“Gia cố” hệ miễn dịch cá nhân giữa mùa dịch virus corona: Yến sào, nhụy hoa nghệ tây... có tác dụng gì trong tăng cường hệ miễn dịch?
- Y học 360
- 22:46 - 05/02/2020
LTS: Hệ miễn dịch có thể được xem như hệ thống quốc phòng của cơ thể để chống lại các tác nhân gây nguy hiểm xâm nhập từ bên ngoài. Người có sức đề kháng và chống bệnh tốt hơn sẽ khó mắc bệnh hơn, nếu không may mắc bệnh cũng sẽ biến chuyển nhẹ hơn và khả năng khỏi bệnh cao hơn, nhất là với các bệnh lý chưa có thuốc điều trị đặc hiệu như là bênh gây ra do virus trong đó có virus corona.
Vậy thì chúng ta có thể làm những gì để "gia cố" cho hệ miễn dịch, tuyến phòng vệ sát sườn nhất của cơ thể nhằm bảo vệ tốt nhất cho chính mình trong tình trạng dịch virus corona đang lan nhanh và chưa thể kiểm soát hết được như hiện nay?
Xin giới thiệu loạt bài viết hướng dẫn rất giá trị của TS.BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng ĐH Y Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh).
Bài 3: Yến sào, nhụy hoa nghệ tây (safron) và các thực phẩm đắt tiền "nghe người ta nói" có tác dụng gì trong tăng cường hệ miễn dịch?
Sau hai bài viết trước về chuyện ăn gì, uống ra sao để tăng cường miễn dịch, tôi nhận được khá nhiều những câu hỏi về các loại "thực phẩm giúp tăng cường miễn dịch" do… "người ta" hoặc "người kia" giới thiệu. Vì vậy, tôi dành bài này để trả lời chung các câu hỏi liên quan đến những loại "thực phẩm tin đồn" đang lưu hành trên thị trường cho các bạn có nhu cầu tìm hiểu nhé.
1. Loại thực phẩm tin đồn liên quan đến tăng cường miễn dịch được hỏi nhiều nhất là yến sào (tổ yến) hay gọi tắt là yến.
Yến sào có nguồn gốc là nước bọt của chim yến, có thành phần dinh dưỡng chính là chất đạm và có thêm một ít loại chất khoáng. Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng nào cho kết quả là ăn nhiều yến sào sẽ giúp hệ miễn dịch mạnh hơn, sức đề kháng tốt hơn.
Nếu căn cứ trên thành phần của yến sào, và so sánh với thông tin về các thực phẩm cần ăn để giúp tăng cường miễn dịch trong bài viết trước: "Gia cố" hệ miễn dịch cá nhân giữa mùa dịch virus corona: "Ăn gì giúp gia tăng miễn dịch?" - Câu trả lời của chuyên gia khiến nhiều người "ngã ngửa" bạn sẽ thấy, yến sào cũng có thể có lợi cho sức đề kháng của cơ thể theo cơ chế cung cấp đủ các chất đạm thiết yếu, tương tự như sữa, trứng, cá, thịt heo...
Điều đáng phải suy nghĩ là giá yến sào cao hơn các loại thực phẩm giàu đạm kia gấp nhiều lần, trong khi thành phần dinh dưỡng có thể nghèo nàn hơn vì thiếu các loại vitamin, nhất là vitamin tan trong nước, chất béo thiết yếu... Chưa kể, nếu mua yến từ những nguồn gốc không tin cậy hoặc mua phải yến giả, thì có khi bạn phải trả một số tiền rất lớn cho một hiệu quả bằng zero. Vì vậy, nếu bạn có sẵn yến sào ở nhà thì cứ dùng, nhưng nếu phải mua giá cao với mục tiêu tăng miễn dịch thì hoàn toàn có thể dùng các dạng chất đạm khác để thay thế.
2. Safron (nhuỵ hoa nghệ tây): Loại nhuỵ hoa khô siêu đắt này thực ra chỉ là một dạng gia vị cao cấp của các đầu bếp châu Âu sử dụng cho những món ăn cổ truyền của giới quý tộc thời xưa. Nó tạo hương vị và màu sắc đặc biệt nhiều hơn là giúp tăng thêm giá trị dinh dưỡng. Các bài viết về tác dụng lên sức khoẻ của safron đa số do các công ty kinh doanh và những người bán hàng viết và truyền bá, chưa tìm thấy nghiên cứu trên người nào được đăng trên các tạp chí y khoa về khả năng tăng cường miễn dịch của safron.
3. Các loại thực phẩm gia vị tươi như gừng, hành, tỏi, sả… Thành phần có tác dụng kích thích miễn dịch trong các gia vị này chính là các flavonoid, tức là các loại tinh dầu thực vật có trong các gia vị, bay hơi ở nhiệt độ cao (tức là khi được nấu, sao, sắc…) và không hoà tan trong nước. Chúng chủ yếu hoà tan trong chất béo.
Các flavonoid này đã được chứng minh ở một vài nghiên cứu là có tính sát trùng nhẹ, làm khô se niêm mạc vùng hầu họng, có thể làm co nhỏ niêm mạc, thông thoáng mũi xoang, giảm tiết dịch hầu họng… Theo cơ chế này, các loại flavonoid có tác dụng trên hệ miễn dịch khi xông trong hơi nước, chứ không phải khi uống.
Lúc uống nước sắc những gia vị này ở nhiệt độ nóng, lúc ngậm trong miệng flavonoid cũng có thể bay hơi và tác động lên niêm mạc vùng mũi họng. Lưu ý là những người có cơ địa nhạy cảm với flavonoid nên tránh dùng biện pháp này, và chỉ xông ở dạng hơi nước, chứ không xông tinh dầu ở dạng khô, vì khô niêm mạc chính là một trong những yếu tố làm giảm đề kháng tại chỗ ở niêm mạc.
4. Các loại viên bổ sung dưỡng chất, bổ sung vitamin C… : đã có thông tin trong bài viết trước, bạn có thể xem kỹ hơn. "Ăn gì giúp gia tăng miễn dịch?"
Giống hệt như việc tăng giá khẩu trang, mùa dịch là mùa các "thực phẩm tin đồn" sẽ ăn theo để tăng doanh số bán hàng. Chọn mua và sử dụng hay không đương nhiên là quyền của bạn, nhưng nếu chi một số tiền đáng kể trong thu nhập của bạn cho một điều thiếu cơ sở và không hiệu quả, có lẽ cũng là điều không ai muốn.