THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:16

Gia nhập AEC: Cơ hội và thách thức của các kế toán viên Việt

Nỗi lo giữ thị phần trên sân nhà

Nhấn mạnh thông tin, hàng chục năm trước thị trường kế toán Việt Nam đã có sự xuất hiện của các DN lớn trên thế giới và có sự cạnh tranh, ông Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán (Bộ tài chính) cho rằng, khi Việt Nam gia nhập WTO, tham gia AEC (ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do tiêu biểu là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP), đây là cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ kế toán nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, nhưng cũng là thách thức để các DN trong nước khẳng định vị thế nắm giữ khách hàng. Đó cũng là lý do mà chuyên gia tư vấn ngân hàng Thế giới (WB) Hoàng Đức Hùng đã thẳng thắn chỉ ra: “Đội ngũ kế toán Việt Nam sẽ vấp phải cạnh tranh cao ngay trên sân nhà, vì khả năng ngoại ngữ, kiến thức chuyên ngành chuyên sâu, phương thức làm việc chuyên nghiệp... còn chưa ngang bằng với các nước”. Đứng ở góc độ người trong nghề, Chủ tịch Hội Kế toán - Kiểm toán Việt Nam, PGS, TS Đặng Văn Thanh cho biết: “Tại nhiều quốc gia trong khu vực như: Indonesia, Philippines có hơn nửa số kế toán viên hành nghề ở nước ngoài. Họ được đào tạo bài bản về chuyên môn và hòa nhập nhanh vào kiến thức văn hóa, phong tục tập quán của các nước khác. Vấn đề đặt ra là cần có chiến lược đào tạo phù hợp với Việt Nam và thông lệ quốc tế. Quá trình đào tạo ấy không chỉ diễn ra trong nhà trường mà phải liên tục sau khi làm nghề”.

Hiện Việt Nam đã có hệ thống hành lang pháp lý khá đầy đủ về lĩnh vực kế toán như: Luật Kế toán (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Về hệ thống chuẩn mực kế toán đã bao quát đầy đủ hệ thống DN, kế toán độc lập và kế toán công. Theo đánh giá của ông Hoàng Đức Hùng, một trong những quy định thể hiện những tiến bộ theo chuẩn quốc tế của Luật Kế toán (sửa đổi) và sẽ thực thi từ năm 2017, đó là quy định về chứng từ điện tử. Trên thế giới, chứng từ điện tử đã được áp dụng trong ngành kế toán từ lâu vì tính thuận tiện trong việc lưu trữ, chuyển phát và tra cứu.

Chứng chỉ quy chuẩn quốc tế quá mỏng

Thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là thực hiện những cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ kế toán và kiểm toán. Thế nhưng có một thực tế là đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên có chứng chỉ theo đúng nghĩa và quy chuẩn quốc tế còn quá mỏng về số lượng và chất lượng. Ông Đặng Văn Thanh cho biết: “Số kế toán viên, kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề chỉ chiếm khoảng 2% tổng số kế toán viên, kiểm toán viên hiện có của các nước ASEAN (4.000/196.000). Rõ ràng đây là điểm yếu về nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán”. Ông Thanh cũng cho biết thêm, chương trình đào tạo kế toán viên và kiểm toán viên có chứng chỉ chưa được xây dựng, chưa được chuẩn hóa. Chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ nghề nghiệp chưa được xác lập và thừa nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Đây là những thách thức lớn khi Việt Nam mở cửa cho phép các kế toán viên, kiểm toán viên người nước ngoài vào hành nghề. Còn đối với kế toán viên, kiểm toán viên Việt Nam có đủ năng lực và được thừa nhận để hành nghề ở nước ngoài hay không đang còn là câu hỏi chưa có lời đáp. Ông Thanh nhấn mạnh: “Do đó đòi hỏi Việt Nam phải chuẩn bị rất tích cực, rất khẩn trương không chỉ về nhận thức, không chỉ tạo lập các khuôn khổ pháp lý mà trực tiếp là tạo dựng môi trường, xây dựng đội ngũ các DN cung cấp dịch vụ, đội ngũ kế toán, kiểm toán viên hành nghề... để có thể trước hết là thành công tại Việt Nam và sau đó là thị trường khu vực”.

THANH NHUNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh