THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:03

Giải mã quan niệm cực nhiều người nhầm về Covid-19: "Tái nhiễm" và "Tái dương tính" là hoàn toàn khác nhau!

Covid-19 cho đến thời điểm hiện tại đã trở thành một cơn ác mộng đối với toàn nhân loại, khi đã có tới gần 24 triệu ca nhiễm, hơn 800 ngàn người tử vong.

Vào lúc này, có lẽ chúng ta cũng trang bị được những kiến thức cơ bản để tồn tại trong một đại dịch. Chẳng hạn như đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội, tập thói quen rửa tay thường xuyên... Tuy vậy, vẫn còn một vấn đề quan trọng nữa mà rất nhiều người vẫn đang nhầm tưởng, đó là vấn đề "tái nhiễm" và "tái dương tính".

Tại sao lại nhầm tưởng ư? Vì đó là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Giải mã quan niệm cực nhiều người nhầm về Covid-19: Tái nhiễm và Tái dương tính là hoàn toàn khác nhau! - Ảnh 1.

Tái dương tính không phải là tái nhiễm

Tháng 4/2020, Hàn Quốc xuất hiện khoảng hơn 100 ca tái dương tính với Covid-19 sau khi đã được ghi nhận là khỏi bệnh. WHO cho biết, họ đã ghi nhận về các trường hợp như vậy. Tuy nhiên, đó không phải là tái nhiễm.

"Từ những gì chúng tôi biết dựa trên các dữ liệu có được, đây là những vật liệu di truyền của Covid-19 còn sót lại trong phổi của bệnh nhân, sau giai đoạn phục hồi," - đại diện của WHO trả lời. "Chúng tôi cần nhiều mẫu hơn để biết được những bệnh nhân đã phục hồi cần bao nhiêu thời gian để loại bỏ hoàn toàn virus, và có thể lây lan cho người khác hay không."

Maria Van Kerhove - một chuyên gia dịch tễ cũng có chung nhận định như vậy. Cô cho rằng đây là những ca tái dương tính, đến từ những tế bào chết của Covid-19 trong quá trình phổi phục hồi.

Giải mã quan niệm cực nhiều người nhầm về Covid-19: Tái nhiễm và Tái dương tính là hoàn toàn khác nhau! - Ảnh 2.

"Khi phổi phục hồi, sẽ có những phần xuất hiện tế bào chết của virus. Nếu lấy mẫu xét nghiệm từ phần phổi ấy, ca tái dương tính sẽ xuất hiện."

"Đó không phải là virus tái nhiễm, cũng không phải tái kích hoạt, mà là một phần của quá trình phục hồi."

Tiến sĩ Oh Myoung-don - giáo sư dược tại ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), đồng thời là cố vấn cho KCDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc) cũng có chung quan điểm như vậy. "Các lần xét nghiệm đã xác định được acid ribonucleic từ virus đã chết mà thôi."

Cũng chính bởi điều này, các ca xét nghiệm dương tính sau khi khỏi bệnh từ trước đến nay đều được nhận định là "tái dương tính" chứ không phải tái nhiễm. Hiểu đơn giản, việc nhận định một bệnh nhân là "tái dương tính" chỉ có ý nghĩa cơ thể người này vẫn có dấu vết của virus còn sót lại từ lần nhiễm trước mà thôi.

Giải mã quan niệm cực nhiều người nhầm về Covid-19: Tái nhiễm và Tái dương tính là hoàn toàn khác nhau! - Ảnh 3.

Tái nhiễm là một khái niệm hoàn toàn khác

Tái nhiễm, về cơ bản là một thuật ngữ chỉ việc bệnh nhân sau khi khỏi bệnh hoàn toàn bỗng mắc lại căn bệnh ấy vì tiếp xúc với một mầm bệnh mới. Và mới đây, thế giới đã ghi nhận một trường hợp như vậy tại Hong Kong (Trung Quốc).

Ca bệnh vừa được xác nhận tái nhiễm là một người đàn ông Hong Kong từng mắc Covid-19 hồi cuối tháng 3 và xuất viện hồi giữa tháng 4. Người này mới đây đi du lịch Tây Ban Nha qua Anh, sau khi trở về Hong Kong hôm 15/8 lại cho kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Giải mã quan niệm cực nhiều người nhầm về Covid-19: Tái nhiễm và Tái dương tính là hoàn toàn khác nhau! - Ảnh 4.

Trường hợp này được nhận định không phải "tái dương tính", bởi sau khi đối chiếu trình tự gene của 2 lần xét nghiệm, các chuyên gia nhận thấy tới 24 điểm khác biệt. Đặc biệt, kháng thể của người bệnh sau lần mắc đầu tiên vào tháng 3 cũng đã không còn. Bởi vậy, đây là trường hợp "tái nhiễm" chứ không phải tái dương tính, và được đánh giá là ca tái mắc Covid-19 đầu tiên của thế giới.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng khoa học vẫn còn thiếu rất nhiều dữ liệu để nhận định rằng Covid-19 có khả năng khiến người khỏi bệnh tái nhiễm hay không. Vào lúc này, chúng ta vẫn cần thêm thời gian và nhiều mẫu nghiên cứu khác nữa. Và điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải nhớ rằng, dù đã khỏi bệnh vẫn không thể chủ quan được. Cần phải duy trì giãn cách, duy trì các thói quen chống dịch như thường thấy, để phòng trường hợp không may xảy ra.

Nguồn: Science Alert, Business Insider

J.D

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh