Giải mã bí ẩn 10 ngày "bốc hơi" trong lịch sử cách đây hơn 400 năm: Chuyện gì đã xảy ra?
- Bác sĩ
- 03:57 - 13/04/2020
Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút và mỗi giây trên thế giới đều xảy ra vô vàn sự kiện lớn nhỏ. Kể từ khi Trái Đất được hình thành thì không một khoảnh khắc nào nó ngừng quay và mọi thứ đối với chúng ta chỉ kết thúc khi Trái Đất không còn chuyển động nữa.
Các sự kiện lịch sử cũng diễn ra một cách liên tục và không ngừng nghỉ trong cái "vòng tròn" chuyển động ấy. Giống như không gian thì thời gian trong vật lý có tính liên tục, điều này cũng giống như việc chúng ta không thể đi lên tầng 5 nếu không đi qua các tầng 1, 2, 3, 4 vậy!
Thế nhưng, có lẽ bạn sẽ phải bất ngờ khi biết rằng trong dòng thời gian liên tục ấy lại có một khoảng thời gian dài khoảng 10 ngày mà tại đó bạn sẽ không tìm thấy bất cứ sự kiện lịch sử, ngày sinh hay mất của một ai đó vì đơn giản là nó... không tồn tại!
Hãy cùng đi tìm câu trả lời cho bí ẩn khó tin này qua bài viết dưới đây:
1. Sai sót của lịch Julius, loại lịch ra đời từ thời kỳ Đế chế La Mã cho đến 1582
Để có được đáp án thì chúng ta cần phải ngược dòng lịch sử về những năm 46 TCN, đó là thời điểm lịch Julius được Julius Caesar (sinh năm 100 TCN, mất năm 44 TCN) - một nhà lãnh đạo quân sự, nhà chính trị lớn của La Mã cổ đại - giới thiệu.
Trước đó, người La Mã cũng đã có lịch La Mã với 12 tháng nhưng lại tính theo chu kỳ Mặt Trăng và chỉ có tổng cộng 355 ngày trong một năm.
Tất nhiên thiếu sót này sẽ dẫn đến nhiều hệ quả không mong đợi, sự sai lệch trong các sự kiện thiên văn sẽ dẫn đến việc phán đoán sai thời vụ hay mưa, nắng...
Julius Caesar (sinh năm 100 TCN, mất năm 44 TCN). Ảnh: Greelane
Điều đó dẫn đến việc cải cách loại lịch cũ có nhiều hạn chế này và thay thế bằng lịch mới Julius, tuy nhiên để thay đổi một cái cũ bằng 1 cái mới có ảnh hưởng tới toàn xã hội thì đó là điều không hề dễ dàng và có thể xảy ra một sớm một chiều được.
Do đó, năm cuối cùng của lịch cũ đã kéo dài tới 445 ngày như một cách để bù vào những năm nhuận bị thiếu của các năm bất quy tắc trước đó (do ảnh hưởng của chiến tranh cũng như sự thiếu chính xác của bản thân loại lịch này), người ta gọi đây là "năm lộn xộn cuối cùng".
Tuy nhiên, loại lịch Julius mới này cũng không thể tránh được những sai sót và nhược điểm của mình dù cố gắng tuân theo chu kỳ Mặt Trời như người Ai Cập. Bên cạnh những khuyên nhân khách quan còn có cả những nguyên nhân chủ quan như:
Lịch Julius cũng chọn ngày bắt đầu năm mới vào 25/3 (ngày Xuân phân) hàng năm nhưng đây không phải là thời điểm thu hoạch mùa vụ hay có một sự kiện thời tiết đặc biệt mà đơn giản chỉ là để đánh dấu ngày trúng cử của các nguyên lão của đế quốc La Mã.
Không những thế việc đặt tên tháng một cách "tùy hứng" của các hoàng đế La Mã dẫn đến việc các tháng có nhiều tên khác nhau hay việc lợi dụng chức vụ để thêm ngày vào lịch nhằm kéo dài thời gian nhiệm kỳ hay các cuộc bầu cử càng khiến lịch Julius sai lệch so với thực tế.
Mặc dù vậy, loại lịch Julius cũng tồn tại trong một thời gian rất dài ở hầu khắp châu Âu kể từ thời kỳ Đế chế La Mã cho đến tận năm 1582 mới được thay thế bởi lịch mới có tên Gregorius (Dương lịch) do Giáo hoàng Gregorius XIII công bố.
2. Lịch Gregorius: 10 ngày không có trong lịch của năm 1582
Lịch Gregorius đã được sử dụng ở hầu hết mọi quốc gia kể từ lúc được công bố cho đến nay, cũng giống như lịch Julius trước đó, việc cải cách từ lịch cũ sang lịch mới cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc tinh chỉnh lại thời gian cho khớp với các sự kiện thiên văn.
Trong đó, việc tinh chỉnh những năm nhuận bị thiếu trước đó cũng là điều khiến những nhà làm lịch phải đau đầu. Lí do là vì tuy đã bớt sai sót hơn lịch cũ nhưng lịch Julius lại không tính được giá trị chính xác của một năm dương lịch là 365,242199 ngày.
Thay vào đó, một năm của lịch Julius có 365,25 ngày và đã tạo sai chênh 11 phút mỗi năm và khi sai số nhỏ tích lũy về lâu dài thì chúng ta sẽ phải cộng dồn thêm 7 ngày cho năm 1000 và thêm 10 ngày cho năm giữa thế kỷ 15.
Sự hạn chế của lịch Julius khiến Nhà thờ La Mã phải có sự thay đổi và để giải quyết vấn đề này thì Giáo hoàng Gregory XIII (1502 - 1585) đã ủy thác cho nhà thiên văn học Christopher Clavius xây dựng một hệ thống lịch mới vào năm 1570.
Hai năm sau thì lịch mới bắt đầu được sử dụng rộng rãi nhưng vấn đề là việc "chạy sai" của lịch Julius trước đó (cứ 128 năm thì dư ra 1 ngày) đã khiến ngày lễ Phục Sinh của Công Giáo khi đó đã sai lệch mất 10 ngày.
Ảnh minh họa: Internet
Để ngày đầu của năm mới rơi vào ngày 1/1 hằng năm thì người tính toán lịch mới là nhà thiên văn Luigi Lilio - một người Ý đa tài - đã bỏ đi 11 ngày nhuận dự trù cho năm 1700 để sau ngày 4/10/1582 sẽ là ngày 15/10/1582.
Điều đó đồng nghĩa với việc những năm đầu thế kỷ là năm 1700, 1800 và 1900 sẽ không phải năm nhuận mà phải đến năm 2000 thì việc tính năm nhuận mới được áp dụng như trước. Do đó chúng ta sẽ mất đi 10 ngày là ngày 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 của tháng 10 năm 1582.
Điều này có nghĩa là tháng 10 năm 1582 chỉ có 21 ngày (gồm ngày 1,2,3,4, 15... cho đến 31/10). Tháng 11/1582 sẽ có 30 ngày bình thường.
Việc đổi lịch mới cũng khiến nước Nga bị mất đến 13 ngày trong tháng 2, năm 1918 bằng cách quy định ngay sau ngày 31/1/1918 là ngày 14/2/1918, thay vì ngày 1/2/1918 như thường lệ (lưu ý: nước Nga áp dụng lịch Gregorius chậm hơn so với các nước châu Âu).
Đó cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi đặt ra ở đầu bài viết này mà theo đó lịch sử sẽ không có những ngày trên, tức không có bất cứ sự kiện lịch sử hay ai sinh vào 10 ngày này chứ không phải thời gian thực sự mất đi.
Tất cả chỉ là quy ước do con người đặt ra, cũng giống như trong quan niệm của nhiều quốc gia thì người ra không đánh số khách sạn, những chung cư, tòa nhà… là tầng 13 vì xem đây là con số xui xẻo, thay vào đó sau tầng 12 sẽ là tầng 14.
Như vậy chúng ta không hề mất đi tầng 13 mà thực ra chỉ là quy ước lại theo ý chí chủ quan của con người mà thôi. "Thời gian bốc hơi" được đề cập ở đầu bài trên cũng có lời giải thích đơn giản như thế đó.
Nguồn: Britannica, Allfunandgames, Webexhibits, Phys.