THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:03

Gian nan đường đến trường

Đến thăm Trường THPT Kỳ Sơn cuối tháng 5 khi học sinh chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ hè, trước mặt chúng tôi là ngôi nhà 2 tầng cũ đã xuống cấp và 2 dãy nhà cấp 4. Thầy Hiệu trưởng Lê Văn Tảo chia sẻ, Trường THPT Kỳ Sơn là trường THPT duy nhất của huyện Kỳ Sơn, được thành lập từ năm 1967. Hiện, trường có 39 lớp với 97 giáo viên và hơn 1.400 học sinh, trong đó hơn 95% là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Hầu hết học sinh đều ở xa, đường xá đi lại cực kỳ khó khăn. Nhiều học sinh phải đi học xa hơn 10km, xa nhất là ở xã Keng Đu (từ trung tâm xã Keng Đu đến trường khoảng 75km); thậm chí phải băng rừng, lội suối rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa có bão lụt, lở đất.Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn. Hiện, trường mới chỉ có 34 phòng học văn hóa, 5 phòng thiết bị và chức năng; 31 phòng ở nội trú cho giáo viên. Nhiều hạng mục đã xây dựng từ lâu, xuống cấp, không đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học cũng như các hoạt động khác.

Gian nan đường đến trường - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Kỳ Sơn tại nhà trọ.

"Lâu nay, hầu hết học sinh nhà trường được hỗ trợ gạo, tiền ăn, ở theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, hiện nhà trường không có các công trình phục vụ cho học sinh bán trú nên các em đi học xa nhà phải tự thuê phòng trọ ở nhà dân xung quanh trường, tự nấu ăn. Điều kiện ở phòng trọ của học sinh không đảm bảo, thiếu sự quản lý của gia đình và nhà trường nên các em đã gặp không ít khó khăn trong quá trình học tập. Đặc biệt, các nhà thuê trọ hầu hết là gỗ, cấp 4 gần chân núi nên mùa mưa bão nguy cơ sạt lở đất, không an toàn", thầy Lê Văn Tảo nói.Về vấn đề cải tạo cơ sở vật chất ở trường THPT Kỳ Sơn, ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Để tạo điều kiện tốt hơn trong việc học tập cho học sinh, con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, nâng cao chất lượng dạy và học, rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa miền xuôi và miền ngược, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong xu thế hội nhập và nguồn nhân lực có trí thức cho địa phương để phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo tốt hơn công tác an ninh, an toàn xã hội ở huyện vùng biên, huyện luôn quan tâm đến công tác dạy và học của thầy trò Trường THPT Kỳ Sơn.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu. Việc xây dựng dự án: "Xây dựng Trường THPT Kỳ Sơn thành Trường THPT DTBT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn" là cực kỳ cần thiết. Có lớp bán trú, học sinh sẽ được nhà trường quản lý, chăm sóc trong học tập, ăn uống, nghỉ ngơi. Các học sinh có điều kiện tham gia nhiều hoạt động ngoài giờ đa dạng, phong phú; thời lượng luyện tập, thực hành những tri thức trong chương trình giáo dục, giảm thiểu những rủi ro về an ninh trật tự, về an toàn giao thông... Huyện ủy, UBND huyện, Trường THPT Kỳ Sơn cùng các phụ huynh, học sinh và Nhân dân trong huyện rất mong các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm cho chủ trương và cấp kinh phí xây dựng cơ sở vật chất Trường THPT Kỳ Sơn thành Trường THPT DTBT Kỳ Sơn.

"Việc xây dựng dự án: "Xây dựng Trường THPT Kỳ Sơn thành Trường THPT DTBT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn" là cực kỳ cần thiết. Rất mong các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm cho chủ trương và cấp kinh phí xây dựng cơ sở vật chất Trường THPT Kỳ Sơn thành Trường THPT DTBT Kỳ Sơn", ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn nói.

Nguyễn Ngọc Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh