Giải pháp trong điều trị ung thư tuyến giáp
- Y học 360
- 13:34 - 23/11/2019
Việc đưa vào sử dụng khu điều trị I 131 sẽ là tiền đề để thời gian tới tập trung phát triển vượt bậc hơn nữa song song giữa đầu tư cơ hở hạ tầng, trang thiết bị và nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyên môn, khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Máy BQSV thế hệ hiện đại nhất hiện nay được trang bị tại Bệnh viện K. Bệnh viện K là bệnh viện đầu tiên đưa vào sử dụng dùng cho chiết tách dược chất phóng xạ trong điều trị I-131, theo đúng tiêu chuẩn Đức. Đây là máy hoạt động chia liều tự động và bán tự động bằng hệ thống máy tính, độ chính xác cao. "Ngoài chiết tách I-131 có thể dùng chiết tách các dược chất phóng xạ dạng dung dịch khác (FDG, Tc99MDP…) với độ an toàn cao, tránh được các sự cố bức xạ, an toàn cho nhân viên y tế trong quá trình thao tác. Hơn thế nữa, bệnh nhân điều trị I 131 được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định hiện hành, do đó giúp giảm thiểu chi phí mà vẫn đảm bảo quyền lợi cũng như hiệu quả điều trị cho người bệnh." - TS.BS Nguyễn Tiến Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện K nhấn mạnh.
PGS.TS Ngô Thanh Tùng, Giám đốc trung tâm xạ trị quốc gia cho biết "Sau khi người bệnh phẫu thuật khoảng một tuần sẽ được chuyển sang khoa Y học hạt nhân để bác sĩ thăm khám, tư vấn và thực hiện một số chỉ định khác (xét nghiệm máu...) để đánh giá tình trạng suy giáp, bilan trước điều trị. Có 2 yếu tố người bệnh cần lưu ý đó là trước khi điều trị phải ngừng uống thuốc hormon giáp trạng 4 tuần và ăn chế độ kiêng Iod 2 tuần.
Nếu đạt tình trạng suy giáp, bệnh nhân được uống liều chẩn đoán (2mCi hoặc 5mCi). Sau khi uống liều chẩn đoán 48h, bệnh nhân được cho uống liều điều trị (30mCi đến 200mCi) tùy tình trạng bệnh. Với người bệnh uống liều > 30mCi sẽ cần điều trị nội trú, cách li trong 02 ngày và theo dõi tại bệnh viện.
Với người bệnh uống liều < 30mCi sẽ được điều trị ngoại trú và cách li tại nhà. Sau điều trị bệnh nhân sẽ được theo dõi định kỳ khám lại từ 3 – 6 tháng tại.
Việc đưa vào sử dụng khu điều trị I 131 giúp bệnh viện nâng cao khả năng và chất lượng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến ung thư, mở ra những hi vọng mới cho người bệnh được tiếp cận với các phương pháp điều trị hiện đại, tiên tiến trên thế giới, giúp bệnh nhân yên tâm lựa chọn điều trị trong nước. Trong bối cảnh ung thư đang là một vấn đề lớn của xã hội.
"Tại Việt Nam, mỗi năm có gần 165.000 ca ung thư mới mắc, gần 115.000 trường hợp tử vong và hơn 300.000 người bệnh đang phải chiến đấu với ung thư. Do đó, việc nâng cao năng lực khám, chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư cho các cơ sở y tế tuyến dưới là rất cần thiết. Thời gian tới Bệnh viện K cũng sẽ chuyển giao công nghệ điều trị này cho các bệnh viện vệ tinh. Bệnh viện K luôn sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm, hợp tác với các đơn vị để hướng về mục tiêu chung là kiểm soát ung thư tại Việt Nam" – TS.BS Nguyễn Tiến Quang cho biết.