Giải quyết "khủng hoảng tuổi đến trường" cho con vào lớp 1
- Bác sĩ
- 13:59 - 19/06/2020
"Khủng hoảng tuổi đến trường", là cụm từ chỉ chung cho những biểu hiện của việc sợ đến trường, sợ đi học của trẻ. Nhiều bậc phụ huynh luôn đau đầu tìm cách giải quyết những vấn đề này cho con mà quên mất rằng phải tìm hiểu chính xác nguyên nhân khiến con không thích đến trường. Chính bởi cách làm trên ngọn mà không nhìn gốc này của một số phụ huynh đã dẫn đến tình trạng chán học, ghét học thậm chí sợ hãi khi đi học của trẻ nhỏ.
Tiến sĩ Son Seuk-han thuộc chuyên khoa Thần kinh Nhi tại Hàn Quốc đã chỉ ra 5 vấn đề thường là nguyên nhân chính của "khủng hoảng tuổi đến trường" mà trẻ em nào cũng mắc phải. Bố mẹ nên tham khảo để tìm ra phương pháp chính xác giúp con vượt qua thời gian khó khăn này.
1. Con không thích đến trường
Quãng thời gian từ mầm non lên tiểu học là lúc mà trẻ phải làm quen với một môi trường hoàn toàn mới và khác biệt so với những trải nghiệm trước đây. Nếu như ở mẫu giáo, con hoàn toàn được chơi là chính, không phải học trên 30 phút và cũng dễ dàng thân quen với các cô giáo hay bạn bè thì tiểu học lại khác biệt hơn.
Ở lớp 1, con phải quen với việc học một tiết khoảng 40 phút, một ngày học khoảng 3 - 5 tiết học chưa kể học thêm hay ngoại khóa. Con cũng cảm thấy lạ lẫm với giáo viên, bạn bè trong lớp, hay cả các anh chị ở lớp lớn hơn cũng làm con choáng ngợp. Bởi vậy việc con tỏ ra khó hòa nhập, thường sợ không muốn đến trường hay bám dính lấy cha mẹ khi được đưa đi học là điều vô cùng bình thường.
Khi bố mẹ rơi vào tình huống này, cần dịu dàng an ủi con, động viên con rằng ở lớp mọi việc đều rất ổn, bố mẹ sẽ đến đón con đúng giờ. Lúc con đi học về, bố mẹ có thể ân cần hỏi chuyện ở lớp của con về các bạn, trò chơi, môn học hay giáo viên của con, không nên hỏi dồn dập mà nên đưa ra câu hỏi rõ ràng để con dễ trả lời và cảm thấy thoải mái. Thông qua những cuộc trò chuyện như vậy, bố mẹ có thể tìm ra nguyên nhân chính xác của việc sợ đi học của con là gì để có phương án giúp đỡ con.
2. Con không dám phát biểu trong lớp học
Mới bắt đầu vào lớp 1, con đã bắt đầu phải học cách đứng lên bày tỏ ý kiến của mình trước đông người. Điều này sẽ khiến con cảm thấy run, khó chịu và mất bình tĩnh là điều đương nhiên. Có nhiều em nhỏ rất tự tin phát biểu trước đám đông, thoải mái và thích thú khi được gọi lên trả lời. Nhưng cũng có những em vô cùng tự ti, không dám nói ra điều mình muốn, không dám trả lời hoặc trả lời lí nhí, thậm chí khóc khi được gọi phát biểu. Đó là vì các em sợ mình nói sai, sợ các bạn chê cười hay sợ cô giáo trách phạt nếu câu trả lời không đúng.
Với các bạn nhút nhát, bố mẹ cần động viên con thật nhiều, có thể cho con tập phát biểu ở nhà. Cũng cần an ủi con rằng, dù con trả lời như thế nào thì cô giáo và các bạn cũng đều tuyên dương con vì con đã rất dũng cảm. Bố mẹ cũng nên trao đổi với giáo viên ở trường, tạo điều kiện giúp con mạnh dạn hơn. Điều này sẽ củng cố sự tự tin của con, giúp con không con sợ việc phát biểu trước lớp.
3. Con nhịn đi vệ sinh cả ngày vì sợ
Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng con mình thường xuyên nhịn đi vệ sinh ở trường mà để dành về nhà. Khi tra hỏi nguyên nhân thì con đưa ra rất nhiều lý do vì sợ bẩn, con không dám đi một mình, thậm chí có bé còn chưa biết tự đi vệ sinh như thế nào. Bởi vậy, nguyên nhân một phần cũng vì bố mẹ đã xao nhãng trong việc dạy con các kỹ năng mềm trước khi đến trường.
Để giải quyết vấn đề này cho con, điều quan trọng nhất là dạy con tự đi vệ sinh đúng cách ở nhà. Sau đó bố mẹ có thể gợi ý cho con việc rủ các bạn đi vệ sinh cùng nếu con sợ đi một mình. Bố mẹ có thể động viên con vượt qua những nỗi sợ vô hình ở nhà vệ sinh rằng không có bất kỳ điều gì đáng lo ngại cả. Con không nên nhịn đi vệ sinh vì như vậy sẽ dễ gây bệnh, con cũng dễ bị đau bụng nếu nhịn vệ sinh quá lâu.
4. Con gặp khó khăn trong việc kết bạn
Ở một môi trường mới, trẻ cần có bạn bè để cùng chơi, cùng chia sẻ và cùng học hành. Thế nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có thể dễ dàng kết bạn, thậm chí có một số bé có thể bị trêu chọc dẫn đến sự tự ti và khó khăn trong việc kết bạn. Nếu con của bố mẹ gặp phải tình trạng này, bố mẹ cần thực sự kiên nhẫn để giúp con.
Việc kết bạn với trẻ nhỏ dễ dàng hơn so với người lớn và bố mẹ hoàn toàn có thể tạo ra những cơ hội đế con rút ngắn thời gian kết bạn của mình. Bố mẹ có thể giúp con làm bánh hay một số đồ thủ công để con tặng các bạn ở lớp giúp con thêm tự tin khi kết bạn. Ngoài ra, những buổi họp phụ huynh cũng là cơ hội để bố mẹ kết bạn với những phụ huynh khác, tạo tiền đề để các con chơi với nhau ngoài giờ lên lớp, giúp gắn con gắn kết tình bạn hơn.
5. Con cảm thấy tự ti khi ở trong lớp
Mỗi đứa trẻ đều có một tài năng của riêng mình, có bạn vẽ giỏi cũng có bạn viết đẹp, có bạn làm toán nhanh cũng có bạn ghi nhớ rất tốt. Và khi rời khỏi vòng tay bố mẹ để đi học ở một tập thể nhiều học sinh khác, con dễ bị choáng ngợp bởi tài năng của các bạn, dễ cảm thấy tự ti vì mình không có tài năng đặc biệt nào. Điều này cản trở khả năng thành công cũng như sự tự tin của con rất nhiều.
Bởi vậy, nếu muốn giúp con thoát khỏi sự tự ti này, bố mẹ cần cho con thấy bản thân cũng là một người rất đặc biệt, con rất ngoan khi giúp đỡ mọi người đó là biểu hiện của trái tim nhân hậu. Hãy tìm ra một tài năng của con và cho con cơ hội được thể hiện nó với mọi người, con sẽ dần lấy lại sự tự tin của mình và sẵn sàng chinh phục quãng thời gian tiểu học đầy vui tươi của mình.