Giám đốc ngân hàng bỏ việc tìm hạnh phúc trong... ngôi nhà lá
- Y học 360
- 13:23 - 23/07/2015
Một giám đốc ngân hàng 27 tuổi, từng kiếm được hơn 75.000 bảng/năm (tương đương 2,5 tỉ đồng), từng sống trong một căn hộ sang trọng giữa lòng thủ đô London, Anh. Người đàn ông sớm thành đạt ấy đã quyết định từ bỏ tất cả để tìm kiếm một cuộc sống bình yên hơn trên một hòn đảo biệt lập ở miền nam nước Lào.
Anh là Jon Watkinson, hiện giờ 31 tuổi. Cách đây 4 năm, Jon từng mua vé một chiều tới Bangkok, rồi đi du lịch các nước Đông Nam Á. Kết thúc chuyến đi, anh quyết định định cư lại trên hòn đảo Don Det nằm trên sông Mekong, đoạn chảy qua miền nam nước Lào.
Giờ đây, đã 4 năm trôi qua và Jon không hối tiếc về quyết định của mình, anh nói rằng anh chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như bây giờ. Cuộc sống của Jon giờ đơn giản hơn rất nhiều, hàng ngày anh tự đi bắn chim, bắt cá, bẫy ếch làm thức ăn, tắm rửa ở ngoài sông và sống mà không cần đến những thiết bị điện tử thông minh.
Từng là một giám đốc ngân hàng, anh Jon Watkinson đã từ bỏ tất cả để tới sống trong một ngôi nhà tranh nằm trên hòn đảo biệt lập ở Lào.
Jon cảm thấy cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn bao giờ hết khi sống trong ngôi nhà mái tranh này. Trong ảnh là Jon (phải) và người dẫn chương trình của kênh Channel 5.
Điều duy nhất Jon cảm thấy nhớ nhung về cuộc sống trước đây, đó là người thân và bạn bè ở Anh, tuy vậy, Jon tin rằng mọi sự lựa chọn đều có cái giá riêng của nó và so với những gì anh đang được hưởng, thì cái giá phải trả là hoàn toàn xứng đáng.
Jon chia sẻ rằng cuộc sống ở London dù gặt hái nhiều thành công nhưng càng lúc càng khiến anh cảm thấy không vui, như thể bị mắc kẹt trong vòng mưu sinh. Jon từng xuất hiện trong bộ phim tài liệu “Cuộc sống mới ở nơi hoang dã” phát trên kênh Channel 5 (Anh) để chia sẻ về câu chuyện đời mình.
Anh cho biết: “Đã có lúc, từ thứ 2 tới thứ 6, tôi cảm thấy ghê sợ giây phút phải thức dậy để đi làm. Tôi bước lên tàu điện ngầm và nhìn thấy xung quanh mình cũng là những nhân viên văn phòng, đồng phục chỉnh tề, nhưng gương mặt xám xịt, chẳng thể thấy ở họ khao khát sống trọn vẹn. Tôi hiểu rằng mình đang cần một sự thay đổi về hướng đi trong cuộc sống”.
Trong cuộc sống hiện tại, Jon gần như sống tự cấp tự túc, anh không còn phải lo nghĩ gì. Giờ đây, anh tự đi bắn chim, bắt cá, bẫy ếch, trồng rau…
Sau khi bỏ việc và bán nhà, Jon lên đường đi du lịch Đông Nam Á. Sau khi đến đảo Don Det - nơi dân số chỉ có 400 người, anh quyết định ở lại đây. Don Det có người dân thân thiện và đời sống giản dị, thanh bình.
Sau 4 năm sống ở Don Det, giờ đây Jon hoàn toàn đổi khác: “Đây chính là nơi mà tôi muốn cắm rễ thật sâu, sống thật khác. Tôi yêu nơi này, tôi mắc nợ nơi này. Don Det đã giúp tôi lấy lại niềm tin vào cuộc sống và chính bản thân mình”.
Don Det là một hòn đảo yên bình, người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp, cảnh vật thiên nhiên rất xinh đẹp. Khi quyết định ở lại đây, Jon đã dựng cho mình một ngôi nhà bằng tranh tre nứa lá.
Ban đầu, Jon cũng gặp phải một số khó khăn khi phải thích nghi với cuộc sống mới. Có lúc mưa to, trong nhà và ngoài sân… ướt như nhau. Jon đã nhận được sự giúp đỡ của người dân bản địa. Thấy anh vất vả loay hoay sửa mái nhà, họ đã tự rủ nhau tới giúp anh.
Jon khẳng định chưa bao giờ anh thấy hạnh phúc và cuộc sống có ý nghĩa như bây giờ. Ở đây, mỗi khi nhà nào có việc gì, dân làng lại cùng tới giúp.
Khi mới tới Don Det, Jon gần như không biết tự làm một việc gì, mọi thứ đều xa lạ đối với anh, dân làng đã trìu mến coi anh như một “đứa trẻ to xác”, tận tình dạy anh từ những việc nhỏ, như cách điều khiển trâu, sử dụng dao rựa khi đi rừng…
Giờ đây, Jon cảm thấy cuộc sống không có TV, điện thoại, máy tính… hoàn toàn dễ chịu bởi anh có đủ thứ việc thú vị để làm. Cuộc sống ở Don Det không đòi hỏi phải chi dùng nhiều, vì vậy, những áp lực về kinh tế là gần như không có.
Giờ đây, mỗi ngày Jon đều có thời gian để thảnh thơi chạy bộ - một hoạt động yêu thích của anh. Jon khẳng định anh sẽ sống ở đây lâu dài và bất cứ người phụ nữ nào muốn gắn bó với anh đều phải có cùng ý nguyện sống giống anh - sẵn sàng gắn bó với Don Det trọn đời.