THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:46

Gia Lai: Nhà máy cấp nước bẩn cho các hộ dân

Theo trình bày của anh Vũ Xuân Nam thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa, tỉnh Giai Lai, nguồn nước từ Trạm nước sinh hoạt huyện Krông Pa bị ô nhiễm từ giữa năm 2017. Để khắc phục, anh Nam phải làm nhiều bể lọc nước, chờ lắng hết cáu bẩn mới dám dùng để giặt quần áo. Nếu lấy nước này để tắm thì nổi mụn, ngứa cả đêm. Để nấu cơm anh phải mua nước đóng bình sẵn. Mỗi bình 40 nghìn đồng. “Gia đình tôi phải lấy vải màn lọc nhiều lần mới hết những mảng bầy nhầy màu vàng trong nước để giặt quần áo. Trong khi vẫn đóng 6 nghìn đồng cho mỗi mét khối nước bẩn này, mỗi tháng tôi còn phải tốn thêm hàng triệu đồng mua nước đóng chai, đóng bình để sử dụng” - Chị Nguyễn Thị Hiền, xã Phú Cần, huyện Krông Pa bức xúc nói.

Nước chưa qua xử lý nhìn bằng mắt thường

Thống kê từ ông Phạm Quốc Phong - Trưởng Trạm nước sinh hoạt huyện Krông Pa cho biết, có 3.800 hộ dân tại 3 điểm dân cư thị trấn Phú Túc, xã Phú Cần, thôn Kiến Xương, xã Chư Gu đang sử dụng nguồn nước từ nhà máy. Còn theo báo cáo từ Trạm nước sinh hoạt huyện, tháng 6/2018, lượng sắt và mangan trong nước là 1,17mg/l, cao gấp 5 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Ông Phong lý giải, tình trạng nêu trên chỉ xảy ra từ tháng 5-10 hàng năm, là thời kỳ chuyển giao giữa mùa khô và mùa mưa, hàm lượng khoáng chất như sắt, mangan… cùng các vi chất trong nước đầu nguồn tăng đột biến. Trong khi công nghệ xử lý nước hiện tại của trạm không khử được sắt và man gan trong nước. Vì vậy xảy ra hiện tượng kết tủa (cặn bẩn). Trạm đã áp dụng nhiều biện pháp để cố gắng khắc phục sự cố, đồng thời mời các chuyên gia, nhà tư vấn, nhưng vẫn chưa khắc phục được.

Theo quan sát của PV tại Trạm nước sinh hoạt huyện Krông Pa, nước nguồn chưa qua xử lý rất trong, không có cáu bẩn đóng váng màu vàng. Còn nước đã qua xử lý để cấp cho dân thì lại nhiều cáu bẩn, mảng váng bầy nhầy. Hỏi vì sao lại có tình trạng này, ông Phong than “Thế mới là đau đầu!”.

 Nước máy Trạm nước sinh hoạt huyện Krông Pa 

Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Tô Văn Chánh cho biết đã yêu cầu trạm nước sinh hoạt huyện phối hợp với đơn vị tư vấn Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và môi trường Dân Nam quận Thủ Đức, Tp. HCM đẩy nhanh tiến độ đưa ra các giải pháp để xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Trạm nước sinh hoạt huyện có trách nhiệm hàng tháng, hàng tuần thông tin về chất lượng nguồn nước theo kết quả kiểm nghiệm và khuyến cáo người dân sử dụng nước an toàn trên các thông tin đại chúng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về chất lượng nước và tình trạng hoạt động của máy móc thiết bị; thường xuyên súc rửa hệ thống ống theo định kỳ.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh