Giám sát phải có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật
- Tây Y
- 16:15 - 04/11/2021
Đây là hội nghị trực tuyến toàn quốc đầu tiên trong nhiệm kỳ này để triển khai công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bảo đảm phối hợp “dọc - ngang, trên - dưới, trong - ngoài”
Trong năm 2022, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành 4 giám sát chuyên đề, trong đó 2 giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác quy hoạch; 2 giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
“Có lẽ từ trước đến nay, chúng ta mới tổ chức một hội nghị toàn quốc như thế này để thống nhất nhận thức, thống nhất hành động từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan này với cơ quan khác, bảo đảm phối hợp “dọc - ngang, trên - dưới, trong - ngoài”, ông Vương Đình Huệ nói.
Cũng theo ông Huệ, thống nhất được nhận thức và hành động thì chúng ta mới có thể tổ chức giám sát đạt được kết quả như mong muốn với những mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra nói chung trong quy định pháp luật về công tác giám sát của Quốc hội, cũng như trong 4 chuyên đề giám sát cụ thể của năm 2022.
Ghi nhận các ý kiến “ngắn gọn nhưng đã đi thẳng vào vấn đề” và có nhiều kiến nghị, đề xuất rất xác đáng, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chúng ta biết rằng, bên cạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì mảng thứ hai là về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
"Tất cả quyết sách chúng ta đều phải đặt người dân và doanh nghiệp vào trung tâm nên phải hết sức chú trọng công tác dân nguyện, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị", CHủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Ông khẳng định, Quốc hội cũng có trách nhiệm trong vấn đề này, ngoài Ban Dân nguyện, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội cũng có nhiệm vụ này chứ không phải chỉ có Chính phủ, các bộ, ngành hoặc các cơ quan khác ở địa phương. Do đó, chọn các vấn đề này để giám sát là rất đúng, rất trúng.
Hay vấn đề quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch là “rất mới, rất khó”, theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây, “khi làm luật thì chúng ta nói tích hợp quy hoạch nhưng bây giờ lại thành quy hoạch tích hợp, không biết cái nào có trước, cái nào có sau”.
Quốc hội đang xem xét quy hoạch quốc gia về sử dụng đất đai thì đáng lẽ phải có Quy hoạch tổng thể quốc gia trước mới có căn cứ để lập quy hoạch về sử dụng đất quốc gia. Nhưng bây giờ chưa có Quy hoạch tổng thể quốc gia nên phải làm song song, đồng thời, quy hoạch nào trước thì phê chuẩn trước, quy hoạch nào xong sau thì phê chuẩn sau. Khi phê chuẩn xong rồi thì bắt đầu mới tích hợp lại xem không phù hợp chỗ nào thì điều chỉnh chỗ đó. Đây là việc rất khó”, ông Huệ nói.
Quy hoạch sử dụng đất đai đã sử dụng tối đa các dữ liệu rồi nhưng vẫn phải tiếp tục rà soát để bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch vùng huyện. Luật Quy hoạch ban hành từ năm 2017 nhưng đến nay việc triển khai xây dựng các quy hoạch rất chậm, trong khi quy hoạch phải đi trước một bước.
Ông Huệ tin tưởng rằng nếu làm tốt các chuyên đề giám sát này thì sẽ tạo ra bước chuyển biến mới trong công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Và cũng hy vọng, tin tưởng là sẽ tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong từng lĩnh vực thuộc phạm vi và đối tượng giám sát.
Không có chuyện “đánh trống, ghi tên”
Về tổ chức thực hiện, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trách nhiệm đầu tiên, trực tiếp là của các Đoàn giám sát.
Hiện nay đã thành lập các Đoàn giám sát với cơ cấu rõ ràng, bao gồm cả các thành viên khác là chuyên gia và đại diện các cơ quan hữu quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đồng chí Trưởng đoàn và các thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định của Luật Hoạt động giám sát và các quy chế, quy định pháp luật khác có liên quan.
Trước đây có tình trạng một đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban có thể tham gia 2 - 3 Đoàn giám sát đoạn nhưng lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dứt khoát một đồng chí chỉ tham gia duy nhất một Đoàn để tập trung thực hiện nhiệm vụ, không có chuyện “đánh trống, ghi tên”.
“Đã là thành viên Đoàn giám sát thì từng cá nhân phải làm đến nơi, đến chốn; phát huy tinh thần trách nhiệm, tham gia đầy đủ các hoạt động theo yêu cầu của Luật cũng như yêu cầu của Đoàn giám sát; lắng nghe ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học, ý kiến của nhân dân, phải nghe bằng nhiều kênh, nhiều tai, trung thực, khách quan”, ông Huệ yêu cầu.
Đồng thời cũng phải tôn trọng đối tượng giám sát, không sách nhiễu, không gây phiền hà, không “cua cậy càng, cá cậy vây”. Đây là vấn đề các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhắc nhiều lần. Không phải chúng ta là giám sát tối cao thì muốn làm gì cũng được, không được gây ra những phiền toái, ảnh hưởng hoạt động bình thường của các cơ quan, các đối tượng giám sát.
Đối với những vấn đề liên quan đến quản lý và bảo mật thông tin, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý hết sức chú ý, tránh tình trạng “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông”; những số liệu, nội dung, vấn đề đang trong quá trình bàn, nhất là liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân thì phải hết sức cẩn trọng. “Chúng tôi tin là việc này chúng ta đã làm rất tốt thì tới đây sẽ làm tốt hơn”, ông bày tỏ tin tưởng.
Giám sát phải có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, các thành viên cũng như Trưởng, Phó Đoàn giám sát phải có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật, tránh tình trạng phát hiện từ dưới cơ sở bằng “con voi” nhưng gọt giũa dần khi lên đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì chẳng còn gì nữa.
Phải tuyệt đối tránh những việc như thế. Vì chúng ta giám sát trên tinh thần hết sức xây dựng. Giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để. Chúng ta phải phát huy được những mô hình tốt những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng ra. "Đó mới là giám sát chứ không phải là chỉ nhăm nhăm tìm ra những khuyết điểm, sai phạm để nói", ông Huệ nói.
Phải đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước. Đó là mục tiêu của giám sát.
Khẳng định sự cần thiết của chuyên đề giám sát, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, chuyên đề giám sát thể hiện sự quan tâm của Quốc hội đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong 5 năm qua và ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Thông qua giám sát, làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan hành chính, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết vụ việc cụ thể, đồng thời kịp thời tháo gỡ vướng mắc và từ đó có giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
“Đây sẽ là cơ sở để Thanh tra Chính phủ chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị, trong quá trình giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các địa phương, Đoàn giám sát cần có sự phối hợp ngay từ đầu của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đối với các vụ việc cụ thể. Bởi vừa qua, các địa phương đã làm rất tích cực và đã có những số liệu cụ thể, nhưng khi trực tiếp giải quyết, nếu Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tại các địa phương vào cuộc ngay từ đầu, xác định rõ và cùng với UBND cấp tỉnh xem xét, rà soát thì công tác giám sát sẽ có hiệu quả tốt hơn.
Tham luận tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh khẳng định: Qua hoạt động giám sát, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng nhận thấy các Đoàn giám sát đã đánh giá chính xác, khách quan, kịp thời việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật và các chương trình, kế hoạch đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, quy định cụ thể, rõ ràng về chế tài xử lý trách nhiệm dựa trên mức độ hoàn thành các kiến nghị giám sát; đẩy mạnh công tác “hậu giám sát” với 2 nội dung là xem xét việc thực hiện nghị quyết giám sát và xem xét việc thực hiện kiến nghị sau giám sát.
“Ngoài ra, cần thông báo sớm cho các địa phương kế hoạch giám sát để tạo sự chủ động trong việc chuẩn bị triển khai phục vụ các Đoàn giám sát, bảo đảm hiệu quả, sát thực tế, đạt được mục đích đã xác định”, ông Lê Hồng Vinh nhấn mạnh.