Gia Lai: Doanh nghiệp đầu tư tiền tỷ, dân ngoảnh mặt làm ngơ
- Y học 360
- 13:20 - 03/03/2020
Để có cái nhìn khách quan hơn chúng tôi đã đến khu vực nước nhiễm dầu thuộc phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku để gặp những người dân có kiến nghị về nước sạch tại đây. Tại hẻm 146 Âu Cơ tổ 5 phường Thắng Lợi, tuy đường ống nước sạch đã mắc dọc đường hẻm nhưng chỉ có vài ba gia đình đăng ký sử dụng nước sạch. Còn lại đa số người dân sử dụng nước giếng đào hoặc giếng khoan, bất chấp nguồn nước này không được kiểm nghiệm. Anh Nguyễn Minh Hà – trú tại tổ 5 phường Thắng Lợi cho biết, gia đình cũng thay thế nước giếng bằng nước sạch để đảm bảo sức khoẻ cho cả gia đình.
"Nước giếng trong, không màu, không mùi là dùng được" quan niệm của người dân là thế. Ông Nguyễn Xuân Hiển, Tổ trưởng tổ dân phố 5 (phường Thắng Lợi) cho biết: Khu vực này nguồn nước bị nhiễm dầu. Vì vậy, người dân phải xây bể lọc nước mới có thể dùng cho việc tưới cây, tắm giặt hàng ngày. Người dân phải mua nước bình về uống và nấu ăn. Cuối năm 2019, Công ty đã lắp đặt đường ống, sẵn sàng cung cấp nước cho trên 400 hộ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ chưa thống nhất được với nhà máy về giá lắp đặt vì chi phí không đồng đều (dao động trong khoảng 2 - 4 triệu đồng/hộ).
Chia sẻ của lãnh đạo công ty cổ phần cấp nước Sài Gòn - Pleiku là khi doanh nghiệp vào đầu tư nước sạch tại thành phố Pleiku đã tiến hành làm đường ống dẫn nước cấp 1, cấp 2 đến rất nhiều tuyến đường chính và đường hẻm trên địa bàn. Tuy nhiên người dân ký hợp đồng về sử dụng nước sạch rất ít.
Từ năm 2019 đến nay, dự án "Đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước TP. Pleiku" gói thầu số 1 và số 4 đã được thi công với tổng chiều dài 27.500m ống HDPE D63 trên địa bàn các phường: Thắng Lợi, Thống Nhất, Ia Kring, Phù Đổng, Hội Phú, Trà Bá, hẻm 293 Trần Phú. Tuy nhiên đa số các hộ dân vẫn quen sử dụng nước giếng nên việc sử dụng nước sạch thay thế cho các nguồn nước truyền thống khác gần như rất ít. Quan niệm của người dân, là nước giếng đào hay giếng khoan vẫn phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Bên cạnh đó, người dân vẫn tự do khai thác giếng khoan nhưng không có bất kỳ chế tài xử lý nào của các cấp chính quyền.
Trước thực trạng trên, ngày 18/2/2020, UBND tỉnh Gia Lai đã có cuộc họp với các công ty cấp nước trên địa bàn tỉnh ghi nhận: các doanh nghiệp hoạt động về nước sạch hết sức khó khăn do tỷ lệ người dân, cơ quan, đơn vị sử dụng nước sạch thấp, hầu hết các doanh nghiệp thua lỗ hàng chục tỷ đồng.
Để giúp các doanh nghiệp tồn tại được trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng đã chỉ đạo: Các địa phương cần nâng cao trách nhiệm để cùng doanh nghiệp cấp nước vận động các cơ quan, đơn vị, người dân sử dụng nước sạch, nhất là những đơn vị sử dụng ngân sách. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cấp nước chủ động phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh cả trước mắt và lâu dài; duy trì, mở rộng, đảm bảo nguồn cung cấp nước liên tục và đúng tiêu chuẩn chất lượng."