THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:49

Gia Lai: Tập trung phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết

 - Ảnh 1Phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống SXH 

Thời gian gần đây, tình hình thời tiết biến đổi thất thường, thêm vào đó, năm 2019, tỉnh Gia Lai rơi vào chu kỳ dịch từ 3 năm đến 5 năm. Theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu năm đến ngày 3-7-2019, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2.562 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (chưa có trường hợp tử vong). Bệnh xảy ra tại 128/222 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố. Số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tăng 5,6 lần so với cùng kỳ năm 2018. Một số địa phương có số ca mắc cao như TP. Pleiku, huyện Kbang, huyện Chư Prông, huyện Krông Pa và thị xã An Khê.

 - Ảnh 2Người dân vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy

Theo ông Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai, 2 tháng trở lại đây, bệnh sốt xuất huyết (SXH) có chiều hướng bùng phát và gia tăng mạnh. Chỉ riêng trong tháng 6, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 1.000 ca mắc SXH. Đặc biệt, thời điểm này, SXH có chiều hướng gia tăng nhanh ở các huyện phía Đông của tỉnh. Ngoài Kbang thì các huyện Đak Pơ, Kông Chro, thị xã An Khê đang có số bệnh nhân mắc SXH tăng cao và nhanh. Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai cũng đã ghi nhận 506 ổ dịch SXH, cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý 415 ổ dịch với các biện pháp như vệ sinh môi trường và phun hóa chất. Hiện vẫn còn 91 ổ dịch, trong đó có 81 ổ dịch đang hoạt động vẫn chưa xử lý được. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai cũng đã cung cấp cho các Trung tâm Y tế huyện 806 lít hóa chất diệt muỗi, 206 kg hóa chất diệt ấu trùng muỗi, cấp 2 máy phun khói và 10 máy phun sương cho các đơn vị. Ngoài ra, trong quá trình xử lý dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai cũng điều động máy phun từ các Trung tâm Y tế ở các địa phương không có dịch đến điểm đang xảy ra dịch. Tuy nhiên, việc phun hóa chất diệt muỗi cũng chỉ là phần ngọn, mọi công sức, nỗ lực của ngành Y tế sẽ tiêu tan nếu các cấp, ngành, địa phương và người dân không chung tay triển khai các biện pháp ở phần gốc là vệ sinh môi trường, chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy. Bởi, kết quả điều tra véc-tơ trước và sau phun tại các ổ dịch cho thấy chỉ số BI (dụng cụ chứa lăng quăng, bọ gậy) tại hộ gia đình cao, vượt mức quy định của Bộ Y tế. "Qua đó thì thấy, ý thức trong việc vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình chưa được cải thiện; chưa phối hợp đồng bộ nhất là khi có dịch xảy ra. Tâm lý nhiều hộ dân khi có dịch xảy ra chỉ muốn phun hóa chất dẫn đến công tác phòng-chống SXH gặp nhiều khó khăn, dịch kéo dài", ông Gia cho hay.

 - Ảnh 3Các cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân mắc SXH

Khu vực Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa, do vậy nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết trong 6 tháng cuối năm 2019 có thể xảy ra. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tại công điện số 09, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo hệ thống Y tế tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại các cơ sở khám, chữa bệnh tại cộng đồng; khoanh vùng, xử lý triệt để không để bùng phát thành dịch; chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất; bố trí giường bệnh, đảm bảo nhân lực phù hợp để sẵn sàng phòng chống dịch; thu dung, cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới, đặc biệt là hỗ trợ trong công tác tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị gồm cả hệ thống y tế tư nhân tại tất cả các tuyến. Theo dõi, đôn đốc và chi viện về nhân lực và trang thiết bị, thuốc men cho các bệnh viện có nhiều bệnh nhân.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh