THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:49

Tìm cách giúp nông dân Đồng Nai tiêu thụ chuối

 

Những tháng đầu năm, nông dân trồng chuối già hương (chuối cấy mô) ở hai huyện Trảng Bom và Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) phải điêu đứng, dở khóc dở cười khi thương lái không thu mua chuối, hoặc chỉ lấy với giá từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg. Trước thực trạng này, ngày 20/2, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Đồng Nai và mạng Thanh niên khởi nghiệp phát động chiến dịch “Chuối nghĩa tình”, nhằm giúp bà con nông dân tiêu thụ chuối khẩn cấp.

Sau gần 10 ngày thực hiện chiến dịch “Chuối nghĩa tình”, với sự nỗ lực của rất nhiều tập thể, cá nhân đã “giải cứu” được hơn 320 tấn chuối chín, cần xử lý gấp cho bà con. Song trên thực tế, số lượng chuối được hỗ trợ tiêu thụ nói trên rất nhỏ. Ước tính các huyện ở tỉnh Đồng Nai còn gần 10.000 tấn chuối sắp thu hoạch, riêng huyện Trảng Bom đã có hơn 4.000 tấn, với hơn 200 ha chuối.

Cán bộ Hội LHTN tỉnh Đồng Nai tham gia chiến dịch "chuối nghĩa tình" ( ảnh QĐ)

 

Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Trưởng Ban công tác xã hội Câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp cho hay, một điều cần phải đặc biệt chú ý là khoảng 10 ngày nữa, chuối sẽ rơi vào cao điểm của mùa vụ thu hoạch. Việc kết nối với các doanh nghiệp và đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ chuối nội địa và cả xuất khẩu (nếu có thể) là việc làm hết sức cấp bách và cần thiết để chuối ở Đồng Nai có thể được “giải cứu” một cách bền vững.                      

Theo ông Đỗ Long, Chủ tịch Câu lạc bộ Quản trị & Khởi nghiệp, nông dân hiện vẫn làm theo phong trào mà không nghiên cứu thị trường, do đó, khi thị trường có biến động thì nông dân rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Chiến dịch “Chuối nghĩa tình” hiện chỉ đang là giải pháp mang tính nhân văn, hỗ trợ tạm thời, chưa thể giải quyết được tận gốc cho bà con nông dân. Việc phát động chiến dịch lần 2, hy vọng con số “giải cứu” giải quyết được 80 – 90%. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần có biện pháp bền vững, tìm thị trường đầu ra. Chúng ta cần có một kênh tập trung, kết nối với các doanh nghiệp để tìm giải pháp bền vững.

Buổi tọa đàm

 

Cũng có ý kiến cho rằng, cần phải có giải pháp bền vững, tránh làm ảnh hưởng đến thị trường các loại chuối khác và không tạo tính ỷ lại cho nông dân. Ngoài ra, cũng nên nghiên cứu đến vấn đề làm bột từ chuối để giải quyết đầu ra cho chuối.

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh này có 1.700 ha chuối cấy mô, tập trung ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc giảm mua khiến nông sản không có đầu ra, giá chỉ đạt mức 1.000-2.000 đồng/kg, giảm hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều địa phương đã đến kỳ thu hoạch nhưng nông dân không bán được nên để trái chín rụng hoặc cho gia súc, gia cầm ăn.

Các bạn trẻ Tp.HCM giúp nông dân Đồng Nai tiêu thụ chuối

 

Nhiều ý kiến tại tọa đàm đã hiến kế các phương án mới, nhiều tính khả thi như: kết hợp với lãnh đạo các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận nhằm cung cấp chuối trong bữa ăn hàng ngày cho công nhân viên; triển khai các chiến dịch "chuối nghĩa tình", "chuối khởi nghiệp", không chỉ giải quyết nhu cầu tiêu thụ trước mắt mà còn giúp định hướng sinh viên khởi nghiệp với ý tưởng phát triển nông nghiệp bền vững, trực tiếp triển khai làm sản phẩm và maketing cho người dân… Bên cạnh đó, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam sẽ có văn bản vận động các hội ngành nghề khác trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh tham gia tiêu thụ chuối. Các đại biểu cũng khẳng định, UBND tỉnh Đồng Nai cần quy hoạch lại, định hướng cho nông dân sản xuất. Tránh tình trạng người dân tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp, dẫn đến những nguy cơ rủi ro cao.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh