THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:52

Giác hơi để chữa bệnh, nên hay không?

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Đức Giang được Giadinhmoi.vn cho biết, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện mới tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Th. (sinh năm 1967) bị nhiễm trùng có dịch mùi hôi lẫn máu, mủ, bị hoại tử da, viêm tấy lan tỏa vùng lưng, có nhiều giả mạc.

Giác hơi để chữa bệnh, nên hay không? - Ảnh 1.

Vùng da của người phụ nữ bị nhiễm trùng, hoại tử nặng nề - Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bà Th. chia sẻ: "Tôi có tiền sử bệnh đái tháo đường tuýp 2 và tăng huyết áp, đang điều trị tại bệnh viện khác. Trước tôi bị đau mỏi vai gáy, nghe mọi người mách đi giác hơi sẽ hết nên đã đi 2 lần: lần 1 bị phồng rộp và lần 2 bị loét dần".

Nghe theo lời mách, bà đã tự mua thuốc kháng sinh về uống một tuần nhưng không khỏi nên đến viện khám. Tại phòng khám Thẩm mỹ đã được các bác sĩ thăm khám và có chỉ đinh nhập viện phẫu thuật cắt lọc da căng cơ.

Trả lời trên Giadinhmoi.vn, bác sĩ Đồng Thanh Thiện, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ cho biết: "Với trường hợp này chúng tôi phải cắt lọc da vùng tổ chức hoại tử, mủn nát, tháo hút sạch dịch mủ kết hợp điều trị kháng sinh chống viêm, thay băng hàng ngày.

Bệnh nhân cần hạn chế đi lại tránh nhiễm trùng, phối hợp điều trị cùng bác sĩ. Nên ăn theo chế độ dinh dưỡng tại bệnh viện, kiêng đồ nếp, thịt gà tránh sưng tấy".

Qua trường hợp này, bác sĩ Đồng Thanh Thiện cũng đưa ra lời khuyên, khi đã bị như vậy bệnh nhân không nên tự ý điều trị tại nhà, nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám chữa kịp thời.

Nếu không hậu quả sẽ là nhiễm trùng rộng, sâu hơn, chảy nhiều mủ làm hoại tử tổ chức da cân cơ, có thể gây viêm nhiễm tới những tổ chức sâu hơn (màng xương, xương) gây hoại tử xương thậm chí phải cắt 1 phần xương. Để quá lâu không được điều trị triệt để có thể gây nhiễm khuẩn huyết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Liên quan đến việc giác hơi, Suckhoedoisong.vn cho biết, một số biến chứng của giác hơi như: Giác hơi có thể gây ra tác dụng phụ như đổi màu da dai dẳng, sẹo, bỏng và nhiễm trùng, và có thể làm nặng thêm bệnh chàm hoặc bệnh vẩy nến.

Các trường hợp hiếm gặp về tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo, chẳng hạn như chảy máu bên trong hộp sọ (sau khi giác hơi trên da đầu) và thiếu máu do mất máu (giác hơi có chích lễ).

Thiết bị giác hơi có thể bị nhiễm máu, sử dụng cùng một ống giác hơi trên nhiều người, mà không khử trùng giữa các bệnh nhân, có thể lây lan các bệnh lây truyền qua đường máu như viêm gan B và C.

Vị trí trên cơ thể nên và không nên giác hơi: Liệu pháp giác chỉ nên thực hiện ở những vị trí có cơ bắp đầy đặn và lớp mỡ dưới da vừa phải. Không giác ở nơi có mạch máu nông, vùng tim đập, vùng da quá non và có sẹo, vùng mắt, mũi, môi, đầu vú, vùng da nhão có nhiều nếp nhăn.

Chỗ giác lần trước nếu vẫn còn dấu vết không giác lại nơi đó nữa. Vùng thắt lưng cùng, vùng bụng dưới và vùng vú của thai phụ, vùng da mất tính đàn hồi...

HÒA THANH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh