"Giải cứu" thịt lợn "nóng" nghị trường, Bộ trưởng Nông nghiệp nhận trách nhiệm về khủng hoảng thừa lợn
- Tây Y
- 13:00 - 14/06/2017
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là người đăng đàn mở đầu. Suốt buổi sáng và kéo dài hết nửa buổi chiều, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời 3 nhóm chủ đề, đặc biệt, câu chuyện giải cứu thịt lợn, tàu vỏ thép hư hỏng nằm bờ gần đây liên quan tới chủ trương lớn của nhà nước giúp ngư dân vươn khơi bám biển đặt ra cho ngành nông nghiệp những vấn đề cần giải quyết trong quá trình thực thi... được các đại biểu Quốc hội quan tâm.
“Khủng hoảng thừa” do tăng trưởng quá nhanh
ĐB Nguyễn Sơn (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) chất vấn, căn cứ vào đâu để Bộ quy hoạch dự báo phát triển sản phẩm ngành chăn nuôi? Theo Quyết định 124 của Thủ tướng phê duyệt tổng đàn lợn đến 2015 là trên 32,2 triệu con, 2020 là 34,4 triệu con.
“Theo số liệu thống kê, tháng 10/2015 mới đạt hơn 27,7 triệu con, tháng 10/2016 mới đạt 29 triệu con, thấp hơn nhiều so với quy hoạch nhưng thị trường đã dư thừa đến hàng chục triệu con, giá cả giảm sút thảm hại, người chăn nuôi thua lỗ nặng, lúng túng trong giải pháp giải cứu”, ông Sơn hỏi, Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm của bộ trong vấn đề này?
Các đại biểu chất vấn các nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) đặt vấn đề, đến thời điểm này, ngành chăn nuôi đã lỗ đến 50% giá thành, gây thiệt hại quá lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
“Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp căn cơ, lâu dài giải quyết vấn đề này như thế nào”, bà Lan chất vấn.
“Trước hết là tôi chia sẻ với bà con nông dân chăn nuôi lợn của chúng ta. Cơ sở nào để ngành Nông nghiệp đưa ra chỉ tiêu về đàn lợn, để đến nay có câu chuyện thừa thit lợn?”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mở đầu.
Theo Bộ trưởng, hai nguyên nhân chính dẫn đến “khủng hoảng thừa”. Đầu tiên là do tăng trưởng quá nhanh. Riêng con lợn, thịt lợn tăng trên 3,6 lần, từ 3,4 triệu tấn lên 5,6 triệu tấn.
“Cách đây 10 năm, Việt Nam thấp nhất trong ASEAN, thì 10 năm, mặt hàng cám đã lên 23 triệu tấn đã tăng trưởng, lợn nái từ 2 triệu con lên 4,2 triệu con. Cải tiến về quy mô nông hộ, trước đây 7 triệu hộ nay đã co lại vẫn còn 3 triệu hộ”, người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn chứng.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho biết, công tác tổ chức chưa tốt, khâu tổ chức thị trường cũng là khâu yếu nhất hiện nay.
“Chế biến không gắn với sản xuất, liên kết trong sản xuất thịt lợn chỉ được 20% ở khâu nuôi còn khâu chế biến kém nhất trong các ngành hàng. DN có chế biến nhưng chế biến sâu thì đếm trên đầu ngón tay làm cho khâu tiêu thụ trên 90% kiểu truyền thống, thịt lợn tươi bán ở phản thịt. Do đó, phải chuyển đổi cơ cấu nhu cầu, cơ cấu tiêu dùng của XH”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Bộ trưởng Nông nghiệp cũng cho biết sức sản xuất của ngành nông nghiệp Việt Nam là rất lớn nhưng từ sản xuất tiêu thụ trong gia đình để vươn ra thị trường thế giới là một chặng đường khó khăn, gian khổ. Vì vậy trong thời gian ngắn khi chưa thể tổ chức ngay các ngành hàng thì không thể tránh khỏi tình trạng nơi này thừa, nơi kia thiếu.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cũng tranh luận: “Ở đây không chỉ nông nghiệp mà còn là thị trường, giá cả thịt lợn hơi bán 50, thị trường bán 80, lúc thịt lợn bán 20 thị trường vẫn bán 80. Vai trò của Bộ Công thương thế nào? vai trò của Bộ Nông nghiệp phối hợp với Bộ Công thương thế nào?”
“Trong lĩnh vực đồng chí làm tư lệnh có thể còn xảy ra trường hợp nào phải kêu gọi cơ quan, tổ chức, người dân phải tham gia giải cứu các sản phẩm nông nghiệp như đã từng làm với dưa hấu, thịt lợn như vừa rồi. Nếu có thì mặt hàng nông sản đó là gì để người dân còn biết, chuẩn bị”, ĐB Trần Dương Tuấn (Bến Tre) chất vấn.
Chăn nuôi yếu do 3 khâu thì mới làm tốt được 2 khâu
Nguyên nhân thứ 2 theo Bộ trưởng là sự liên kết trong ngành nông nghiệp còn kém, chế biến đang bị tách lìa với sản xuất. Hiện nay chỉ có vài doanh nghiệp chế biến nhưng chế biến sâu từ nuôi đến chế biến thành phẩm. Trong khi đa số là nuôi rồi thịt và bán ở phản thịt ngoài chợ
Thứ ba, khâu tổ chức thị trường là khâu yếu nhất. Hiện nay thịt lợn của Việt Nam mới xuất khẩu được 3 nước, lợn sữa mỗi năm khoảng 20.000 tấn, còn lại chủ yếu là tiểu ngạch qua Trung Quốc. Các thị trường khác chưa khai thác được.Trong 3 khâu của ngành chăn nuôi lợn thì mới làm được khâu đầu, còn 2 khâu sau rất yếu. Trong đó có trách nhiệm của ngành nông nghiệp. Nên tháng 4 vừa qua giới hạn cuối cùng là khủng hoảng thừa.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, câu chuyện khủng hoảng thừa trong ngành chăn nuôi không phải do người nông dân mà vì ngành nông nghiệp làm chưa tốt. Và chúng tôi cũng báo cáo Thủ tướng tổng đàn lợn hiện nay quá thừa, cần cơ cấu lại, giảm số lượng nhưng quản trị được và tăng chất lượng.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển thị trường. Bộ trưởng cho biết, chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và Bộ, ngành Việt Nam vừa qua đến Trung Quốc có nhiều buổi đàm phán để phát triển thị trường cho xuất khẩu lợn và hiện nay đã có những kết quả nhất định để xuất khẩu lợn chính ngạch qua Trung Quốc trong thời gian tới.
"Chúng tôi cũng hiểu đó là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, chứ không phải ai khác, nhưng là một đoàn tàu phát triển mới làm được một khoang nên mọi việc phải từng bước", ông Cường nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Tuấn Anh: "Phải đánh giá đúng lợi thế cạnh tranh, làm tốt công tác thị trường"
Làm rõ thêm các chất vấn của cử tri về thị trường cho nông sản, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng khâu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp là phải căn cứ vào nhu cầu và tín hiệu của thị trường, kể cả trong và ngoài nước, để xây dựng các quy hoạch và tổ chức các quy hoạch đó cho tốt.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh làm rõ thêm các chất vấn của cử tri về thị trường cho nông sản
Theo Bộ trưởng, việc đàn lợn có tốc độ tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực, tiềm năng của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn có thể phát triển tốt nếu làm tốt công tác thị trường.
Một mặt hàng của ta muốn ra nước ngoài thông thường mất từ 3- 7 năm tùy mặt hàng. Cũng có vấn đề trong chức năng quản lý Nhà nước vai trò quy hoạch phải tính toán lại. Chúng tôi nhìn nhận công tấc phối hợp giữa 2 Bộ trong xây dựng nghiên cứu thông tin, dữ liệu và cơ sở xây dựng quy hoạch phải được cải tiến hơn và đảm bảo tổ chức thực hiện đặc biệt là phối hợp với các địa phương.
Chúng tôi cho rằng, câu chuyện liên quan tổ chức sản xuất phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh.
Không phải mọi mặt hàng của chúng ta đều có lợi thế cạnh tranh, ưu thế chúng ta vớ thịt lợn có thể có năng lực cạnh tranh với thị trường gần như Trung Quốc, Philippin, Malaysia… nhưng với 10,6 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ thì sản phẩm chăn nuôi của ta giá thành còn cao hơn Mỹ và một số nước nếu nhập khẩu vào Việt Nam.
Chúng ta phải đánh giá đúng lợi thế cạnh tranh và quy hoạch tổng thể cho tốt để có phát triển.
Cơ quan Nhà nước phải định hướng được thông qua tổ chức quy hoạch, sản xuất, phối hợp với những nhiệm vụ thị trường và vượt qua các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật thì ta mới có thể phát triển bền vững.
Thời gian tới chúng tôi sẽ phát huy làm tốt trách nhiệm của mình, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm tốt hơn nữa.
Về tạm nhập tái xuất (TNTX), trên thực tế đây là một loại hình thương mại đã được Tổ chức thương mại thế giới thống nhất với các thành viên của mình và chúng ta trong cam kết cũng phải thực hiện quy chế này.
TNTX tại biên giới Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như thủy sản, thực phẩm, thịt lợn. Thịt lợn chủ yếu là nội tạng còn thịt lại chiếm tỷ trọng nhỏ ko đáng kể. Thực tế, TNTX không phải tiêu thụ trên thị trường nội địa mà chúng ta cho mượn đường biên cửa khẩu để tạm nhập vào Việt Nam và tái xuất sáng Trung Quốc.
Thời gian qua chúng tôi đã rà soát đánh giá lại và thấy rằng, kim ngạch XNK thịt lợn và nội tạng chưa tới 1% kim ngạch XNK mặt hàng này, do đó không ảnh hưởng đến kim ngạch tiêu thụ XK sang Trung Quốc.
Vì chúng ta chưa hoàn tất thủ tục mở XK chính ngạch sang Trung Quốc nên hơn 300 nghìn tấn lợn hơi XK năm 2016 là tiểu ngạch, nên không bền vững. Vì thế phải tiếp tục hoàn tất mở cửa thị trường tổ chức tái cơ cấu lại nông nghiệp đặc biệt là chăn nuôi lợn thì mới phát triển bền vững được.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương biên giới ưu tiên XK cho các mặt hàng XK chúng ta sản xuất được, kể cả theo phương án TNTX, chỉ đc thực hiện tại các cửa khẩu quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc và không ưu tiên các mặt hàng mới mà các mặt hàng chúng ta sản xuất được.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Liên kết 5 nhà để phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp Cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng được yêu cầu giải trình thêm. Nói về vấn đề tiêu thụ nông sản - vấn đề cốt lõi trong phát triển nông nghiệp, và tình trạng được mùa rớt giá gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, ông nói: "Tôi rất chia sẻ với bà con nông dân, ví dụ như tình trạng giá thịt lợn rớt trong thời gian qua". Theo Phó thủ tướng, nguyên nhân của việc ngành nông nghiệp thời gian qua sức cạnh tranh còn thấp là chất lượng quy hoạch, sản xuất không gắn với nhu cầu của thị trường. Các sản phẩm lớn như cà phê, hồ tiêu đều vượt nhu cầu thị trường rất lớn. "Quy hoạch không đúng thực tế, không phù hợp với thị trường, nhưng điều chỉnh quy hoạch lại chậm, không kịp thời. Đã thế tình trạng đầu tư vượt quy hoạch, ngoài quy hoạch diễn ra khá phổ biến, ví dụ như cây cao su vượt quy hoạch hàng chục ngàn ha", Phó thủ tướng nói. Phó thủ tướng nhấn mạnh các giải pháp cả về hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn về tiếp cận nguồn lực,... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm sức cạnh tranh; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường; rà soát điều chỉnh lại các quy hoạch, kế hoạch để phát huy tiềm năng lợi thế của quốc gia, vùng, địa phương; gắn quy hoạch với nhu cầu diễn biến của thị trường. "Cuối cùng cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu mới trong tái cơ cấu sản xuất, định hướng nền nông nghiệp công nghệ cao". Phó Thủ tướng nêu một số giải pháp cụ thể, như hình thành sản phẩm đặc trưng gắn với thương hiệu; rà soát chiến lược quy hoạch với nhu cầu, diễn biến thị trường, trong đó coi trọng thị trường trong nước... Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết 5 nhà, đó là Nhà nước - nhà nông - doanh nghiệp - ngân hàng và nhà khoa học. |