THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:46

Giải "bài toán" cách ly

Tất nhiên, với nhiều người, việc phải cách ly tập trung là vấn đề "rắc rối lớn", bởi nó không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, công việc của người bị cách ly mà còn gây xáo trộn đời sống cả gia đình, ảnh hưởng tới nhiều người khác. Nhưng quy định thì phải thực hiện. Bởi thực tế cho thấy, trong đợt dịch này, không chỉ F1 mà đến cả F5 cũng có thể trở thành F0. Nếu không nghiêm túc thực hiện quy định thì không chỉ bản thân người nhiễm bệnh gặp nguy hiểm mà còn có thể gây tác hại rất lớn cho cộng đồng.

Giải "bài toán" cách ly - Ảnh 1.

Giải "bài toán" cách ly

Số lượng ca nhiễm và F1 trong đợt dịch thứ 4 này tăng rất nhanh so với các lần trước. Cơ quan chức năng cho biết, Việt Nam đã vượt mốc 9.000 ca bệnh (tổng cộng 7.573 ca ghi nhận trong nước và 1.585 ca nhập cảnh, tính đến 18 giờ ngày 8/6), sắp sửa chạm kịch bản 10.000 ca bệnh mà Bộ Y tế xây dựng. Tính đến sáng 7/6, số liệu của Bộ Y tế cho biết, số người cách ly (người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe) là 183.923 người, trong đó 2.895 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 32.406 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 148.622 người cách ly tại nhà hay nơi lưu trú.

Thời gian cách ly tập trung đã được tăng lên 21 ngày thay vì 14 ngày, sau đó phải giám sát tại nhà thêm 7 ngày. Số lần lấy mẫu khi cách ly tập trung cũng đã tăng lên 3, thậm chí 6 lần (như Hà Nội).

Mặc dù tình hình dịch bệnh đang ngày càng được kiểm soát tốt hơn, dự báo thời gian tới, số người phải cách ly tập trung vẫn sẽ tăng, thậm chí còn có thể tăng mạnh. Nhiều cơ sở lưu trú, khách sạn đã được sử dụng để cách ly, bên cạnh việc các địa phương trọng điểm dịch không ngừng đầu tư xây dựng những khu cách ly mới. Nhưng chừng đó có lẽ cũng khó lòng đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Vì thế, phương án cách ly F1 tại nhà đã được tính tới trên cơ sở phân loại nguy cơ, bởi sự quá tải của các khu cách ly tập trung đang khiến ý nghĩa của việc cách ly bị đảo lộn (nguy cơ F1 thành F0 tại khu cách ly tăng lên quá cao).

Việc đưa các F1 đi cách ly có mục đích làm giảm độ rủi ro lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Theo một số chuyên gia, phương châm chống dịch như vậy là hiệu quả trong thời gian đầu, khi các ca bệnh còn ít, năng lực cách ly của các tỉnh còn đủ, bệnh viện còn chưa quá tải, công sức của lực lượng hậu cần còn đủ. Tuy nhiên đến nay, dịch bệnh đã khác so với trước, số lượng F1 quá nhiều, nếu trưng dụng trường học, khu ký túc xá, khách sạn không đủ tiêu chuẩn; lực lượng quản lý tại khu cách ly không thực hiện, tuân thủ theo đúng quy định sẽ gây ra rủi ro lây chéo rất cao.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo, Bắc Ninh và Bắc Giang "mạnh dạn thí điểm quy mô nhỏ, đúc rút kinh nghiệm mở rộng" việc cách ly y tế F1 tại nhà. Sau đó, Bộ Y tế đã có hướng dẫn 2 tỉnh cách ly y tế công nhân là F1 ngay tại khu trọ. Những khu này được coi là khu cách ly, có camera giám sát.

Tuy nhiên, việc mở rộng cách ly F1 tại nhà đòi hỏi các cá nhân phải thực sự tự giác phòng dịch cho mình, gia đình, tự chịu trách nhiệm để cùng chung tay với Chính phủ hạn chế phong tỏa xã hội thì công tác phòng chống dịch mới thực sự đạt hiệu quả.

KHÁNH NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh