“Giáo dục bằng yêu thương”: Giúp các bậc phụ huynh tìm ra phương pháp giáo dục tích cực
- Y học 360
- 23:43 - 02/11/2020
Gắn kết các thành viên trong gia đình bằng tình yêu thương
Sự kiện nằm trong chiến dịch "Lan toả yêu thương 2020: Giáo dục bằng yêu thương" do MSD phối hợp với Thành Đoàn Hà Nội, Hội đồng Đội Thành phố Hà Nội và mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em tổ chức tại Cung thiếu nhi Hà Nội. "Lan tỏa yêu thương" là chiến dịch thường niên của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững được thực hiện từ năm 2017.
Năm 2020, chiến dịch được phát động từ ngày 9/10- 10/11với chủ đề "Giáo dục bằng yêu thương" tập trung vào nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo, các bên liên quan và công chúng về loại bỏ những hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần đối với trẻ em; tạo môi trường an toàn và tích cực để trẻ bày tỏ ý kiến và cùng giải quyết những vấn đề có liên quan đến trẻ; thúc đẩy phương pháp giáo dục không bạo lực trong quá trình nuôi dạy trẻ. Các hoạt động chính của chiến dịch bao gồm: tập huấn, đối thoại chính sách, sự kiện truyền thông ngoài trời, truyền thông trên mạng xã hội…
Ngày hội đã tạo ra một sân chơi để các bạn nhỏ và gia đình có cơ hội tìm hiểu về Quyền trẻ em và loại bỏ trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em, đặc biệt là trong gia đình. Các gia đình tham gia nhiều trò chơi dân gian thú vị, tự tay sáng tạo những chiếc áo phông xinh xắn, làm thiệp nhắn gửi yêu thương,…
Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội Lý Duy Xuân nhấn mạnh: "Ngày hội là hoạt động có ý nghĩa không chỉ dành cho các em thiếu nhi mà còn giúp các bậc phụ huynh tìm ra phương pháp giáo dục tích cực. Thành đoàn, Hội đồng Đội thành phố Hà Nội mong muốn sau chương trình, bố mẹ và các con sẽ trở thành những người bạn thân thiết của nhau, cùng chia sẻ với nhau về những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của mình, qua đó để tình cảm gia đình sẽ ngày càng khăng khít và bền chặt hơn. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các cấp chính quyền có thể lắng nghe nhiều hơn ý kiến, nguyện vọng của trẻ em; tiếp nhận và chuyển những ý kiến đó đến các ngành liên quan; đồng thời tiếp tục đầu tư xây dựng và duy trì có hiệu quả các điểm vui chơi giải trí bổ ích cho thiếu nhi."
Điều mà mọi trẻ em cần là sự lắng nghe, sẻ chia và đồng hành
Các thông điệp chính của chiến dịch cũng được chia sẻ tại ngày hội, bao gồm: Không đánh con; Không quát mắng con; Giáo dục tích cực; Lắng nghe tích cực; Đồng hành cùng con.
Chia sẻ về thông điệp của chiến dịch cũng như ngày hội, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD cho biết: "Chúng tôi tin rằng trẻ em có thể lớn lên và hoàn thiện mà không cần đến những cách giáo dục đầy nước mắt. Điều mà mọi trẻ em cần là sự lắng nghe, sẻ chia và đồng hành từ cha mẹ, thầy cô và những người chăm sóc. Đó có thể bắt đầu từ việc trò chuyện, hỏi han về một ngày của con, là khen con khi con làm việc tốt, là dũng cảm nói lời xin lỗi con khi bố mẹ chẳng may làm những điều chưa đúng,... tôi nghĩ rằng những điều này tuy khó nhưng có thể làm được nếu nó xuất phát từ tình yêu thương. Mong rằng mỗi bậc cha mẹ, thầy cô giáo, những người đến tham dự chương trình hôm nay sẽ cùng chúng tôi truyền đi những thông điệp tích cực: hãy cùng nhau chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần, để mọi trẻ em đều được có một tuổi thơ hạnh phúc."
Bà Hoàng Thị Tây Ninh, Quản lý Chương trình Quản trị Quyền trẻ em, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho rằng: "Chúng tôi mong đợi, thông qua những sự kiện, ngày hội như hôm nay, các gia đình sẽ có những khoảng thời gian ý nghĩa với nhau, và thông qua đó các bậc phụ huynh có thể biết đến và hiểu hơn về những phương pháp kỉ luật tích cực trong việc làm cha mẹ. Đồng thời, bố mẹ cùng các con thảo luận và tìm ra giải pháp phù hợp để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày và đảm bảo rằng mọi trẻ em được bảo vệ và được phát triển một cách toàn diện trong tình yêu thương của gia đình, cộng đồng và xã hội."
Bên cạnh đó, các gia đình đến với Ngày hội còn được gặp gỡ, giao lưu với NSƯT Xuân Bắc - khách mời đặc biệt của chương trình. Là một nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng khi trở về nhà với 3 bạn nhỏ tinh nghịch, anh cũng như bao ông bố khác, cũng gặp những khó khăn trong việc nuôi dạy các con. Anh chia sẻ: "Mỗi đứa trẻ có nét tính cách riêng, và mỗi gia đình lại có những câu chuyện khác nhau trong cuộc sống thường ngày, nhưng mỗi bậc cha mẹ đều cần thường xuyên trau dồi những kĩ năng để nuôi dạy trẻ em. Việc áp dụng các phương pháp giáo dục tích cực có thể sẽ không mang lại hiệu quả ngay lập tức, nhưng sẽ tốt cho trẻ về lâu dài. Muốn trẻ em lắng nghe mình thì chính các bậc phụ huynh phải thay đổi và lắng nghe trẻ nhiều hơn. Mong rằng những ngày hội có ý nghĩa như thế này sẽ được nhân rộng và thực hiện thường xuyên hơn."
Tham dự chương trình, các gia đình cùng tìm hiểu về quyền trẻ em và những cách thức trong việc giáo dục tích cực mà không cần dùng đến đòn roi hay những lời quát mắng. Mong rằng sau chương trình, bố mẹ và các con sẽ tích cực chia sẻ và lắng nghe để thấu hiểu nhau hơn, trở thành những người bạn thân thiết và cùng đồng hành với nhau. Em Vũ Nguyên (12 tuổi) cho sẻ: "Con mong khi con mắc lỗi, bố mẹ sẽ không quát mắng và sẽ ngồi nói chuyện nhẹ nhàng với con, hỏi con nguyên nhân vì sao con lại làm như vậy và giải thích cho con là con sai ở đâu. Con nghĩ là như vậy thì con sẽ sửa sai tốt hơn."