THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:42

Gia tăng tình trạng ly hôn trong giới trẻ

Trăm ngàn lý do…

Anh Nguyễn Ngọc V (sinh năm 1990) và chị Hoàng Thị T (1992) ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) làm đám cưới linh đình vào năm 2014 trong sự chúc phúc của hai bên họ hàng. Trước đó, cặp đôi này đã có thời gian “thề non, hẹn biển” tới 3 năm. Nhưng rồi, chưa đầy 2 năm kể từ khi kết hôn, họ đã nộp đơn ly hôn ra tòa. Nguyên do là sau khi có con, anh bỏ mặc một mình vợ lo toan công việc gia đình.   Chiều nào hết giờ làm anh cũng ở lại ơ quan đánh cầu lông, sau đó thì tụ tập bạn bè bia rượu, đến đêm mới về nhà. Bức xúc trước thái độ vô trách nhiệm của chồng, chị T lên tiếng trách móc, lời qua tiếng lại khiến anh V không kiềm chế được và đã tát vợ. Không cam chịu người chồng vừa bê tha, vừa cục cằn, chị T quyết định nộp đơn ly hôn lên tòa án, tìm đường giải thoát cho mình.

Không có thời gian tìm hiểu về nhau nhiều như vợ chồng Anh V, chị Trần Thị D và anh Nguyễn Hữu H lại đến với nhau thông qua mai mối của bạn bè, họ tiến tới hôn nhân chỉ sau thời gian ngắn tìm hiểu. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ tưởng viên mãn khi họ sinh liền hai đứa con xinh xắn, “đủ nếp, đủ tẻ”, chăm ngoan học giỏi. Thế nhưng, kể từ khi chị D dính vào lô, đề thì mọi của cải hai vợ chồng làm ra đều bị nướng vào trò chơi đỏ đen này. Sự việc bại lộ khi các đối tượng xã hội đến nhà “dằn mặt” chị D và siết tài sản. Hậu quả, cặp đôi này đã “đường ai nấy đi” sau 3 năm “gối ấp, vai kề”.

Con trẻ chịu tổn thương nhiều nhất khi cha, mẹ ly hôn. (Ảnh minh hoạ).

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu gia đình và giới, cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, tỉ lệ 30%, tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì có 3 cặp ly hôn. Xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn. Điều đáng nói, 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ, Vợ hoặc chồng trong độ tuổi từ 18-30; trong đó có 60% ly hôn sau khi kết hôn từ 1-5 năm, nhiều trường hợp chỉ mới cưới nhau được vài tháng... Nghiên cứu cho thấy, mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu (27,7%) dẫn đến ly hôn. Các yếu tố tiếp theo là ngoại tình (25,9%), kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%), sức khỏe (2,2%), xa nhau lâu ngày  là 1,3%.

… Để lại vết lòng cho con trẻ

Hôn nhân tan vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến gia đình, người thân mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Sau những cuộc hôn nhân không thành là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha hoặc mẹ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm và các tệ nạn xã hội ngày một gia tăng.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, trên 70% gia đình trẻ tan vỡ khi đã có con khiến cho mỗi năm có tới 50.000 trẻ em chịu cảnh thiếu cha hoặc mẹ; khoảng 30% trẻ em bỏ nhà đi bụi xuất phát từ những cuộc ly hôn. Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình bố mẹ chia tay nhau thường bị chấn thương tâm lý rất nặng. Phản ứng tức thời của đứa trẻ đối với việc ly dị của cha mẹ là hoảng sợ, cảm thấy không phải cha mẹ từ bỏ nhau mà là từ bỏ con cái. Mức độ phản ứng này phụ thuộc vào việc đứa trẻ sống trong một gia đình như thế nào. Trước khi ly dị, đứa trẻ càng được yêu thương và chăm sóc đầy đủ bao nhiêu, thì khi cha mẹ ly dị, các con càng cảm thấy bị tổn thương, hoảng sợ bấy nhiêu. Trẻ con trong gia đình có bố mẹ ly hôn không phân biệt nổi ai đúng, ai sai nên thường mất cân bằng cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc Trung tâm tư vấn FDC, chia sẻ: Tình yêu trước hôn nhân như buổi bình minh của ngày mới, với tất cả sự rạng rỡ, tràn trề sức sống, trong khi tình yêu trong hôn nhân lại có “buổi trưa, buổi chiều” với sự chói lòa, gay gắt, mệt mỏi. Khi yêu nhau người ta nhìn đời bằng cặp kính màu hồng, khi đã trở thành vợ chồng thì ai nấy đều "trở về" với con người thật của mình, lộ diện đầy đủ cả tốt và xấu. Không biết chấp nhận cái xấu, khó chịu với những khác biệt giữa hai người, ly hôn đương nhiên là điều khó tránh.

Để giảm bớt tình trạng ly hôn trong giới trẻ, các nhà xã hội học cho rằng, việc mở các lớp học về tiền hôn nhân để trang bị cho giới trẻ những kiến thức về sức khỏe tình dục, tâm sinh lý vợ chồng, giao tiếp ứng xử trong gia đình, kỹ năng nuôi dạy con, xử lý những khác biệt về người bạn đời... là hết sức cần thiết. Đồng thời, nhắc nhở giới trẻ trước khi quyết định tiến tới hôn nhân cần tìm hiểu kỹ, suy nghĩ về một gia đình thật sự, chứ không nên mơ mộng rằng cuộc sống hôn nhân toàn màu hồng để rồi nhanh chóng hụt hẫng, "vỡ mộng".

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh