THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:29

Gia Lai: Nhiều hộ dân khốn khổ vì dự án đường bờ kè suối Hội Phú

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Hải (SN 1970, trú hẻm 03/4 Bà Triệu, tổ 1), quá trình thi công đường bờ kè suối Hội Phú, nhà bà ảnh hưởng dẫn đến bị hư hỏng. Khi mùa mưa đến thì nhà thường xuyên bị ngập nước nên không ở được do đó cả gia đình phải chuyển đến chỗ mẹ chồng tá túc tạm. Đến tháng 2-2020, bà Hải đã xin giấy phép xây dựng và nâng nền căn nhà số 03/4 lên. Tuy nhiên, dù cho ngôi nhà mới hoàn thành của bà Hải được nâng nền lên khoảng 1m nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nước ngập lênh láng mỗi khi mưa về. Theo bà Hải, trước khi đường bờ kè được xây dựng thì khu vực này cũng có tình trạng nước ngập đường, tràn vào nhà dân nhưng chỉ trong một thời gian ngắn là rút xuống suối Hội Phú. Tuy nhiên, giờ đây, cứ hễ trời đổ mưa, không cần biết nhỏ hay to là y như rằng con hẻm 03 trở thành suối, còn mưa lớn như mấy ngày đầu tháng 8-2020 thì nó thậm chí giống như cái thác.
"Lúc đó, nhà một số hộ dân sống trên mặt đường Bà Triệu và toàn bộ hẻm 03 đều bị nước tràn vào. Nhà tôi dù đã nâng nền lên cả thước nhưng nước vẫn ngập đến đầu gối người lớn. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền và các cơ quan chức năng nhưng chẳng thấy ai quan tâm", bà Hải bức xúc.

Gia Lai: Nhiều hộ dân khốn khổ vì dự án đường bờ kè suối Hội Phú - Ảnh 1.

Ảnh mỗi khi mưa đến, hàng hóa nhà anh Vũ thường hư hỏng gỉ sét do bị ngập trong nước

Chung hoàn cảnh là tình trạng của gia đình anh Trần Anh Dũng (SN 1978, trú nhà số 03/2 Bà Triệu). Từ khi đường bờ kè được xây, nhà anh Dũng cũng thường xuyên bị ngập vào mùa mưa, dẫn đến bị hư hỏng nên không ở được. Cuối năm 2018, quá bức xúc về chỗ ở, gia đình anh Dũng đã vay tiền xây lại căn nhà. Theo anh Dũng, trước đây, khi đường bờ kè chưa được xây, dù trời mưa to gió lớn cỡ nào thì nước cũng nhanh chóng rút nhanh xuống suối Hội Phú.
Giờ đây, hễ nghe rằng trời sắp có mưa là hầu như gia đình nào cũng mất ăn mất ngủ. Bởi, khu vực hẻm số 03 nằm ở vùng trũng nhất, lại sát suối Hội Phú nên cứ mưa là nước ở nhiều nơi do không có chỗ thoát đã đổ dồn về đây, gây ngập đường rồi tràn vào nhà dân. Chưa hết, khi nước rút đi được vài tiếng đồng hồ thì người dân lại tiếp tục khốn khổ bởi tình trạng nước từ suối Hội Phú dâng ngược vào, cuốn theo rất nhiều nước bẩn, rác thải, hôi thối vô cùng.

 "Mỗi khi nghe đài dự báo có mưa là y như rằng cả xóm đều chuẩn bị tinh thần chống ngập, vừa xử lý xong nước mưa thì lại tiếp tục chống nước bẩn từ suối Hội Phú trào ngược vào và nước từ cống rảnh, nhà vệ sinh xì lên. Nhiều hôm, cả xóm phải thức thâu đêm để chống ngập nên hôm sau ai cũng mệt mỏi do đó chẳng làm được việc gì cả, đó là chưa kể gặp những trận mưa lớn kéo dài nhiều ngày liền thì còn khốn khổ hơn", anh Dũng kể về cảnh khổ của dân.

Cũng nâng nền lên để chống ngập, hàng xóm đối diện nhà anh Dũng là anh Trần Thanh Vũ (SN 1970) cũng không thoát khỏi cảnh bị "thủy tinh" làm phiền. Mở cho chúng tôi xem các video clip quay lúc cơn mưa chiều ngày 2-8-2020, anh Vũ bức xúc nói rằng, cứ hễ trời mưa là cả xóm đều khốn khổ vì ngập. Để chống ngập, gia đình anh Vũ cực chẳng đã phải xây 1 cái hố sâu trong nhà, cứ hễ mưa ngập thì nước dồn vào hố để tiện cho việc bơm ra ngoài nhưng cũng chẳng ăn thua. "Nhà tôi buôn bán phụ tùng xe máy nên ngoài chuyện mất ăn mất ngủ mỗi khi mưa về thì còn bị tổn thất kinh tế rất nặng vì hàng hóa bị ngập, dẫn đến gỉ sét, hư hỏng. Giờ mới chỉ là cơn bão số 2, trong khi còn nhiều cơn bão nữa, chẳng biết đến lúc nào chính quyền mới chịu quan tâm để dân bớt khổ đây", anh Vũ cho hay.

Chúng tôi đã tận mục sở thị thì thấy phản ánh của dân hoàn toàn chính xác. Căn nhà số 03/2 Bà Triệu của anh Dũng dù đã được nâng nền lên hơn 1m nhưng vết nước ngập vẫn còn hằn rõ trên tường vôi, cao hơn đầu gối người lớn. Chỉ vào các tấm dal thoát nước trên đường, anh Dũng nói rằng, cứ sau các cơn mưa, nước từ suối Hội Phú trào ngược lại quá nhanh và mạnh khiến các tấm dal chịu không thấu, vỡ toát ra, bà con ở đây đã góp tiền làm lại không biết bao nhiêu lần nhưng rồi cũng chẳng ăn thua.

 Giải thích về vấn đề này, người dân ở đây cho rằng, khi đường bờ kè suối Hội Phú được xây dựng, các cống thoát được thiết kế quá nhỏ nên đã không thể kham nổi lượng nước quá lớn từ nhiều nơi đổ về. Và Hội Phú chỉ là con suối nhỏ, trong khi hầu như nước thải của cả TP. Pleiku đều đổ dồn vào đây do đó khi gặp trời mưa, nó bị quá tải nên mới xảy ra tình trạng trào ngược lại lên đường. Người dân cho rằng đã nhiều lần phản ánh tình trạng trên lên phường thì được cán bộ chỉ qua Trung tâm phát triển quỹ đất, đến Trung tâm phát triển quỹ đất thì cán bộ ở đây nói khi nào ngập thì gọi cho họ để họ xuống nắm bắt tình hình.

 "Điều oái ăm ở chỗ là những lúc nước ngập lênh láng hầu như là sau giờ hành chính hoặc đêm khuya, lúc đó gọi thì cán bộ chẳng chịu xuống xem hiện trường, thậm chí họ còn không thèm bắt máy", người dân đồng thanh kể.

Gia Lai: Nhiều hộ dân khốn khổ vì dự án đường bờ kè suối Hội Phú - Ảnh 2.

Ảnh mực nước dâng lên cao hơn đầu gối người lớn

Cũng liên quan đến vấn đề ngập nước, người dân ở đây còn bức xúc khi kể rằng, đầu năm 2020, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền ngập úng cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng trong quá trình xây dựng đường bờ kè suối Hội Phú. Hàng chục hộ xung quanh khu vực này đã được nhận số tiền trên, trong đó có cả những hộ nằm trên mặt đường Bà Triệu, nơi ít bị ảnh hưởng hơn ở con hẻm số 03.
Theo bà Nguyễn Thị Hải, khoảng tháng 2-2020, hàng chục hộ dân ở đây nhận được nhận tiền hỗ trợ ngập, úng của Nhà nước. Cảm thấy vô lý vì nhà mình là một trong những hộ bị ảnh hưởng nhiều nhất, lại nằm gần khu vực thi công công trình nên bà đã làm đơn xin được hỗ trợ. Sau đó, vào ngày 26-6-2020, gia đình bà Hải được Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Pleiku thông báo là nhà bà vì đã đập phá xây dựng lại nên bị mất hiện trạng, do đó không có cơ sở để đền bù(?). Theo bà Hải, vì nhà cũ ở không được nên bà mới quyết định xây lại nhà và nâng nền lên.

 Điều vô lý là những hộ ở trên mặt đường Bà Triệu, nơi ít bị ngập úng hơn nhưng vẫn được nhận tiền hỗ trợ chống ngập úng. Còn gia đình bà sống ở vùng tâm ngập và dù căn nhà mới đã được nâng nền lên cả thước nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh ngập ngụa thì lại không nhận được đồng hỗ trợ nào cả là điều quá vô lý. "Khi hay tin kể cả những hộ nằm ở khu vực ít bị ảnh hưởng vẫn được hỗ trợ tiền ngập úng, chúng tôi hết sức bất ngờ khi người dân sống tại vùng tâm ngập lại không được nhận hỗ trợ. Dù nhà của chúng tôi đã được xây mới, nâng cao nền song nào có thoát khỏi cảnh ngập úng, thế mà nhà chức trách lại viện ra 1 lý do 'trời ơi đất hỡi' để từ chối hỗ trợ là điều quá vô lý", người dân đồng loạt phản ánh.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku xác nhận rằng ông đã nhận được phản ánh của dân và cũng đã đích thân đến hiện trường nắm tình hình khi địa bàn vừa xảy ra cơn mưa lớn vào đầu tháng tám, có chụp hình cảnh khổ của người dân. Ông Chủ tịch TP. Pleiku khẳng định là sẽ sớm giải quyết những bức xúc của người dân ở khu vực trên.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh