THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:38

Giải pháp tăng tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp

Hội thảo do Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội phối hợp với Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, nhằm nâng cao kỹ năng vận động bầu cử cho các nữ ứng cử viên, qua đó tăng cường tiếng nói và sự tham gia của nữ giới trong Quốc hội nói riêng và các cơ quan dân cử nói chung. 

Trong 1,5 ngày, các đại biểu được cung cấp thông tin cơ bản về Quốc hội, tình hình kinh tế - xã hội, một số chính sách pháp luật kinh tế - xã hội và bình đẳng giới mà cử tri quan tâm, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, thực hành các kĩ năng tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử, xây dựng chương trình hành động…

Giải pháp nào để tăng tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp - Ảnh 1.

Hội thảo do Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội phối hợp với Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam cho biết, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là nội dung quan trọng, then chốt không những đem lại quyền bình đẳng cho cả nam và nữ mà còn tạo cơ hội cho phụ nữ lên tiếng đại diện cho giới, phát huy kinh nghiệm và quan điểm trong quyết định chính sách.

"Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV là 26,72% và tỉ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 ở cả ba cấp đều cao hơn nhiệm kỳ trước nhưng vẫn chưa đạt được chỉ tiêu 30%", bà Thúy Anh nói.

Bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội cho biết, trong hoạt động Quốc hội khóa XIV, các nữ đại biểu tích cực tham gia ý kiến đối với các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề và tham gia hoạt động chất vấn, có 87/276 lượt phát biểu của nữ ĐBQH về các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và 554/1754 ý kiến nữ ĐBQH tham gia chất vấn Chính phủ, thành viên Chính phủ (tỷ lệ lần lượt là 31,52% và 31,58%).

Giải pháp nào để tăng tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp - Ảnh 2.

Để tăng tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, quan trọng nhất vẫn phải dựa vào các nữ ứng cử viên.

Theo bà Nguyệt, với những nỗ lực, cố gắng trong hoạt động dân cử, các nữ đại biểu dân cử đã có nhiều đóng góp cho công tác bình đẳng giới cũng như các lĩnh vực khác. Thông qua sự đóng góp quan trọng này, hình ảnh và vị thế của nữ đại biểu dân cử ngày càng được khẳng định và nâng cao trong lòng cử tri. Điều này góp phần quan trọng thay đổi cách nhìn về việc phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị, góp phần tăng tỉ lệ nữ tham gia trong lĩnh vực này. 

Ông Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, tại Quốc hội khóa XIV, tỉ lệ nữ ứng cử viên chiếm 38,97% số ứng cử viên (339/870). Tỉ lệ nữ trúng cử là 26,7% trong tổng số đại biểu Quốc hội (132/494). Đặc biệt, tỉ lệ trúng cử của ứng cử nữ thấp hơn nhiều so với nam. Cụ thể, nữ đại biểu Quốc hội trên nữ ứng cử viên là 38,9%; trong khi đó nam đại biểu Quốc hội trên nam ứng cử viên là 68,2%.

"Để tăng tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, quan trọng nhất vẫn phải dựa vào các nữ ứng cử viên. Nữ ứng cử viên trúng cử càng nhiều thì chắc chắn tỉ lệ đại biểu nữ càng tăng", ông Thành chia sẻ.

Còn hơn 1 tháng nữa, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra. Theo quy định, tỉ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải đảm bảo tối thiểu 35%. Đến thời điểm này, Việt Nam đang tiến hành Hội nghị hiệp thương lần ba, chưa có số liệu tổng hợp tỉ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trên toàn quốc.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh