THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:28

Gia Lai: Liên tiếp phát hiện kho chứa hàng không rõ nguồn gốc

Đội Quản lý thị trường số 12 phối hợp với Phòng PC03 Công an tỉnh Gia Lai kiểm tra đột xuất kho hàng tại địa chỉ thôn 4, xã Biển Hồ (TP. Pleiku), tỉnh Gia Lai do bà Nguyễn Thị Đào làm chủ. Qua kiểm đếm trong kho chứa, Đoàn phát hiện 3.558 sản phẩm đồ chơi trẻ em gồm 770 súng đồ chơi, kiếm nhựa 1.108 cái, 1.260 cái cung tên, 120 cái bút laser, 300 xe đồ chơi xuất xứ Trung Quốc, không có hóa đơn chứng từ, trên sản phẩm không có tem hợp quy.

Gia Lai: Liên tiếp phát hiện kho chứa hàng không rõ nguồn gốc - Ảnh 1.

Ảnh cơ quan chức năng kiểm tra các kho hàng đồ chơi không nguồn gốc xuất xứ

Tiếp đó, Đoàn đến kho hàng thứ hai cũng ở địa phương này do bà Trần Thị Hồng làm chủ. Qua kiểm đếm trong kho chứa, nhà chức trách phát hiện 3.576 sản phẩm đồ chơi trẻ em gồm: 3.036 súng đồ chơi, 540 khủng long đồ chơi xuất xứ Trung Quốc, không có hóa đơn chứng từ, trên sản phẩm không có tem hợp quy.

Trước đó UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 70 triệu đồng đối với cửa hàng kinh doanh điện thoại di động ALO vì đã có hành vi bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Cơ quan chức năng đã theo dõi, nắm tình hình và tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh điện thoại đi động ALO tại địa chỉ 69 Hai Bà Trưng (phường Diên Hồng TP. Pleiku) thì phát hiện ở đây đang bày bán 1.048 cái phụ kiện điện thoại gồm cóc sạc, vỏ máy điện thoại và kính ốp lưng điện thoại, trên hàng hóa có gắn nhãn chữ "Apple" trùng hoàn toàn với nhãn hiệu Apple đang được bảo hộ tại Việt Nam và 1.315 cái phụ kiện điện thoại các loại gồm tai nghe, cóc sạc, pin dự phòng và vỏ máy điện thoại, trên hàng hóa có gắn nhãn chữ "SamSung" trùng hoàn toàn với nhãn hiệu SamSung đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Gia Lai: Liên tiếp phát hiện kho chứa hàng không rõ nguồn gốc - Ảnh 2.

Ảnh cơ quan chức năng kiểm tra các kho hàng đồ chơi không nguồn gốc xuất xứ

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam để tiến hành xác minh làm rõ. Qua làm việc với Đại diện chủ thể quyền của nhãn hiệu Apple và Sumsung tại Việt Nam, so sánh phân tích, đối chiếu với hàng hóa đang tạm giữ, Đội Quản lý thị trường số 12 kết luận, toàn bộ 2.363 cái linh kiện điện thoại nêu trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Apple và Samsung, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 91,249 triệu đồng.

Gia Lai: Liên tiếp phát hiện kho chứa hàng không rõ nguồn gốc - Ảnh 3.

Ảnh hàng hóa giả nhãn hiệu SamSung

Ngoài xử phạt số tiền như đã nêu, UBND tỉnh còn quyết định tịch thu 2.363 cái linh kiện điện thoại giả mạo nhãn hiệu Apple và Samsung. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh làm rõ.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh