quyết liệt vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, siết lại kỷ cương quy hoạch mạng lưới giảm tới 252 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tích hợp lại 3 trong 1 và 2 trong 1 các trung tâm hoạt động cùng với những trường. Đây là một năm mà chúng ta thành công bước đầu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Trong công tác xuất khẩu lao động, trong năm 2017 Việt Nam đã đưa 134.000 người đi xuất khẩu lao động tập trung chủ yếu ở các thị trường có tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... Điều đáng mừng là chúng ta không chỉ giải quyết việc làm, đem lại thu nhập, mà còn quan trọng hơn là tạo được ý thức cho người lao động, tạo ra môi trường mới cho người lao động để họ rèn luyện và phấn đấu. Các lĩnh vực khác như bình đẳng giới, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội và đặc biệt là cứu trợ giúp đỡ đồng bào vùng sâu vùng xa, khó khăn trong điều kiện một năm có tới 16 cơn bão và cuối cùng Ngành đã góp phần rất quan trọng cùng Đảng và Nhà nước hoàn thành các chỉ tiêu giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 1,51% vượt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao. Chúng ta đã chủ động và tạo ra tỉ lệ có việc làm cao hơn, tỷ lệ thất nghiệp giảm và tỉ lệ có việc làm, có thu nhập ngày càng tăng cao, tính ổn định, bền vững trong thị trường lao động đã tương đối tốt.
PV: Theo Bộ trưởng, một trong những trọng tâm của năm 2018 của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đó là tích cực hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, khẩn trương xây dựng đề án chính sách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội để trình Quốc hội và một số vấn đề liên quan đến Bộ Luật Lao động cũng như vấn đề sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công. Để thực hiện những nhiệm vụ này, thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ triển khai những giải pháp gì?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việc đầu tiên của năm 2018, Bộ vẫn phải ưu tiên một cách sát sao công tác hoàn thiện hệ thống thể chế và tạo ra tính đồng bộ trong thể chế đối với thị trường việc làm, lao động và an sinh xã hội. Trong 3 lĩnh vực này, việc đầu tiên là chúng ta khẩn trương thực hiện. Bộ sẽ trình 2 đề án mang tính chất nền tảng đó là đề án cải cách chế độ tiền lương để trình Trung ương Khóa 7 và đến nay thì cơ bản đề án này đã được hoàn tất. Đề án thứ hai, đây có thể nói chính là trục xương sống của an sinh xã hội. Đó là bảo hiểm xã hội, đề án cải cách bảo hiểm xã hội. Đây là một đề án rất lớn, rất khó ở chỗ chúng ta phải đạt được mục tiêu làm sao để cho chúng thực sự trở thành xương sống, nền tảng của an sinh. Chúng tôi đã và đang bắt tay ngay từ năm 2017 và đến nay đã có thể đưa ra một số các giải pháp sau khi nghiên cứu trong nước và ngoài nước với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đề án đã từng bước được hoàn tất và chúng ta đang lấy ý kiến của các tổ chức cơ sở, các địa phương để hoàn tất trình lên các cấp. Trong hệ thống lao động việc làm hiện nay có nhiều vấn đề bất cập đòi hỏi chúng ta phải sớm hoàn thiện việc sửa đổi Bộ Luật Lao động cũng sẽ được đặt ra mục tiêu để trình Quốc hội vào năm 2019. Nhưng để làm được như vậy thì ngay từ bây giờ chúng ta phải bắt tay vào làm. Hiện nay chúng ta bắt đầu lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân về nhiều vấn đề liên quan như vấn đề tuổi nghỉ hưu, vấn đề giờ làm thêm, vấn đề mức lương cơ bản, vấn đề tác động thị trường như thế nào, muốn kéo dài độ tuổi của nữ ra sao,... Có thể nói đó là những cốt lõi cơ bản nhất, những vấn đề này chúng ta sẽ lấy ý kiến rộng khi đưa ra một nội dung. Chắc chắn là sẽ có những điều thuận lợi và có những thách thức và chúng ta phải lấy những vấn đề cơ bản để giải quyết những vấn đề gốc lõi.
PV: Thưa Bộ trưởng, có thể thấy vấn đề chống tiêu cực, trục lợi chính sách trong thời gian qua đã có những kết quả nhất định, trong đó có sự đóng góp tích cực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Xin Bộ trưởng chia sẻ thêm về vấn đề này?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chúng ta phải khẳng định rằng, những ưu đãi dành cho người có công luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đây là một trong những chính sách thời gian vừa qua được thực hiện tốt nhất trong toàn bộ hệ thống chính sách bởi vì tuyệt đại bộ phận người có công đã được hưởng kịp thời đầy đủ các chính sách hiện hành. Tuy nhiên chúng ta phải thừa nhận rằng trong quá trình thực thi các chính sách thì một bộ phận đã trục lợi chính sách. Đối tượng thứ nhất là thương binh giả, thứ hai là chất độc hóa học, thứ ba là một bộ phận lợi dụng để làm chính sách thanh niên xung phong. Điều này có nhiều lý do và một trong đó có những lý do là do hệ thống pháp luật của chúng ta chưa được hoàn thiện. Tuy nhiên để kiểm soát chúng ta phải công khai minh bạch trong dân. Bên cạnh việc chúng ta tập trung giải quyết hồ sơ tồn tồn đọng để đẩy nhanh việc thực thi người có công đối với chính sách công thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cấp các ngành đẩy mạnh đẩy mạnh tập trung thanh tra kiểm tra và giám sát 66 ngày hồ sơ thương binh người hưởng tiêu chuẩn như thương binh và những người được hưởng chính sách chất độc hóa học và qua đó đã phát hiện và xử lý 1562 trường hợp trục lợi chính sách. Bộ cùng với quân đội đã kết thúc việc thanh tra 05 quân khu và hiện nay ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiếp tục thanh tra toàn diện 5 tỉnh, cuối năm 2017 công bố kết quả thanh tra của một số huyện trọng điểm. Kiên quyết xử lý theo hình thức thứ nhất là công khai trong dân, động viên nhân dân đã trục lợi do không hiểu chính sách, do nhiều lý do khác nhau thì chủ động trả lại, tự nguyện khai báo thì chúng ta không hồi tố. Thứ hai, khi phát hiện hồ sơ giả và trục lợi chúng ta kiên quyết thu hồi và tiến hành thu hồi hồ sơ, hủy bỏ hồ sơ, trường hợp nặng nhất sẽ chuyển cơ quan điều tra. Thời gian tới đây bên cạnh tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng thì Bộ cũng coi đây là một trong những ưu tiên để làm trong sạch địa bàn và làm sao để người có công thì được hưởng người có công.
PV: Thưa Bộ trưởng, tại Hội nghị tổng kết ngành năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu trong khu vực và thế giới, vấn đề này sẽ được quan tâm trong thời gian tới như thế nào?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chúng ta biết rằng năng suất lao động Việt Nam hiện nay nằm trong những nước có tốc độ tăng năng suất lao động nhanh nhất, nhưng so với các nước xung quanh, năng suất lao động Việt Nam vẫn thấp bởi vì năng suất lao động là GDP chia cho tổng số lao động nên thu nhập thấp. Việt Nam có 50 - 60% người lao động Việt Nam làm trong khu vực nông nghiệp - khu vực năng suất lao động thấp và gặp nhiều rủi ro. Thứ hai chúng ta không so sánh với ai nhưng khách quan đúng như Thủ tướng nói, năng suất lao động Việt Nam thấp thậm chí bằng 1/15 lần so với Singapore, 1/5 so với Malaysia. Tổng thể gốc rễ của vấn đề chính là chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chưa đáp ứng tốt nhu cầu, đó là chưa đáp ứng nhu cầu của thời kỳ cách mạng 4.0, thời kỳ công nghệ mới. Thứ hai, khi bước vào thời kỳ này, yếu tố quan trọng nhất của một quốc gia là công nghệ và nguồn nhân lực thì hai vấn đề này chúng ta chưa thực sự được chuẩn bị một cách đầy đủ. Quan điểm của Chính phủ được nêu trong Hội nghị tổng kết năm 2017 cũng như trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho rằng cùng với hạ tầng, thể chế thì việc đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao phải là một khâu đột phá thứ nhất. Việc đầu tiên là chúng ta phải cải tổ lại cơ cấu sản xuất. Thứ hai là thay đổi căn bản về công nghệ, ứng dụng về công nghệ còn thấp nhất là các doanh nghiệp, việc đầu tư và phát triển công nghệ còn rất ít. Thứ ba phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực một cách cơ bản trên cơ sở dự báo được cung cầu lao động. Hiện nay chúng ta đang đào tạo thứ chúng ta có chứ không phải đào tạo thứ mà thị trường cần vì thế năng suất lao động thấp, nhìn tổng thể chất lượng lao động sẽ thấp và nếu chúng ta không có một bài toán nhằm giải quyết căn cơ các vấn đề này thì năng suất lao động Việt Nam sẽ khó mà tăng lên được. Chính vì vậy cuối năm 2017 vừa rồi, Chính phủ đã sơ kết một bước chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ đã giao ngành Lao động - Thương binh và Xã hội 2 bài toán căn cơ, một là đánh giá và dự báo cung cầu thị trường lao động và tập trung đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực nhất là đào tạo giáo dục nghề nghiệp đáp ứng thời kỳ công nghiệp cách mạng 4.0.
PV. Thưa Bộ trưởng trước thị trường hội nhập như hiện nay thì đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục là cấp thiết. Trong năm 2018, Bộ sẽ có những giải pháp trọng tâm gì để giải quyết vấn đề này?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chúng ta phải tiến tới xây dựng một hệ thống thị trường lao động, việc làm một cách minh bạch, hiệu quả do đó cần nhiều giải pháp nhưng Giáo dục nghề nghiệp là một giải pháp mang tính chất căn cơ, là giải pháp mang tính chất bền vững để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng như nâng cao năng suất lao động. Ý thức được việc này năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định Giáo dục nghề nghiệp phải là một khâu trọng tâm, là một trong những khâu đột phá của ngành lao động, thương binh và xã hội. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ và Bộ sẽ phải hoàn thiện toàn bộ hệ thống chính sách pháp luật bao gồm sao thực thi Luật Giáo dục nghề nghiệp được vận hành một cách đồng bộ xuyên suốt để đảm bảo mục tiêu người học ngày càng đông và học ra trường có việc làm và thu nhập. Người học sau khi học ra trường nếu như đáp ứng yêu cầu và có nhu cầu thì có thể học liên thông phát triển lên cao hơn và dần từng bước chuyển đổi nhận thức giáo dục nghề nghiệp trong nhân dân, trong thanh niên để mọi người hiểu rằng đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân lập nghiệp. Chúng ta từng bước phải hình thành quan niệm dành cho thanh niên rằng mỗi thanh niên hãy chuẩn bị tốt nhất cho mình việc làm để lo cho tương lai. Một số giải pháp rất căn cơ là xây dựng Đề án trình Chính phủ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp một cách toàn diện trong đó thực tế khoảng 10 dự án, có 3 nhóm giải pháp là gốc rễ của dự án. Thứ nhất là quy hoạch mạng lưới làm sao để mạng lưới Giáo dục nghề nghiệp phải đi vào thực chất và hiệu quả, phù hợp với quy hoạch kinh tế xã hội cũng như từng vùng, từng địa phương theo hướng giảm dần các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, tăng cường giáo dục tư thục cũng như đầu tư khuyến khích các tổ chức cá nhân phát triển nền tảng giao tự chủ. Tự chủ không có chỉ về tài chính mà tự chủ cả về tổ chức về hành động về con người để làm sao trường phải thật sự đứng trên đôi chân của mình chứ không phải nhờ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, kết nối doanh nghiệp phải là một cứu cánh trong thời gian tới. Nhưng kết nối doanh nghiệp không có nghĩa là chúng ta chỉ dựa vào doanh nghiệp mà nhà trường cùng doanh nghiệp sẽ đồng hành với nhau và dần chuyển theo hướng chuẩn bị việc làm cho sinh viên trước khi ra trường. Có thể ngay từ đầu năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tiến hành ký kết với 10 tập đoàn lớn trong nước và ngoài nước đặt hàng khoảng 100.000 sinh viên để chúng ta có kế hoạch. Đồng thời Nhà nước cũng cần có chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường đào tạo. Để tiến tới tham gia thị trường quốc tế thì chúng ta phải có một đột phá trong chuyển hóa bao gồm có chuyển hóa về đội ngũ giáo trình, về phương pháp giảng dạy và chuẩn hóa về việc công nhận bằng cấp. Trong năm 2018, chúng ta đưa vào 34 bộ giáo trình và giảng dạy kết nối các bước cơ bản để công nhận Chuẩn trình độ giống nhau và tạo ra thị trường lao động ổn định bền vững không chỉ trong các nước khu vực mà còn tiến tới thị trường quốc tế.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định Giáo dục nghề nghiệp phải là một khâu trọng tâm, là một trong những khâu đột phá của ngành lao động, thương binh và xã hội
PV: Thưa Bộ trưởng, để hoàn thành các chỉ tiêu đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là đảm bảo tính công bằng, trong năm 2018 Bộ sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp gì?
Triển khai đồng bộ toàn diện 128 nhiệm vụ của ngành đã được Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Trước hết, Bộ tập trung hoàn thiện toàn bộ hệ thống cơ sở pháp lý và hệ thống pháp luật, trong đó ưu tiên hàng đầu là các văn bản có tính chất nền tảng. Chuẩn bị tốt nhất cho Bộ Luật Lao động, Pháp lệnh người có công và 2 Đề án Cải cách tiền lương, Cải cách Bảo hiểm xã hội. Đồng thời chuẩn bị sửa đổi Luật Đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài và hoàn thiện đồng bộ toàn bộ những văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tạo cơ sở nền tảng để thực hiện cơ bản an sinh xã hội vững chắc. Bộ coi giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó quan trọng nhất là phải quy hoạch mạng lưới tự chủ và kết nối doanh nghiệp và chuyển hóa. Bên cạnh đó, dù năm 2018 không phải là năm trọng điểm nhưng lĩnh vực người có công vẫn là một lĩnh vực trọng yếu, tập trung và về cơ bản giải quyết hồ sơ tồn đọng mạnh dạn hơn, quyết liệt hơn để làm sao đến năm 2020 chúng ta chấm dứt tình trạng này và năm 2018 phải giải quyết toàn bộ hệ thống nhà ở cho người có công theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với 410.000 căn nhà đã được phê duyệt.
Nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng công vụ, tinh thần phục vụ của người lao động và đẩy mạnh cải cách hành chính ứng dụng công nghệ thông tin làm căn cứ thúc đẩy các công tác về an sinh xã hội một cách toàn diện. Đồng thời xây dựng hệ thống thị trường lao động ổn định và minh bạch, công khai để hệ thống này vận động một cách hiệu quả.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!