Giảm thiểu rủi ro, đảm bảo tính chủ động trong phòng chống thiên tai
- Tây Y
- 02:12 - 10/09/2019
Nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường – cơ quan thẩm tra Tờ trình Dự án Luật cho rằng trước tình trạng gia tăng quy mô, loại hình, tần suất và diễn biến bất thường của thiên tai nên thiệt hại do thiên tai ngày càng lớn (mỗi năm ở Việt Nam có tới trên 400 người bị thiệt mạng, thiệt hại vật chất chiếm tới 1,5% GDP, hạ tầng kỹ thuật bị phá hủy nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh kế, cuộc sống người dân).
Ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung dự án Luật lần này còn nhằm mục tiêu nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro thiên tai; bảo đảm tính chủ động trong phòng chống thiên tai; phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước và sự tham gia của khu vực tư nhân; đồng thời, bảo đảm việc thực thi cam kết, thỏa thuận quốc tế; tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ của các chính phủ, cộng đồng quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam.
Khoa học công nghệ hiện đại tại sao "hạ cấp" dự báo thiên tai?
Thảo luận tại Phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật. Tuy nhiên bà Hải đề nghị cần xem xét, nghiên cứu thêm về công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo sự chính xác; cơ chế chịu trách nhiệm nếu như thông tin dự báo sai.
Một trong những điểm đáng chú ý là tại khoản 1 Điều 24 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 quy định "thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phải kịp thời, chính xác" thì nay được đề xuất sửa thành "thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phải kịp thời, đủ độ tin cậy" trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung.
Bà Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cụm từ "đủ độ tin cậy" thể hiện cấp độ thấp hơn "chính xác" và băn khoăn tại sao lại sửa đổi như vậy khi khoa học công nghệ ngày càng hiện đại, hỗ trợ rất nhiều trong công tác dự báo.Nếu dự báo sai do nguyên nhân chủ quan thì người dự báo chịu trách nhiệm gì?.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc thay thế cụm từ trên "không phải là bước lùi" và "trước đây dùng từ "chính xác" là không chính xác, nước ngoài cũng chỉ nói "đủ độ tin cậy".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, do biến đổi khí hậu nên vừa qua nhiều hiện tượng thời tiết rất khó dự báo chính xác. "Nếu dùng từ "chính xác" dễ mất lòng tin với người dân. Cụm từ "đủ độ tin cậy" là ý kiến của Bộ TN-MT và chúng tôi thấy hợp lý nên đưa vào dự thảo, không phải giảm tông để giảm trách nhiệm" – ông Cường nói
Cần làm rõ nguồn thu và cơ chế sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai
Dự thảo Luật cũng bổ sung Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương để tiếp nhận nguồn hỗ trợ nhân đạo, phi Chính phủ từ quốc tế (không bao gồm nguồn vốn viện trợ), đóng góp tự nguyện ngoài ngân sách nhà nước kịp thời, đúng quy định. Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương được sử dụng khi có tình huống thiên tai khẩn cấp hoặc cần hỗ trợ ngay cho các địa phương chịu ảnh hưởng thiên tai nghiêm trọng, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy, về vấn đề kêu gọi, vận động, quyên góp, tiếp nhận nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ đối với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần phải được nghiên cứu, cân nhắc, nếu quy định trong Dự luật thì phải hợp lý, đảm bảo đươc tính khả thi khi áp dụng. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định trong Dự luật để tránh chồng chéo, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Trước ý kiến băn khoăn rằng, có hay không sự chồng chéo trong huy động nguồn lực cũng như phát sinh bộ máy khi bổ sung quỹ này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, thực tế Việt Nam hay nhận được các khoản hỗ trợ từ các nước, tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, do thiếu quy định nên việc sử dụng nguồn này cũng gặp nhiều vướng mắc.
Do đó, việc bổ sung quy định về Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương với nguồn huy động chủ yếu từ bên ngoài là nhằm chi hỗ trợ trực tiếp cho các tỉnh một cách thuận lợi trên cơ sở chi phải có nguyên tắc và điều phối cụ thể. Nhân lực thực hiện đều là kiêm nhiệm nên không tăng biên chế.
Cơ quan thẩm tra dự án luật cũng tán thành việc cần có Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương để có thêm nguồn lực ngoài NSNN, đặc biệt là nguồn lực quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ nguồn thu của Quỹ; cơ chế sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ theo Luật NSNN; việc điều chuyển giữa quỹ Trung ương và quỹ địa phương để bảo đảm quyền lợi của các Quỹ phòng chống thiên tai địa phương.
Bày tỏ quan điểm cần có quỹ này nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý phải nghiên cứu báo cáo giám sát về các quỹ ngoài ngân sách vừa qua để phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội, phải nghiên cứu cơ chế điều hoà để đảm bảo sự công bằng giữa những nơi có nguồn thu, mức sống trung bình của người dân cao nhưng ít xảy ra thiên tai so với nơi thường xuyên phải chịu thiên tai, nơi khó khăn.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các Luật hiện hành có liên quan để tránh sự chồng chéo hoặc không thống nhất trong hệ thống pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến thảo luận để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, thẩm tra chính thức; đảm bảo đủ các điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.