THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:26

Giải thưởng Kovalevskaia 2017: Tôn vinh những “bông hồng” đam mê khoa học

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Nguyễn Thị Doan (bên phải) trao giải Kovalevskaia năm 2017 cho PGS.TS.BS Trần Vân Khánh và PGS.TS Đinh Thị Bích Lân (thứ 2 từ phải sang).

 

Giải thưởng Kovalevskaia bắt đầu từ năm 1985 và trở thành giải thưởng cấp quốc gia có uy tín dành cho các nhà khoa học nữ. Từ năm 1985 đến 2016, Giải thưởng được trao cho 18 tập thể và 45 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực toán, lý, hóa, sinh, nông nghiệp, y học, công nghệ thông tin…

Tới dự lễ trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2017, có Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch UBGT Kovalevskaia Nguyễn Thị Doan, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội...

PGS.TS. Trần Vân Khánh: “Người mẹ” của chuẩn đoán trước sinh

 

PGS.TS. Trần Vân Khánh (bên phải). 

Trở về Việt Nam sau 5 năm theo học Khoa y của Trường Đại học KoBe (Nhật Bản), PGS.TS. Trần Vân Khánh lựa chọn công việc khá mới mẻ đó là nghiên cứu môn Bệnh học phân tử, Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein, Trường Đại học Y Hà Nội. Lĩnh vực nghiên cứu này đã gắn bó chị với căn bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne – nỗi ám ảnh của biết bao gia đình Việt Nam khi chứng kiến những đứa con mình chế mòn ở tuổi thanh xuân.

Căn bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne là một trong những bệnh lý di truyền ở Việt Nam. Người mắc bệnh này chủ yếu là nam giới, gây suy yếu cơ làm cho việc đi lại khó khăn dẫn đến tàn phế, mất khả năng đi lại ở tuổi 13. Bệnh nhân thường bị tử vong ở tuổi 20 do tổn thương cơ tim và đường hô hấp. Hiện nay căn bệnh  loạn dưỡng cơ Duchenne vẫn chưa có liệu pháp điều trị.

Năm 2006 với đề tài “Nghiên cứu cơ chế phân tử gây bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne” của PGS.TS Trần Vân Khánh đã giúp chuẩn đoán người lành manh gen bệnh và chuẩn đoán trước sinh nhằm hạn chế tối đa trẻ sinh ra mức căn bệnh này.

Không chỉ nghiên cứu riêng về căn bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne, PGS.TS Trần Vân Khánh là chủ nhiệm 8 đề tài và thành viên chính tham gia 4 đề tài nghiên cứu Chẩn đoán trước sinh một số bệnh lý di truyền và người mang gen. Kết quả của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ này đã có nhiều đóng góp vào công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân. PGS cùng nhóm nghiên cứu đi sâu vào triển khai nghiên cứu những bệnh lý di truyền phổ biến nhất. Hướng nghiên cứu này phục vụ chẩn đoán trước sinh các bệnh lý di truyền, chẩn đoán người mang gen và tư vấn di truyền cho các bệnh nhân và các thành viên gia đình có quan hệ huyết thống với bệnh nhân. Cho đến nay đã có hơn 1000 bệnh nhân và các thành viên gia đình được chẩn đoán bằng kỹ thuật gen, phát hiện người lành mang gen bệnh và đoán trước sinh. Việc chẩn đoán chính xác đột biến gen gây bệnh đã giúp cho các bác sĩ  đưa ra được phác đồ điều trị sớm, điều trị hỗ trợ giảm nhẹ tác động cho bệnh nhân, xác định người mang gen gây bệnh, thực hiện tư vấn di truyền cho các bà mẹ có nguy cơ cao sinh con bị bệnh để họ có các biện pháp cụ thể tránh sinh ra những đứa trẻ mắc bệnh. Kết quả là đã có nhiều cháu được sinh ra hoàn toàn khoẻ mạnh, phù hợp với kết quả xác định tình trạng gen của chẩn đoán trước sinh.

Với kết quả đạt được, bản đồ đột biến gen của các bệnh lý này trên bệnh nhân Việt Nam đã bước đầu được công bố. Việc hoàn thiện được bản đồ đột biến gen đã giúp cho nhóm nghiên cứu tiếp tục xây dựng định hướng về liệu pháp điều trị gen.

Bên cạnh đó, về chẩn đoán tiền làm tổ một số bệnh lý di truyền, PGS Trần Vân Khánh là thành viên chính tham gia thực hiện thành công 01 đề tài cấp nhà nước về “Xây dựng quy trình chẩn đoán trước làm tổ bằng kỹ thuật Microsatellite DNA để sàng lọc một số bệnh lý di truyền liên kết nhiễm sắc thể giới tính (KC04.17-11/15)”.

Hướng nghiên cứu này nhằm mục đích xây dựng và hoàn thiện một quy trình kỹ thuật công nghệ cao trong hỗ trợ sinh sản. Phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhóm nghiên cứu của PGS Khánh đã tiến hành chẩn đoán phôi bằng kỹ thuật phân tích gen chỉ từ 1 tế bào được sinh thiết trên phôi thụ tinh ống nghiệm trong 3 ngày đầu.

Sau đó lựa chọn những phôi hoàn toàn không có bất thường về nhiễm sắc thể và gen để cấy trở lại tử cung người mẹ. Đây là giai đoạn chẩn đoán sàng lọc rất sớm, đảm bảo hầu hết các trẻ sinh ra không mắc các bệnh lý di truyền.

Trước đây, khi kỹ thuật này chưa được triển khai ở Việt Nam, các gia đình phải sang Thái Lan hoặc các nước phát triển khác để thực hiện kỹ thuật với chi phí lên tới trên 500 triệu đồng. Thành công của kỹ thuật này ở Việt Nam sẽ giúp giảm chi phí đáng kể xuống chỉ còn 1/2-1/3 so với chi phí thực hiện ở nước ngoài.

Đối với bệnh lý ung thư, PGS Trần Vân Khánh đã nghiên cứu liệu pháp điều trị trúng đích đã xác định đột biến gen nhạy cảm với điều trị và điều trị cho gần 1000 bệnh nhân.

Kết quả cho thấy bệnh nhân có hiệu quả điều trị vượt trội, triệu chứng ung thư giảm, không bị tác dụng phụ của thuốc, thời gian sống không bệnh và thời gian sống toàn thể gia tăng một cách đáng kể, mang lại những lợi ích hết sức thiết thực cho bệnh nhân. Ngoài kinh phí tài trợ từ đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, PGS và đồng nghiệp đã tìm nguồn tài trợ từ các công ty cho khoảng 500 bệnh nhân ung thư nghèo để xét nghiệm gen.

Hiện PGS.TS. Trần Vân Khánh là Trưởng Bộ môn Bệnh học phân tử, Khoa Kỹ thuật Y học; Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein, Trường Đại học Y Hà Nội (Sinh năm 1973)

PGS.TS Trần Vân Khánh  đã chủ trì: 09 đề tài (02 đề tài cấp nhà nước trong đó 01 đề tài thuộc chương trình KC04 của Bộ Khoa học và Công nghệ , 01 đề tài thuộc Quỹ phát triển KH và CN quốc gia) ; 04 đề tài cấp Bộ Y tế ; 01 đề tài nhánh cấp nhà nước.  Hiện đang chủ trì 01 đề tài cấp sở KHCN Hà Nội; 01 đề tài nhánh cấp nhà nước.  Đề tài nghiên cứu khoa học các cấp đã tham gia: 20 đề tài, trong đó 01 đề tài cấp Nhà nước;  02 đề tài nhánh cấp Nhà nước; 05 đề tài cấp Nhà nước ; 05 đề tài cấp Bộ Y tế; 02 đề tài cấp Sở Khoa học và Công nghệ ; Hiện đang tham gia 04 đề tài cấp Bộ; 01 đề tài cấp nhà nước…

PGS-TS Bích Lân: Sáng chế vì nhà nông

 

PGS.TS. Đinh Thị Bích Lân tại phòng thí nghiệm.

 

PGS-TS Đinh Thị Bích Lân sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1980, bà là một trong những thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi đại học nên được đi du học chuyên ngành thú y ở Viện Thú y Moscow (Nga). Sau khi tốt nghiệp Học viện Thú y Moscow về nước và được nhận vào giảng dạy tại Trường ĐH Nông Lâm thuộc ĐH Huế, bà vẫn nung nấu ý nguyện cống hiến cho nghiên cứu khoa học. Năm 1994, bà lại được đi nghiên cứu sinh tại Nhật và đến năm 2007 thì được phong học hàm phó giáo sư. Trong suốt 28 năm miệt mài, bà làm chủ nhiệm và tham gia 22 công trình khoa học. Thông qua các đề tài nghiên cứu của bà đã tạo ra được nhiều sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng cao.

Trong đó, điển hình như đề tài nghiên cứu các loại kháng nguyên tái tổ hợp để chế tạo KIT chẩn đoán nhanh các bệnh truyền nhiễm do Toxoplasma gondii, bệnh do Cryptosporidium parvum, bệnh do cầu trùng Eimeria gây ra.

 Đề tài được giới khoa học đánh giá rất cao bởi hiệu quả với các loại KIT này cho phép chẩn đoán nhanh, chính xác, hiệu quả cao nhưng có giá thành thấp. Với thành công này, có thể chẩn đoán bệnh ngay ở bất kỳ điều kiện nào, không cần trình độ kỹ thuật viên cao, từ đó giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là đóng góp vào việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Riêng chế phẩm sinh học chứa kháng thể lòng đỏ trứng gà, có thể dùng thay thế kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh truyền nhiễm. Chế phẩm này có ưu điểm nổi trội là an toàn, hiệu quả cao, chỉ tác động lên mầm bệnh, không ảnh hưởng đến vi sinh vật có lợi, không gây ra hiện tượng tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, không gây kháng thuốc, dễ sử dụng. "Qua điều trị thử nghiệm cho thấy hiệu quả điều trị cao, giảm tỉ lệ chết, thời gian điều trị nhanh, giảm thiệt hại kinh tế" - PGS-TS Lân khẳng định.

 

Tọa đàm giữa các nhà khoa học và sinh viên.

 

Bên cạnh đó là nhiều đề tài như các tổ hợp lợn lai có tỉ lệ nạc cao, hiện được ứng dụng trong chăn nuôi lợn ở nhiều địa phương ở miền Trung, giúp nông dân có thu nhập cao. Hay đề tài vắc-xin tái tổ hợp phòng bệnh do E.coli gây ra ở lợn. Đây là sản phẩm từ công nghệ gien và protein tái tổ hợp, có tính an toàn cao, khả năng bảo hộ an toàn trên 85%...

Hiện nay, các kết quả nghiên cứu của PGS-TS Đinh Thị Bích Lân đã và đang được chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp sản xuất chế phẩm sinh học thông qua các dự án sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ. Nhiều doanh nghiệp còn làm thủ tục xin cấp giấy phép lưu hành để sản xuất, cung cấp sản phẩm ra thị trường phục vụ sản xuất.

Bên cạnh việc tổ chức trao Giải thưởng hàng năm, Quỹ Giải thưởng Kovalevkaia còn tổ chức các cuộc giao lưu giữa các nhà khoa học nữ được nhận Giải thưởng Kovalevskaia và các nữ sinh viên xuất sắc các ngành khoa học tự nhiên của các trường Đại học và từ năm 2016 hàng năm Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia trao học bổng cho 01 nữ sinh chuyên Toán, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội trong 3 năm học với số tiền là 500 USD/năm.

 

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết (bên phải) và GS.TS. Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, thành viên UBGT Kovalevskaia tặng học bổng hỗ trợ các công trính, đề tài nghiên cứu khoa học tiêu biểu và trao học bổng cho nữu sinh chuyên toán.

 

Để tiếp sức, động viên, cổ vũ các em trong những bước đầu trên con đường nghiên cứu khoa học, Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia tặng học bổng cho 03 nữ sinh chuyên toán Trường Phổ thông trung học Chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên; Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ 12 công trình nghiên cứu khoa học của nữ sinh viên khối khoa học tự nhiên thuộc 6 trường đại học.

 

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh