THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:32

Gia đình ở Hà Nội từng đón lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành tới thăm

 

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành (hàng đầu, bên trái) cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Việt - Triều hữu nghị tại Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội tháng 11/1964. Ảnh: dangcongsan.vn

 

Ngày 23/11/1964, khi cả gia đình ông Nguyễn Văn Hải đang ăn trưa thì bất ngờ bố ông đưa một đoàn khách về nhà. Trong đoàn khách có Kim Nhật Thành, lãnh đạo sáng lập Triều Tiên và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Căn nhà lá nhỏ, vách đất bỗng rộn ràng tiếng nói cười.

"Dù mới 7 tuổi và 55 năm đã qua, tôi vẫn nhớ như in về ngày hôm đó", ông Hải, ngồi trong phòng khách căn nhà khang trang được dựng lên trên khu đất của căn nhà lá xưa kia tại tổ dân phố Quán La, phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội nói.

Ngay phía trên ông, đối diện cửa chính là một bức tranh đá cỡ lớn được phóng tác từ bức ảnh chụp Kim Nhật Thành và Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hợp tác xã Việt - Triều hữu nghị vào hôm đó. Rìa bên phải, đứng cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nguyễn Văn Vương, bố của ông Hải trong bộ comple tối màu đi mượn của bộ đội đóng quân trong xã. Ông Vương, mất năm 2003, từng là bí thư đảng bộ của hợp tác xã Việt - Triều.

Chỉ vào thằng cháu nhỏ, ông Hải nói "tôi cũng chạy nhảy lung tung như nó khi biết nhà có Bác Hồ và Kim Nhật Thành tới thăm".

Ông kể cả nhà cất vội mâm cơm đơn sơ để chạy ra đón khách. Năm 1964, đất nước đang chiến tranh, phải dồn mọi nguồn lực cho công cuộc đánh đuổi giặc Mỹ ở miền nam, nên mọi thứ đều thiếu thốn. Gia đình không có gì để thiết đãi khách. Chuyến ghé thăm diễn ra chóng vánh và gia đình ông được Kim Nhật Thành tặng một chai rượu Triều Tiên cùng bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng lụa. Bức ảnh được gìn giữ nhiều năm nhưng sau đó đã bị hỏng trong khi chai rượu cũng bị thất lạc khi gia đình xây cất nhà mới.

Năm đó là lần thứ hai lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành đến thăm Việt Nam. Năm 1958, tám năm sau khi Triều Tiên là nước thứ ba thiết lập quan hệ với Việt Nam chỉ sau Trung Quốc và Liên Xô, Kim Nhật Thành đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên kéo dài một tuần tới Hà Nội. Vào những năm 1950 và 1960, Triều Tiên và Việt Nam có quan hệ thân thiết khi hai nước cùng cảnh chia cắt bắc nam, chung kẻ thù là Mỹ và nhận được sự hỗ trợ của Liên Xô, Trung Quốc. Hợp tác xã Việt - Triều hữu nghị được thành lập trong bối cảnh đó.

 

Ông Nguyễn Văn Hải ngước nhìn bức tranh đá phóng tác từ bức ảnh bố, ông Nguyễn Văn Vượng (comple tối màu) tiếp đón Kim Nhật Thành và Chu tịch Hồ Chí Minh được treo ở phòng khách.

 

"Hôm ấy, người dân trong xã không ai biết trước Chủ tịch Hồ Chí Minh và Kim Nhật Thành tới thăm", ông Nguyễn Văn Ngư, 77 tuổi, từng là đội viên đội khăn quàng đỏ, nhớ lại. Ông Kim Nhật Thành đã đi thăm cánh đồng, nhà trẻ, mẫu giáo ở xã. Người dân sau đó tập hợp ở sân đình làng, nghe ông Kim phát biểu, cam kết ủng hộ Việt Nam và thông báo tặng  hợp tác xã một chiếc ôtô tải 2,5 tấn, máy cày, máy kéo cùng máy bơm nước đa năng.

Sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, nhờ sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc, Triều Tiên phát triển nền kinh tế tập trung xã hội chủ nghĩa, đạt được một số thành tựu trong cơ sở hạ tầng, khai khoáng, công nghiệp nặng vào thập niên 1960 và 1970. Năm 1965, nhà kinh tế người Anh Joan Robinson từng miêu tả sự phát triển kinh tế của nước này là "thần kỳ". Cuối những năm 1970, GDP trên đầu người ước tính tương đương Hàn Quốc.

Trong chiến tranh Việt Nam, Triều Tiên từng điều hàng trăm phi công tiêm kích đến tham gia huấn luyện tại Việt Nam và cũng trực tiếp tham chiến. Ngoài viện trợ, Triều Tiên còn giúp đào tạo hàng trăm sinh viên Việt Nam.

"Ông Kim đã cho máy bơm chạy thử. Ai cũng vui mừng vì từ đó có thể bơm được một lượng nước lớn vào đồng để chống hạn hán", ông Ngư nói và cho rằng "hợp tác xã Việt - Triều là hợp tác xã đầu tiên ở miền Bắc có các thiết bị hiện đại nhờ sự giúp đỡ của Triều Tiên".

 

 

 

 

Để đáp lại tấm lòng của người Triều Tiên, "người dân xã đã dành một buồng chuối dài và một buồng dừa to, đều quả nhất tặng cho lãnh đạo Kim Nhật Thành", ông Ngư cho biết.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cháu nội của Kim Nhật Thành, dự kiến sẽ thăm chính thức Việt Nam và có cuộc hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào 27-28/2. Cuộc gặp được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt lớn cho bán đảo Triều Tiên về một khu vực phi hạt nhân, mở ra cơ hội để Triều Tiên mở cửa với thế giới, phát triển kinh tế xã hội mà Việt Nam được đánh giá có thể là một hình mẫu.

Ông Hải vui mừng khi quan hệ Việt - Triều hiện phát triển tốt đẹp, dù có giai đoạn thăng trầm.

"Còn cá nhân tôi, tôi mong có thể dựng được bức tượng Hồ Chí Minh và Kim Nhật Thành ở sân đình, nơi họ đã đứng nói chuyện với người dân 55 năm trước", ông Ngư chia sẻ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh