THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:33

Giám định kỹ thuật hình sự, loại bỏ hồ sơ thương binh giả

 

Một số hình ảnh giám định xác định hình dấu giả, tẩy xóa tài liệu ghi nội dung mới không đúng với nội dung nguyên thủy.

Trong hai năm 2012-2014 và 6 tháng đầu năm 2015, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng, trong đó trọng tâm về thực hiện chính sách đối với thương binh do cơ quan quân đội xác lập hồ sơ và hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 3.657 hồ sơ sai sót (hồ sơ thương binh và hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học) tại 22 địa phương được thanh tra, kiến nghị thu hồi ngân sách Nhà nước trên 35,7 tỷ đồng. Trong 6 tháng năm 2015, Thanh tra Bộ đã thu hồi được 4 tỷ đồng. Ngoài ra, qua rà soát hồ sơ NCC di chuyển của 63 tỉnh, thành trong toàn quốc, Thanh tra Bộ đã phát hiện hơn 300 hồ sơ được làm giả hoàn toàn di chuyển từ một số tỉnh ở phía Bắc vào tỉnh ở phía Nam để hưởng chế độ, trực tiếp chuyển hồ sơ vụ việc hoặc đề nghị các địa phương chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra đề nghị khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật.

Để phát hiện những trường hợp khai man, giả mạo giấy tờ lập giả hồ sơ NCC với cách mạng, ngoài việc đã nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thanh tra về phương pháp và kỹ năng trong thanh, kiểm tra hồ sơ, Thanh tra Bộ còn có những khâu đột phá trong xử lý đối với hồ sơ thương binh có nghi vấn khai man, giả mạo như: Trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự những tài liệu có nghi vấn khai man, giả mạo để có cơ sở khoa học, chứng cứ pháp lý trong kết luận thanh tra và chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra.

Ảnh chụp tài liệu tại vị trí số 1 dưới nguồn sáng chiếu tỏa cho thấy còn tồn tại chữ viết ghi thông tin trên tài liệu trước khi có các nội dung như hiện tại. 

 Trong hai năm 2012-2014, Thanh tra Bộ đã tiến hành trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự đối với 817 tài liệu gốc làm cơ sở xác lập hồ sơ thương binh có nghi vấn khai man, giả mạo (tương ứng với 817 đối tượng đang hưởng chế độ thương binh), kết quả giám định phát hiện hơn 500 tài tiệu không đảm bảo tính pháp lý, với các hành vi như: Giả mạo hình dấu trên tài liệu, hình dấu được hình thành bằng phương pháp vẽ thủ công, dấu của nhiều Trung đoàn, Sư đoàn khác nhau nhưng giống nhau hoàn toàn ngoại trừ phần số; tẩy xóa nội dung trên tài liệu để viết lại nội dung mới không đúng với nội dung nguyên thủy; viết thêm nội dung bị thương vào tài liệu để làm cơ sở xác lập hồ sơ; tài liệu được cấp từ những năm 1970, 1972 nhưng phần phôi được hình thành bằng phương pháp laze...cùng với đó là việc đình chỉ trợ cấp đối với hơn 500 trường hợp giả mạo, khai man hồ sơ để hưởng chế độ thương binh, kiến nghị thu hồi ngân sách Nhà nước hơn 20 tỷ đồng, góp phần giảm chi ngân sách đối với những trường hợp giả mạo hồ sơ bị đình chỉ là hơn 3 tỷ đồng/năm.

Ảnh chụp tài liệu tại vị trí số 1 dưới nguồn sáng UV 365 nm cho thấy tại vị trí ghi họ tên “Nguyễn Văn Hải” tồn tại chữ viết ghi thông tin trước là “Hà Huy Thông”. 

Trong thời gian tới, Thanh tra Bộ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hàng năm tiến hành thanh tra theo kế hoạch về việc thực hiện chính sách đối với NCC tại các tỉnh, thành phố; Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Chính trị (QĐND Việt Nam) ký chương trình phối hợp số 840/CTr-BLĐTBXH-TCCT ngày 6/02/2015 về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo việc xác nhận thương binh do cơ quan quân đội thực hiện tại các Quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô, giao Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) là hai đơn vị đầu mối để thực hiện chương trình phối hợp (thời gian thực hiện từ năm 2015 đến hết 2017). Tính đến hết tháng 8/2015 đã tiến hành thanh tra xong tại Quân khu 2 và Quân khu 5.         

ĐÀM MINH THU/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh